Aa

Liên tục "hành động mạnh", Ngân hàng Nhà nước đang nhắm đến đích gì?

Thứ Ba, 03/12/2019 - 10:30

Chỉ trong vòng có hơn 2 tháng, NHNN đã hạ lãi suất điều hành, hạ trần lãi suất huy động và cho vay, hạ lãi suất OMO rồi hạ cả lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc...

Trong thời gian ngắn gần đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tục có những động thái chính sách liên quan đến tiền tệ, ngân hàng. Cụ thể, tiếp nối sau động thái hạ 0,25 điểm phần trăm một số lãi suất điều hành trong tháng 9, NHNN hồi tháng 10 quyết định cắt giảm trần lãi suất cả huy động lẫn cho vay đối với các tổ chức tín dụng. 

Trung tuần tháng này, NHNN hạ 0,5 điểm phần trăm lãi suất OMO. Và mới hôm qua 02/12 NHNN lại ban hành các quyết định lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc và tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng (TCTD) theo hướng giảm đáng kể (giảm 0,4 điểm phần trăm so với mức ban hành hồi tháng 7 là 1,2% đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc VNĐ của TCTD tại NHNN).

Xoay quanh những động thái liên tục của nhà điều hành, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tài chính TS. Phan Minh Ngọc để hiểu rõ thêm về mục tiêu mà NHNN đang hướng tới.

PV: Thưa ông, có nhiều người cho rằng các động thái về chính sách tiền tệ của NHNN thời gian qua đều nhất quán hướng đến một đích duy nhất là hỗ trợ các ngân hàng và hạ mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế theo định hướng của Thủ tướng đưa ra mới đây, ông nghĩ sao về ý kiến này?

TS. Phan Minh Ngọc: Thực tế không hoàn toàn (đơn giản) như vậy. Bởi các động thái vừa đưa ra của NHNN thực ra không có cùng mục đích, và, do đó, việc hiểu được và hiểu đúng động thái của NHNN không phải là điều dễ dàng (và có lẽ ngay cả NHNN cũng khó có thể cắt nghĩa rõ ràng các động thái của mình).

PV: Ông có thể phân tích cụ thể hơn từng động thái vừa qua của NHNN?

TS. Phan Minh Ngọc: Trước hết là với việc hạ lãi suất điều hành 0,25 điểm phần trăm. Về nguyên tắc, đây chính là một động thái nới lỏng tiền tệ. Nhưng mức cắt giảm lãi suất điều hành như vậy là quá nhỏ (trên mặt bằng lãi suất điều hành các loại 5 - 7%), đặc biệt là so với mức cắt giảm tương đối ở các nước khu vực (tuy cũng là 0,25% nhưng trên một mặt bằng lãi suất khá thấp 2 - 3%). Đó là chưa kể NHNN có sẵn lòng cung ứng vốn với lãi suất hạ đi như vậy cho các TCTD hay không là điều chưa được thể hiện rõ ràng.

Như vậy, như đã được phân tích trước đây, việc hạ lãi suất điều hành này của NHNN chỉ mang tính biểu trưng là chính, khó có thể nói rằng chính sách tiền tệ tại Việt Nam đã được nới lỏng. Và theo đó thì cũng khó có thể nói NHNN đã hỗ trợ tích cực hệ thống ngân hàng thương mại qua việc hạ lãi suất này, trừ khi trong tháng này và những tháng tới NHNN lại tiếp tục có những động thái tương tự.

Chuyển sang việc NHNN hạ lãi suất trên thị trường OMO. Mức hạ 0,5 điểm phần trăm tuy là mức hạ đáng kể (thực tế đây là bước giảm lớn nhất trong 5 năm trở lại đây và là lần giảm thứ hai trong năm nay) nhưng lưu ý kênh này đã không hoạt động trong gần 3 tháng trước đó. Như vậy, có thể nói việc hạ lãi suất OMO có chăng chỉ mang tính thời vụ, nhất thời, nhằm "chữa cháy" thanh khoản của hệ thống trong từng thời điểm là chính, chứ không nhất thiết là một phần trong một chuỗi các hành động nhất quán hướng đến mục tiêu là giảm lãi suất và hỗ trợ hệ thống ngân hàng thương mại.

Đến hành động hạ trần lãi suất huy động và cho vay với các TCTD thì bản chất sự việc đã hoàn toàn khác so với các hành động nêu trên. Cụ thể hơn, cần lưu ý rằng việc hạ trần lãi suất thực chất là một biện pháp hành chính mà NHNN áp dụng đối với hệ thống ngân hàng thương mại qua đó (hy vọng) làm giảm được mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế, trong khi NHNN không phải nới lỏng tiền tệ để hạ lãi suất như là một chức năng chính của họ. 

Nói cách khác, các ngân hàng thương mại phải tự xoay sở, cân đối để sao cho vẫn giữ chân được khách hàng gửi tiền với lãi suất huy động thấp hơn trong khi phải cắt giảm lãi suất cho vay với một số đối tượng, loại hình. Như thế, thậm chí phải nói ngược lại rằng việc cắt giảm trần lãi suất huy động và cho vay đã và sẽ làm khó (nhiều) TCTD.

Đối với hành động hạ lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc và tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc, điều này cũng có tác dụng tương tự như việc hạ trần lãi suất huy động và cho vay ở cái nghĩa là nó sẽ làm khó, chứ không phải làm dễ, cho các TCTD.

Nhân đây, cần lưu ý rằng hành động này của NHNN là hoàn toàn khác với hành động nới lỏng tiền tệ thông qua việc cắt giảm tỷ lệ tiền gửi dự trữ bắt buộc. Dường như đang có sự nhầm lẫn lớn hiện nay, đánh đồng việc hạ lãi suất trả trên tiền gửi dự trữ bắt buộc của các TCTD tại NHNN với việc NHNN hạ tỷ lệ tiền gửi dự trữ bắt buộc áp dụng với các TCTD.

Khi NHNN hạ lãi suất áp dụng cho các khoản tiền gửi dự trữ và vượt dự trữ bắt buộc của các TCTD thì có nghĩa là TCTD sẽ nhận được ít hơn tiền lãi cho cùng một khoản tiền gửi dự trữ bắt buộc của mình tại NHNN. Nói cách khác, điều này tương tự như việc NHNN thắt chặt chính sách tiền tệ, làm số tiền cung ra nền kinh tế giảm đi. Với sự cắt giảm tới 0,4 điểm phần trăm trên mức lãi suất 1,2%, có thể nói sự thắt chặt tiền tệ này của NHNN là rất đáng kể.

PV: Vậy theo ông các chuỗi hành động chính sách mạnh và liên tiếp của NHNN là nhắm tới điều gì?

TS. Phan Minh Ngọc: Xâu chuỗi các hành động chính sách gần đây của NHNN, điều có thể kết luận được ở đây chỉ là NHNN vẫn đang điều hành chính sách tiền tệ trung thành với phương châm từ trước đến này của mình là "thận trọng" (theo hướng thắt chặt nhiều hơn là nới lỏng, để không kích hoạt lạm phát, tỷ giá yếu đi v.v...), "linh hoạt" (sẽ nới ra đôi chút và nhất thời khi việc thắt chặt chính sách tiền tệ gây ra sự căng thẳng quá mức trong thanh khoản), và "đồng bộ" (sử dụng nhiều công cụ lãi suất, và cả tỷ giá).

Xin cảm ơn những ý kiến của ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top