Cho đến thời điểm hiện tại đã có 25/35 ngân hàng công bố BCTC hoặc "tiết lộ" kết quả kinh doanh cả năm 2019 cho thấy bức tranh lợi nhuận rực rỡ của ngành ngân hàng năm vừa qua.
So với kết quả kinh doanh năm 2018, hoạt động kinh doanh của các ngân hàng năm 2019 để lại nhiều dấu ấn quan trọng từ "lợi nhuận khủng", tới nợ xấu giảm mạnh, hướng tới những chuẩn mực mới tiệm cận với chuẩn mực quốc tế.
Top 10 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất năm 2019 ghi nhận sự bứt tốc ngoạn mục của khối ngân hàng quốc doanh, đặc biệt là Vietinbank và Agribank.
Năm 2019 tiếp tục ghi dấu ấn mạnh mẽ của "cánh chim đầu đàn" Vietcombank khi ngân hàng này cán mốc lợi nhuận 23.122 tỷ đồng, cao hơn cả lợi nhuận Vietinbank và BIDV cộng lại.
Tiếp sau Vietcombank ghi nhận sự bức tốc mạnh mẽ của 2 ngân hàng quốc doanh là Agribank và Vietinbank. Đây có thể là dấu mốc quan trọng của Agribank trước cổ phần hoá khi ngân hàng này lần đầu tiên ghi tên mình vào Top 3 lợi nhuận cao nhất và có thể là đứng vị trí thứ 2 sau Vietcombank.
Agribank chưa công bố con số lợi nhuận chính thức cả năm 2019, tuy nhiên, tính tới hết tháng 11, theo chia sẻ của lãnh đạo ngân hàng này, con số lợi nhuận đã vượt mốc 12.000 tỷ đồng. Như vậy, không loại trừ khả năng lợi nhuận Agribank có thể vượt mốc 12.838 tỷ đồng cả năm của Techcombank để giữ vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng.
Năm 2019 ghi nhận sự trở lại ngoạn mục của các ông lớn ngân hàng quốc doanh khi cả 4 ngân hàng đều nằm trong Top 5 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất sau nhiều năm bị các ngân hàng thương mại tư nhân lấn lướt.
Vietinbank trở lại ấn tượng với con số lợi nhuận 11.780 tỷ đồng, tăng trưởng 79,6%, xếp thứ 4; BIDV về đích ở vị trí thứ 5 với con số lợi nhuận 10.768 tỷ đồng. Như vậy Top 5 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất năm 2019 chỉ còn Techcombank là ngân hàng thương mại tư nhân.
Cùng với sự tăng trưởng vượt bậc của các ngân hàng quốc doanh, năm 2019 cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao của các ngân hàng thương mại tư nhân, tiếp tục giữ vững vị thế trong Top 10 của các năm trước đó. Vẫn là những cái tên quen thuộc: VPBank, MB Bank, ACB, HDBank và VIB. Trong đó có 2 ngân hàng lọt vào câu lạc bộ ngân hàng lợi nhuận trên 10.000 tỷ là VPBank và MBBank.
Theo sau Top 10 có 4 ngân hàng nằm trong top lợi nhuận trên 3.000 tỷ đồng, gồm OCB, TPBank, SHB, Sacombank.
Xét về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận năm 2019 có thể thấy sự bứt tốc của nhiều ngân hàng nhỏ với tốc độ tăng trưởng cao, gấp đôi so với năm 2018. Đáng chú ý như SeABank cán mốc lợi nhuận 1.390 tỷ đồng, tăng 123% so với năm 2018; VietABank lợi nhuận tăng 100%, đạt 302 tỷ đồng. Cùng với đó, một số ngân hàng lớn cũng có tốc độ tăng trưởng vượt bậc như Vietinbank, Agribank với tốc độ tăng trưởng trên 50%.
Nhìn chung tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của 25/35 ngân hàng cho thấy tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng khá cao, trung bình từ 20 - 70%, chưa thấy ngân hàng nào báo lỗ.
Cùng với con số lợi nhuận khủng, năm 2019 kết quả hoạt động của các ngân hàng cũng cho thấy tỷ lệ nợ xấu "trong mơ", đa số các ngân hàng đã giảm nợ xấu về dưới 2%. Trong đó có những ngân hàng nợ xấu chỉ còn dưới 1%, như Viecombank nợ xấu là 0,78%; HDBank nợ xấu là 0,98%; ACB là 0,54%.
Về áp dụng thông lệ quốc tế, cho tới thời điểm hiện tại, đã có 18/35 ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước phê chuẩn áp dụng Basel II gồm: Vietcombank, MBB, Techcombank, ACB, VIB, OCB, HDBank, MSB, VPBank, TPBank, Vietbank, VietcapitalBank, SeABank, LienvietpostBank, NamABank, BIDV, Standard Chartered, ShinanBank.
Đáng chú ý, cho tới thời điểm hiện tại có 2 ngân hàng nằm trong 10 trường hợp được Ngân hàng Nhà nước chọn làm thí điểm áp dụng chuẩn Basel II nhưng chưa thể áp dụng. Việc áp dụng chuẩn Basel II phụ thuộc rất lớn vào khả năng tăng vốn điều lệ của các ngân hàng. Đó là lý do tại sao trong năm 2019 cấp tập các ngân hàng tăng vốn điều lệ để đáp ứng được yêu cầu của cơ quan quản lý trong áp dụng các chuẩn mực mới.
Năm 2020 hứa hẹn sẽ có nhiều chuyển động mới trong hoạt động ngành ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng nhà nước như Agribank sẽ bắt đầu phương án cổ phần hoá; sẽ có phương án cụ thể để tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém bị mua lại bắt buộc (Oceanbank, GPBank, CBBank) hoặc sáp nhập với các ông lớn hoặc bán cho đối tác nước ngoài. Ngoài ra, rất có thể HDBank và PGBank sẽ chính thức về một nhà.
Cập nhật lợi nhuận 25 ngân hàng năm 2019: Vietcombank đạt 23.122 tỷ đồng; Agribank đạt 12.000 tỷ đồng (11 tháng); Techcombank đạt 12.838 tỷ đồng; Vietinbank đạt 11.780 tỷ đồng; BIDV đạt 10.768 tỷ đồng; VPBank đạt 10.334 tỷ đồng; MBBank vượt 10.000 tỷ đồng; ACB đạt 7.516 tỷ đồng; HDBank đạt 5.108 tỷ đồng; VIB đạt 4.028 tỷ đồng; TPBank đạt 3.868 tỷ đồng; Sacombank đạt 3.217 tỷ đồng; OCB đạt 3.232 tỷ đồng; ABBank đạt 1.229 tỷ đồng; SeABank đạt 1.390 tỷ đồng; NamABank đạt 935 tỷ đồng; VietABank đạt 302 tỷ đồng; Kienlongbank đạt 86 tỷ đồng.