LTS: Trong những năm qua, Thanh Hoá đã và đang phát triển mạnh mẽ trên nhiều phương diện, trong đó có thị trường bất động sản, thu hút được nhiều nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế và uy tín.
Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp có tâm có tầm thì vẫn một số đơn vị "tranh thủ" kẽ hở của pháp luật để kiếm lời, trong đó phải kể tới các dự án "phân lô, bán nền" đang có chiều hướng phức tạp tạo dư luận xấu, tiềm ẩn nguy cơ gây “méo mó thị trường”, ảnh hưởng tới quy hoạch chung của địa phương…
Nguyên nhân khiến tình trạng trên có diễn biến phức tạp là do đâu và chính quyền các cấp cần đề ra giải pháp căn cơ nào để chấn chỉnh, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh?
Trên tinh thần nghiên cứu, thông qua thu thập tài liệu và khảo sát thực tế, Reatimes khởi đăng tuyến bài: "Bát nháo phân lô bán nền tại Thanh Hóa"
Bài 1: Loạn phân lô bán nền trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
Trân trọng giới thiệu tới quý độc giả!
Thời gian qua, thị trường bất động sản có vai trò rất quan trọng trong việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn một số tồn tại bất cập như: Việc phát triển các dự án bất động sản ở một số địa phương không theo quy hoạch và kế hoạch, chưa phù hợp với nhu cầu của thị trường; quy định giao dịch bất động sản không bắt buộc qua sàn đã tạo cơ sở cho việc hình thành nên các “dự án ma”, các vụ việc lừa đảo khách hàng, mặt khác Nhà nước cũng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý thông tin về thị trường bất động sản, đồng thời xảy ra tình trạng thất thu thuế, thất thu cho Ngân sách Nhà nước; công tác quản lý Nhà nước chưa chặt chẽ, chưa kịp thời, chưa đáp ứng tốt yêu cầu quản lý...
Nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập nêu trên và tiếp tục thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 29/8/2022 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Trên tinh thần của Chỉ thị số 13 của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra văn bản 15388/UBND-CN ngày 17/10/2022 để triển khai chỉ thị, đáng chú ý về việc cần ngăn chặn chia tách “phân lô, bán nền” là một trong số những nội dung được đề cập đến.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng tổ chức lập, thẩm định, trình cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn; thực hiện công khai minh bạch thông tin quy hoạch xây dựng, danh mục, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương trên địa bàn tỉnh trên trang thông tin điện tử của Sở và các phương tiện thông tin đại chúng; chủ động kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá bán để trục lợi bất hợp pháp.
Khẩn trương hoàn thành việc rà soát, hoàn thiện hồ sơ đề xuất danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Thanh Hóa năm 2022 và các năm tiếp theo của giai đoạn 2021 - 2025 đảm bảo tính quản lý, có kiểm soát, hướng đến thị trường nhà ở trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, bền vững, tránh hiện tượng lệch pha cung cầu và đảm bảo theo quy định; báo cáo UBND tỉnh trong quý IV/2022.
Thực hiện các biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách “phân lô, bán nền” tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng; tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay, “thổi giá” gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.
Theo dõi chặt chẽ, kịp thời, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và “bong bóng” bất động sản trên địa bàn tỉnh. Tăng cường kiểm tra, thanh tra đồng thời xử lý nghiêm với các trường hợp vi phạm về pháp luật về kinh doanh bất động sản, pháp luật về đất đai, pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan (nếu có).
Thực tế cho thấy, thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xuất hiện thực trạng tách thửa, phân lô, bán nền tại một số huyện như Triệu Sơn, Nga Sơn, Thọ Xuân, Thạch Thành, Ngọc Lặc…
Theo tìm hiểu của phóng viên, ở các huyện trên một số công ty bất động sản đang rao bán các dự án “bánh vẽ” bằng hình thức tự tách thửa, phân lô vẽ dự án khi chưa được đồng ý của các cơ quan chức năng trong việc chấp thuận chủ trương dự án.
Bằng hình thức thu gom đất của các hộ dân trên địa bàn, các công ty bất động sản tự ý vẽ dự án và gắn với các tên thương mại hay các dự án đất nền. Điển hình như dự án đất nền tại xã Cao Thịnh, Thúy Sơn, Kiên Thọ, Vân Am huyện Ngọc Lặc; dự án Phú Cường River Place tại xã Thạch Quảng, dự án phân lô tại xã Thúy Sơn, huyện Thạch Thành; hay như đất sổ đỏ tách thửa tại xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân; xã Hợp Tiến, huyện Triệu Sơn…
Dạo một vòng trên các trang mạng xã hội thật không khó để bắt gặp những quảng cáo rao bán dự án đất nền giá rẻ từ 150 triệu đồng/lô đến 250 triệu đồng/lô, lần theo những số điện thoại này, chúng tôi được một nhân viên môi giới giới thiệu là nhân viên sales của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hào Nam (Công ty Hào Nam). Theo thông tin từ nhân viên cho biết, Công ty Hào Nam hiện đang tiến hành bán 27 lô đất nền đã được tách sổ với giá chỉ khoảng 200 triệu đồng/lô.
Để tạo lòng tin với khách hàng về việc những lô đất này chắc chắn có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), nhân viên này đã gửi cho chúng tôi một bản cam kết về lộ trình để ra được GCNQSDĐ. Theo bản cam kết với nội dung về tiến độ pháp lý và mặt bằng thì Công ty Hào Nam sẽ bàn giao GCNQSDĐ trong thời gian 30 - 35 ngày kể từ ngày ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ). Tuy nhiên, nếu quá thời gian trên mà không bàn giao được GCNQSDĐ thì Công ty Hào Nam được phép kéo dài thời gian bàn giao lên 60 ngày.
Như vậy, Công ty Hào Nam đang “mập mờ” thời gian bàn giao GCNQSDĐ cho khách hàng và thực tế thời gian nhanh nhất mà khách hàng có thể nhận được GCNQSDĐ là hơn 3 tháng kể từ thời điểm ký hợp đồng mua bán.
Điều đáng nói, trong hợp đồng đặt cọc về việc chuyển nhượng QSDĐ của 27 lô đất tại xã Cao Thịnh, Công ty Hào Nam sẽ là đơn vị đứng ra nhận đặt cọc tiền và thực hiện chuyển nhượng QSDĐ cho khách hàng. Tuy nhiên, chủ thực sự đứng tên GCNQSDĐ của 27 lô đất trên lại là một hộ dân tại xã Cao Thịnh mà không phải là Công ty Hào Nam.
Tìm hiểu được biết, 27 lô đất nền trên được tách từ đất của ông Phan Đình Thắng với diện tích ban đầu là 5.619,9m2; thửa đất số 198, tờ bản đồ số 13 tại làng Cao Sơn, xã Cao Thịnh, huyện Ngọc Lặc. Thửa đất này đã được Văn phòng đăng ký đất đai huyện Ngọc Lặc đo đạc chỉnh lý, sau đó thửa đất tách này được tách thành 27 lô đất mới do Giám đốc Chi nhánh là Trương Văn Huyền ký.
Ngoài ra, với “chiêu trò hiến đất làm đường”, Công ty Hào Nam dễ dàng phân thửa đất này thành các lô đất có diện tích vừa phải, đồng thời, đây là chiêu trò cho mục đích giới thiệu tới khách hàng nhằm chứng minh rằng công ty đang làm cơ sở hạ tầng để dễ dàng lôi kéo khách hàng.
Cũng với “chiêu trò” tương tự thì Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính Phú Cường (Công ty Phú Cường) cũng đang triển khai phân lô, bán nền tại huyện Ngọc Lặc và Thạch Thành. Tại làng Nán, xã Nguyệt Ấn, huyện Ngọc Lặc, Công ty Phú Cường đang tiến hành phân lô và rao bán 20 lô đất nền tại thửa đất số 18, tờ bản đồ số 28 do hộ ông (bà) Cao Thị Thưởng đứng tên.
Cụ thể, Công ty Phú Cường đang tiến hành phân lô và rao bán hàng chục lô đất với tên gọi là dự án “Phú Cường River Place” tại xã Thạch Quảng, huyện Thạch Thành. Ngoài các chiêu trò như cam kết ra sổ, tách sổ… thì nhân viên của Công ty Phú Cường còn giới thiệu với khách hàng sẽ thuê lại các lô đất với lãi suất 15,5%/năm (cao hơn lãi suất ngân hàng) hoặc mua lại với giá trị 120 - 130%/lô.
Ngoài những dự án đã được báo chí phản ánh thì tình trạng phân lô, bán nền thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xuất hiện ngày càng nhiều và có xu hướng nổ rộ. Sự việc này đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về những rủi ro cho khách hàng khi xuống tiền tại những "dự án ma" này.
Mời bạn đón đọc bài 2 với nội dung: “Rủi ro khi khách hàng xuống tiền tại những dự án “bánh vẽ”./.