Aa

Thị trường bất động sản Thanh Hóa trầm lắng, nhà đầu tư như... “ngồi trên lửa“

Viết Huy
Viết Huy hoanghuy1089@gmail.com
Thứ Bảy, 22/10/2022 - 06:12

Sau khi giá đất tăng nóng vào dịp đầu năm, đến nay thị trường bất động sản Thanh Hóa rơi vào trầm lắng, nhiều nhà đầu tư như ngồi trên đống lửa.

Thị trường có nhiều biến động

Trong 3 tháng đầu năm 2022, thời điểm sốt đất diễn ra cục bộ trên khắp các tỉnh của cả nước đã khiến giá đất tại các địa phương liên tục tăng, cùng nằm trong xu hướng chung của thị trường đó, giá đất tại Thanh Hóa cũng có xu hướng tăng cao, có nơi, giá đất tăng từ 2 đến 4 lần so với năm 2021.

Nguyên nhân của thực trạng trên được chuyên gia cho rằng đó là yếu tố tất yếu cả về khách quan và chủ quan. Ông Nguyễn Hữu Huy, chủ tịch HĐQT công ty cổ phần tập đoàn Phục Hưng cho rằng, sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đó là Xây dựng tỉnh Thanh Hoá trở thành một cực tăng trưởng mới của khu vực và cả nước với công nghiệp nặng, nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao là nền tảng; các ngành công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Chính những định hướng này là kim chỉ nam cho sự phát triển Thanh Hóa thời gian tới.

Ông Huy lý giải: “Chính những chính sách phát triển của tỉnh Thanh Hóa và Nghị quyết 58- NQ/TW đã tạo nên sức hút về đất đai tại tỉnh Thanh Hoá tăng lên và nhận được sự quan tâm của đông đảo khách hàng đến từ nhiều địa phương khác. Tại các huyện, thị xã, thành phố đang triển khai thực hiện nhiều dự án đầu tư lớn, trọng điểm với quy hoạch đồng bộ, khoa học và phù hợp với xu hướng phát triển chung của xã hội; đồng thời việc mở rộng đầu tư phát triển tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, phát triển du lịch biển đã thu hút được nhiều nhà đầu tư và đông đảo khách hàng đến từ Hà Nội và các tỉnh lân cận quan tâm”.

Nói chung, thị trường bất động sản Thanh Hóa phát triển nóng thời gian vừa qua đã mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội cho địa phương. Tuy nhiên, thị trường thường sẽ có những biến động theo thời gian, từ đó nó xuất hiện những mặt trái và được kiểm chứng qua thời kỳ sốt đất cục bộ vừa qua.

Thị trường bất động sản Thanh Hóa cuối năm 2022: Còn nhiều dư địa xấu
Thị trường bất động sản Thanh Hóa đầu năm 2022 có nhiều biến động (Ảnh: VH)

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Huy giải thích: “Một số nhà đầu tư, người môi giới bất động sản lợi dụng các thông tin về quy hoạch, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật và việc triển khai các dự án lớn, trọng điểm tại Sầm Sơn, Như Thanh, thông tin mở rộng địa giới các trung tâm đô thị như TP. Thanh Hóa, Sầm Sơn... để tung tin đồn thổi, mua đi bán lại bất động sản, lôi kéo người dân tham gia theo tâm lý đám đông vào các giao dịch bất động sản bằng hình thức đặt cọc, góp vốn, mua bán, trả giá rất cao trong các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất nhưng sau đó bỏ tiền đặt cọc, không nộp tiền trúng đấu giá gây nhiễu loạn thông tin nhằm đẩy giá bất động sản lên cao để trục lợi, gây lũng loạn thị trường bất động sản”.

Bên cạnh đó, những tháng đầu năm 2022 vẫn còn ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và khó khăn trong hoạt động kinh doanh dẫn đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào các kênh đầu tư sinh lời mà ít rủi ro hơn, theo đó bất động sản được đánh giá là một kênh đầu tư an toàn và được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Trước tình trạng thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu phát triển thiếu ổn định, minh bạch, có nguy cơ xảy ra bong bóng, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có các văn bản chỉ đạo kịp thời nhằm tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh, kiểm soát nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản, hướng đến thị trường nhà ở và bất động sản trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, bền vững, minh bạch. Do đó thị trường bất động sản từ tháng 4 năm 2022 đến nay đã có dấu hiệu chững lại.

Ngoài ra, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 21/2021/QĐ-UBND ngày 17/9/2021 quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh đã giảm tình trạng bỏ tiền đặt cọc. Từ đó góp phần hạn chế hiện tượng sốt đất ảo, đầu cơ đấu giá, thổi giá trục lợi, bảo đảm giá đất thị trường trên địa bàn tỉnh ổn định.

Đến nay, thị trường bất động sản Thanh Hóa cơ bản đã có sự ổn định, tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, sàn giao dịch bất động sản nhận định, thị trường tỉnh này sau khi bị các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa ra khuyến cáo, công với các yếu tố khác thì thị trường cơ bản lắng dịu, những địa phương xảy ra hiện tượng sốt đất rơi vào trầm lắng, các giao dịch hầu như giảm hẳn hoặc quay lại mức bình thường trước khi sốt đất xảy ra.

Thị trường xuất hiện tình trạng bán “cắt lỗ”

Sau 3 tháng sốt đất cục bộ, thị trường bất động sản Thanh Hóa hiện nay rơi vào cảnh “chợ chiều”, tại một số địa phương có dự án lớn không còn cảnh tấp nập, kẻ bán người mua như trước mà thay vào đó, thị trường ghi nhận tình cảnh vắng bóng nhà đầu tư. Không những vậy, nhiều nhà đầu tư trót “ôm” hàng nay tìm cách bán lỗ, bán tháo để thu hồi vốn nhưng cũng không thể giao dịch được vì giá đất còn quá cao.

Thị trường bất động sản Thanh Hóa cuối năm 2022: Còn nhiều dư địa xấu
Nhiều khu vực thị trường trước đây sôi động kẻ bán người mua thì nay rơi vào cảnh im ắng, không người xem (Ảnh: VH)

Ông Trịnh Văn Vĩnh, Giám đốc sàn giao dịch bất động sản Vĩnh Bảo cho biết, thị trường bất động sản Thanh Hóa thời gian gần đây cực kỳ căng thẳng đối với nhà đầu tư ngắn hạn do giá bất động sản tại Thanh Hóa giai đoạn này vẫn neo ở mức thời đỉnh sốt đất dù giao dịch đã giảm hẳn. Nhiều khu vực, thị trường bất động sản trước đây rất sôi động được giới đầu tư luôn săn đón như: TP. Sầm Sơn, huyện Hoằng Hóa, huyện Đông Sơn, huyện Hà Trung và huyện Quảng Xương... thì nay rơi vào cảnh im ắng, không người xem.

“Thị trường thời gian này cực kỳ khó khăn, giá bất động sản vẫn ở mức cao, các giao dịch chủ yếu tập trung ở phân khúc nhà ỡ xã hội và đất nền đã có đầy đủ pháp lý, tuy nhiên những giao dịch này rất ít. Khoảng vài tháng trở lại đây, thị trường xuất hiện hiện tượng nhà đầu tư bán cắt lỗ để thu hồi vốn, có những nhà đầu tư chấp nhận cắt 10-20% để bán được hàng”, ông Vĩnh chia sẻ.

Bà Trương Ngọc Diễm, một nhà đầu tư đất nền lâu năm cho biết: “Tôi mua 5 lô đất tại xã Quảng Đại và Hoằng Hóa bằng tiền vốn sẵn có và một phần đi vay lúc thị trường đang sốt đất cục bộ. Sau khi giao dịch thành công, nhiều nhà đầu tư khác có ý định mua lại với giá chênh từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng/lô nhưng tôi không bán vì nghĩ rằng giá đất sẽ tiếp tục lên nữa. Thế nhưng, sau khi sốt đất hạ nhiệt, thị trường đóng băng, tôi muốn bán những lô đất này nhằm thu hồi vốn nhưng cũng rất khó. Đến nay, sau 6 tháng ôm đất, tôi quyết định bán cắt lỗ mỗi lô 100 triệu đồng những cũng chẳng ai hỏi mua”.

Xu hướng thị trường cuối năm 2022

Cũng theo chuyên gia dự báo xu hướng và mức độ biến động của giá đất tại thị trường Thanh Hóa từ nay đến cuối năm 2022 có nhiều biến động. Nguyên nhân được các chuyên gia cho rằng do ảnh hưởng dư nợ về tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản lớn; ảnh hưởng bởi trái phiếu doanh nghiệp giảm và cuối cùng do ảnh hưởng về thuế bất động sản.

Thị trường bất động sản Thanh Hóa cuối năm 2022: Còn nhiều dư địa xấu
Nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường Thanh Hóa này sẽ có nhiều biến động, nhiều dư địa xấu có thể diễn ra cục bộ, lượng giao dịch sẽ giảm hẳn, hoạt động đầu cơ hay lướt sóng bất động sản cơ bản không còn (Ảnh: VH)

Thời gian qua, Chính phủ đang giao cho Bộ Tài chính đưa ra các giải pháp về thuế trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm phát triển thị trường bất động sản nhà ở bền vững, minh bạch dưới sự điều tiết, giám sát của Nhà nước.

Đồng thời, nghiên cứu đề xuất bổ sung một số loại thuế liên quan đến thị trường bất động sản theo hướng tăng mức điều tiết với đất và bổ sung thu thuế với nhà ở, nhằm khuyến khích sử dụng hiệu quả, góp phần hạn chế đầu cơ nhà, đất.

Cùng với đó, việc Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt tín dụng bất động sản nhằm hạn chế các hoạt động đầu cơ, giúp thị trường trở nên minh bạch và ổn định. Sự chỉ đạo kịp thời và thường xuyên của UBND tỉnh Thanh Hóa trong việc tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh, kiểm soát nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản, hướng đến thị trường nhà ở và bất động sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phát triển ổn định, bền vững, minh bạch.

Chính những nguyên nhân trên, cộng với những nguyên nhân khách quan khác, thị trường bất động sản Thanh Hóa những tháng cuối năm 2022 được các chuyên gia đánh giá sẽ có nhiều biến động, về giá đất trên thị trường sẽ ổn định và không có nhiều biến động so với năm 2021.

Tuy nhiên, với những chính sách về tăng cường quản lý thuế trong hoạt động chuyển nhượng bất động sản trong thời gian vừa qua và sự siết chặt tín dụng cho vay của các ngân hàng với hoạt động đầu tư bất động sản sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường bất động sản Thanh Hóa cuối năm 2022.

Nhìn chung, theo nhiều chuyên gia, thị trường tỉnh này sẽ có nhiều biến động, nhiều dư địa xấu có thể diễn ra cục bộ, lượng giao dịch sẽ giảm hẳn, hoạt động đầu cơ hay lướt sóng bất động sản cơ bản không còn, thị trường sẽ thanh lọc cục bộ đối với những nhà đầu tư nhỏ lẻ, kể cả các sàn giao dịch hay môi giới bất động sản không đủ năng lực và tiềm lực lực kinh tế./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top