Cảnh giác với “kịch bản” của cò
Sau nhiều tháng theo dõi, đi thực tế thị trường Bình Dương, anh Khánh Hưng, nhà đầu tư đất nền, đã quyết định bỏ thị trường này để dồn về TP.HCM. Anh Hưng cho biết, thời đỉnh sốt, hồi năm 2007, anh đã từng đầu tư lướt sóng và khá thành công tại thành phố mới. Sau khi thị trường lao dốc, đặc biệt từ khoảng năm 2015 đến nay, khi nhiều đại gia địa ốc lần lượt rời khỏi Bình Dương, thì thông tin cũng trầm lắng theo.
“Gần đây, bất động sản Bình Dương lại rộ lên những thông tin trái chiều. Tôi khá tò mò về những thông tin này và đã đi thực tế kiểm chứng. Nói về tiềm năng, những gì cò đất nói hôm nay cũng chẳng khác gì mấy so với 10 năm trước. Tuy nhiên, điều tôi quan tâm nhất là giá bán và tính thanh khoản.
Một số người bạn của tôi mua đất ở thành phố mới đã nhiều năm nhưng không ra được hàng, dù chấp nhận cắt lỗ. Chỉ có một số khu vực giáp khu dân cư hiện hữu, đông đúc thì giá vẫn nhích lên. Đây là giao dịch thật, người mua có nhu cầu ở thật. Có những dự án hoành tráng, mở bán đợt sau tăng giá hơn đợt trước là do chủ đầu tư tự điều chỉnh giá. Tuy nhiên, vị trí xa khu dân cư hiện hữu thì thanh khoản thị trường thứ cấp rất kém” - anh Hưng nói.
Cũng theo nhà đầu tư này, muốn kiểm chứng thông tin thị trường không có gì khó. Phải đi thực tế thị trường, quan sát sự phát triển của từng khu vực, khảo sát giá qua nhiều môi giới, lui tới những văn phòng đăng ký đất đai để xem có nhộn nhịp không.
“Những người non kinh nghiệm thường đi xem đất theo “kịch bản” của cò. Họ bị cò bơm thổi thông tin bằng những bài viết quảng cáo, bị dẫn theo những cung đường được coi là sầm uất nhất mà không thấy những khu hoang vắng, tiêu điều… Kết thúc là một sự kiện rất đông người, trong đó có cả thành phần “chim mồi”. Từ đầu đến cuối “kịch bản” đều rất thuyết phục, khiến khách hàng dễ mắc bẫy” - anh Hưng khuyến cáo.
Dùng số liệu ảo để “bơm” thị trường
Thực tế, không phải nhà đầu tư nào cũng có điều kiện tài chính để giao dịch nhà đất nhiều lần và rút ra kinh nghiệm. Chính vì vậy, những thông tin quảng cáo được lặp đi lặp lại nhiều lần cũng có thể khiến những người “chân ướt, chân ráo” vào thị trường tưởng là thật.
Lợi dụng tâm lý đó, đã có công ty địa ốc ở Bình Dương tung thông tin quảng cáo đất nền Bình Dương đang sôi động trở lại và nhiều dự án tăng đến 50% trong một thời gian ngắn. Loạt bài quảng cáo của đại gia này có những thông tin khẳng định “chắc như đinh đóng cột”, như: Ở Dĩ An, khu dân cư Tân Bình, giá hiện nay là 850 triệu đồng một nền, tăng 100 triệu đồng so với lúc chủ đầu tư chào bán vào tháng 1/2017; khu dân cư Đông Hòa từ 13 triệu đồng tăng lên 16 triệu đồng một m2; dự án khu đô thị The Mall City 2 đang được giao dịch trên thị trường với giá từ 1,5 tỷ đồng một nền trong khi giá gốc chỉ khoảng 700 triệu đồng…
Dù khẳng định con số rất chắc chắn, nhưng theo các chuyên gia, không nên vội tin những con số này mà phải kiểm chứng, bằng cách gọi cho nhiều môi giới, để kiểm tra giá. Nếu doanh nghiệp đang bán ở thị trường nào thì việc họ đưa số liệu tốt để kích thị trường đó là chuyện hoàn toàn có thể. Mặt khác, bất động sản tùy vị trí, kích thước nền đất, hướng… sẽ có giá từng sản phẩm khác nhau. Do vậy, việc đưa thông tin kiểu “đồng giá” như trên là thiếu thực tế.
Khi phóng viên đặt vấn đề về tính xác thực, chính doanh nghiệp quảng cáo cho biết, những số liệu trên được tham khảo từ một bài viết trên trang rao vặt về bất động sản. Những câu hỏi sâu hơn như: Từng số liệu trong bài được thu thập như thế nào (khảo sát số lượng bao nhiêu sản phẩm, khảo sát thời điểm nào, thông tin thu thập từ kênh nào, ai là người thu thập số liệu); Từng mức giá theo số liệu trong bài là mức giá do môi giới rao bán tăng hay mức giá giao dịch thật tăng? Có bao nhiêu giao dịch thật được ghi nhận để đưa ra từng số liệu này? đều bị từ chối trả lời.
Trong bối cảnh thị trường nhiễu loạn, khách hàng cần hết sức thận trọng, kiểm chứng thông tin để tránh rơi vào bẫy cò. Đặc biệt, là những sự kiện được gom đông người, để tạo sốt, với cảnh tranh mua tranh bán, theo “kịch bản” cài cắm “chim mồi” đóng vai khách hàng.