Doanh thu, lợi nhuận giảm trên 90%
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (Mã: KBC) ghi nhận doanh thu đạt hơn 152 tỷ đồng, giảm 93% so với mức 2.213 tỷ đồng trong quý I/2023. Lãi gộp theo đó lao dốc 95% xuống 74 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp tương ứng giảm xuống dưới mốc 50%. Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính cũng giảm 56%, còn gần 68 tỷ đồng.
Mặc dù, Kinh Bắc đã tiết giảm đáng kể chi phí tài chính cùng chi phí bán hàng, tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp vẫn tăng so với cùng kỳ. Kết quả, KBC ghi nhận lỗ sau thuế gần 77 tỷ đồng, so với mức lãi hơn 1.056 tỷ đồng của quý I/2023, đánh dấu quý thua lỗ sau 4 quý có lãi liên tiếp trước đó (lần lỗ gần nhất là -540 tỷ đồng trong quý IV/2022).
Như vậy, so với mục tiêu tổng doanh thu 9.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.000 tỷ đồng được đặt ra cho năm 2024, Kinh Bắc mới thực hiện được gần 2% kế hoạch doanh thu và chưa ghi nhận bất kỳ đồng lợi nhuận nào.
Theo lý giải của Ban lãnh đạo Kinh Bắc, doanh thu quý đầu năm giảm mạnh chủ yếu do không ghi nhận doanh thu thuê đất và cơ sở hạ tầng; trong khi đó, cùng kỳ năm trước, hoạt động này đã đem về hơn 2.068 tỷ đồng. Đây chính là nguyên nhân chủ chốt khiến Kinh Bắc phải báo lỗ trong quý I.
Tính đến ngày 31/3/2024, tổng tài sản của Kinh Bắc tăng gần 18% so với đầu năm, lên 39.377 tỷ đồng. Tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn của tổng công ty ghi nhận hơn 8.000 tỷ đồng, chiếm gần 21% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn hơn 4.770 tỷ đồng, chiếm 12% tổng tài sản.
Tính tới cuối quý I, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của KBC tăng hơn 9% so với đầu năm, lên hơn 4.000 tỷ đồng.
Dự án Tràng Cát tiêu tốn 8.200 tỷ đồng chưa đem lại doanh thu
Nhìn vào danh mục dự án mà Kinh Bắc đang đang đầu tư xây dựng thì Khu đô thị và dịch vụ Tràng Cát hiện là một trong những dự án trọng điểm của KBC, với tổng diện tích gần 585ha. Dự án do công ty con là Công ty TNHH MTV Phát triển đô thị Tràng Cát làm chủ đầu tư.
Tính tới cuối quý I/2024, tổng giá trị đã đầu tư lũy kế vào dự án là 8.243 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện tại gần như chưa có công trình hạ tầng nào được công ty triển khai xây dựng tại dự án này.
Kinh Bắc mới cơ bản hoàn thành việc nộp tiền thuê đất cho dự án. Tháng 10/2023 vừa qua, dự án đã được UBND TP. Hải Phòng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 với diện tích đất thương phẩm mới là hơn 282ha, tăng thêm khoảng 70ha sau sửa đổi.
Ngay sau đó, để chuẩn bị kế hoạch phát triển dự án, HĐQT Kinh Bắc đã ban hành nghị quyết thông qua việc tăng vốn điều lệ cho Công ty Tràng Cát lên gần gấp đôi, từ 6.630 tỷ đồng lên 12.681 tỷ đồng. Đồng thời trao đổi các phương án đầu tư với các tổ chức tín dụng để chuẩn bị nguồn vốn sẵn sàng cho dự án này.
Tại ĐHCĐ bất thường lần 1 năm 2024, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc Đặng Thành Tâm cho biết, Công ty đang đặt mục tiêu đến tháng 6/2024 có thể hoàn thiện thủ tục pháp lý cho dự án Khu đô thị Tràng Cát.
Như vậy, mặc dù chiếm gần 1/4 giá trị tổng tài sản công ty nhưng sau gần chục năm khởi công xây dựng, đồng thời liên tục được "rót" hàng trăm tỷ đồng vốn đầu tư hàng năm, siêu dự án Khu đô thị Tràng Cát ở thời điểm hiện tại vẫn chưa có nhiều chuyển biến và chưa đem lại doanh thu cho Kinh Bắc.
Mới đây nhất, Công ty CP Du lịch Sài Gòn – Hàm Tân đã có khoản đặt cọc dài hạn 5.650 tỷ đồng để đảm bảo việc ký kết và thực hiện hợp đồng dịch vụ môi giới bất động sản tại dự án Khu đô thị và dịch vụ Tràng Cát. Thời điểm hoàn trả tiền đặt cọc là ngày 20/9/2025, nếu hợp đồng không được thực hiện.
Tuy nhiên, theo nhiều đánh giá, dự án Khu đô thị và dịch vụ Tràng Cát khả năng phải đến cuối năm 2025 mới đưa vào kinh doanh, vì vậy khoản cọc 5.650 tỷ đồng có thể bị hoàn lại.
Thận trọng với tham vọng mở rộng quỹ đất và quy mô dự án
Ngoài dự án Khu đô thị và dịch vụ Tràng Cát, Kinh Bắc hiện nay còn có nhiều dự án dang dở khác với tổng số vốn bỏ ra lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Tính đến cuối tháng 3/2024, hàng tồn kho KBC ghi nhận gần 12.684 tỷ đồng, chiếm 32% tổng tài sản, tăng gần 4% so với đầu năm. Đáng lưu ý, toàn bộ số này là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang. Trong đó, ngoài dự án Khu đô thị và dịch vụ Tràng Cát với 8.243 tỷ đồng còn có dự án Khu đô thị Phúc Ninh 1.113 tỷ đồng, Khu công nghiệp Tân Phú Trung 935 tỷ đồng, Nhà ở xã hội Thị trấn Nếnh 776 tỷ đồng, Khu công nghiệp Nam Sơn - Hạp Lĩnh 641 tỷ đồng...
Ngoài ra, Kinh Bắc cũng có 504 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại các dự án Khu ngoại giao đoàn Hà Nội (106 tỷ đồng), Hệ thống cấp nước và xử lý nước thải thuộc Khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh (125 tỷ đồng)...
Trong bối cảnh đang sở hữu nhiều dự án "chôn vốn" cùng với quỹ đất rộng hơn 6.000ha - được mệnh danh là "chim bay gãy cánh" nhưng dường như Kinh Bắc vẫn không ngừng tham vọng mở rộng quy mô dự án và quỹ đất trên khắp cả nước.
Tại ĐHCĐ bất thường lần 1 năm 2024, doanh nghiệp cho biết sẽ chuẩn bị quỹ đất khu công nghiệp mới nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư trong giai đoạn tới. Cùng với đó là nỗ lực thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết để tiếp cận được phê duyệt mới các dự án tại Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hậu Giang, Cần Thơ, Vũng Tàu với tổng diện tích dự kiến phát triển thêm 3.500ha đất khu công nghiệp và 650ha đất khu đô thị.
Như vậy, nếu đạt được kế hoạch đề ra, năm 2024, Kinh Bắc sẽ có thêm cho mình hơn 4.000ha đất, nâng tổng quỹ đất của doanh nghiệp vượt ngưỡng 10.000ha.
Việc sở hữu quỹ đất lớn sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trong việc thu hút FDI, nhất là trong bối cảnh làn sóng chuyển dịch đầu tư đang hướng về Việt Nam. Tuy nhiên, trong "cơn say" mở rộng quỹ đất, dường như doanh nghiệp cũng cần đo lường khả năng đảm bảo tiến độ dự án, để tránh trường hợp không kịp bàn giao cho nhà đầu tư, làm ảnh hưởng đến lợi nhuận và uy tín của doanh nghiệp.
Đặc biệt, với hàng loạt dự án còn dở dang, nếu tiếp tục mở rộng quỹ đất, "cõng" thêm nhiều dự án lớn như mục tiêu đề ra, nếu triển khai thành công trong giai đoạn tới, Kinh Bắc sẽ như "hổ mọc thêm cánh", ngược lại, đây cũng là con dao hai lưỡi, là "gót chân A-sin" nếu doanh nghiệp gặp rủi ro trong việc đầu tư kinh doanh. Vì vậy, việc mở rộng quỹ đất cần được cân nhắc thận trọng để tránh đầu tư dàn trải, chôn vốn, ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh doanh nghiệp./.