Aa

Loạt dự án sân bay miền núi phía Tây Bắc: Những 'đôi cánh' vẫn chờ ngày bứt phá

Thứ Bảy, 21/12/2024 - 16:36

Dù được kỳ vọng các dự án sân bay sẽ là động lực tăng trưởng giúp kinh tế tại địa phương cất cánh nhưng sau hơn 2 năm xin chủ trương, có không ít các dự án sân bay tại các tỉnh miền núi phía Tây Bắc hiện vẫn đang trong tình trạng "đợi chờ".

Thông tin trên báo Lao Động cho biết, trong giai đoạn năm 2021-2022, các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc đã xin chủ trương đầu tư xây dựng sân bay, gồm: sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Hà Giang, Tuyên Quang. Chỉ tính riêng khu vực Tây Bắc (gồm 6 tỉnh) nếu được chấp thuận chủ trương đầu tư, sẽ có 4 sân bay được xây dựng.

Ngày 21/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng Cảng hàng không Sa Pa theo hình thức PPP (hợp tác công - tư).

Loạt dự án sân bay miền núi phía Tây Bắc: Những 'đôi cánh' vẫn chờ ngày bứt phá- Ảnh 1.

Tình trạng loạt dự án sân bay miền núi hiện nay. Ảnh: Báo Lao Động

Dự án này được phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn với mục tiêu đạt công suất 3 triệu hành khách/năm. Dự kiến, Cảng hàng không Sa Pa có diện tích sử dụng đất là 371ha với tổng vốn đầu tư gần 7.000 tỷ đồng.

Trong khi đó tại tỉnh Sơn La, năm 2022 địa phương đã đề xuất xây dựng sân bay Nà Sản.

Cùng năm, tỉnh Lai Châu cũng đề xuất xây dựng Cảng hàng không Lai Châu. Tỉnh Yên Bái cũng đề nghị xem xét bổ sung sân bay Yên Bái vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050.

Hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang đề nghị bổ sung Cảng hàng không Na Hang (tại xã Năng Khả, huyện Na Hang) và sân bay Tân Quang (xã Tân Quang, huyện Bắc Quang) vào quy hoạch nhưng không được chấp thuận.

Theo Tạp chí Nhịp sống Thị trường, khu vực các tỉnh miền núi Tây Bắc hiện có sân bay Điện Biên mới được nâng cấp thành công.

Theo đó, Dự án đầu tư và nâng cấp sân bay Điện Biên thuộc dự án nhóm B, là công trình giao thông cấp I với tổng mức đầu tư hơn 1.467 tỷ đồng từ nguồn vốn của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam.

Tháng 12/2023, việc nâng cấp được hoàn thành, lượng khách đi và đến Điện Biên đạt gần 70.000 lượt với tổng số hơn 900 chuyến bay.

Loạt dự án sân bay miền núi phía Tây Bắc: Những 'đôi cánh' vẫn chờ ngày bứt phá- Ảnh 2.

Sân bay Điện Biên hiện đang là là sân bay duy nhất trong 6 tỉnh miền núi Tây Bắc. Ảnh: Tạp chí Nhịp sống Thị trường

Dù vậy, sau dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đến nay, sân bay Điện Biên chỉ còn duy trì 9 chuyến bay/tuần. Trong đó có 7 chuyến của Vietnam Airlines đi Hà Nội và 2 chuyến bay của Vietjet Air đi TP. HCM.

Thực tế, thời điểm hiện tại, số lượng cất, hạ cánh của các chuyến bay trong 1 tuần mới chỉ bằng 1 ngày trong dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, cho thấy sự phập phù và tương lai sẽ khó đạt được hiệu quả như kỳ vọng đã đặt ra. Cho đến hiện nay, Điện Biên là tỉnh duy nhất có sân bay trong 6 tỉnh miền núi Tây Bắc của nước ta, trừ sân bay Sa Pa (Lào Cai) đang được triển khai.

Liên quan đến việc xây dựng sân bay Sa Pa, theo Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lào Cai - ông Nguyễn Quốc Huy cho biết việc xây dựng hiện nay chưa được triển khai nguyên nhân do vẫn đang trong quá trình tìm đối tác dù đã qua 2 lần mời thầu. Nguyên nhân của tình trạng này là do doanh nghiệp thấy tiền đầu tư lớn, khó có lãi nên không làm.

Sở GTVT tỉnh Lào Cai hiện đang phối hợp với các bên liên quan tiến hành điều chỉnh chủ trương nhằm thu hút đầu tư và tiến hành mời thầu lần 3.

Giữa bối cảnh ngành hàng không Việt Nam trong những năm gần đây đều thua lỗ, các sân bay lớn như sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất được xem là những "ánh sáng" hiếm hoi "gánh" những sân bay còn lại. Do đó việc xây dựng thêm những sân bay nhỏ cũng khiến không ít người bày tỏ hoài nghi về độ hiệu quả.

Ngoài ra, việc xây dựng sân bay mà các tỉnh miền núi phía Bắc đề xuất vị trí đa phần đều có độ khả thi không cao do địa hình phức tạp, núi non hiểm trở, vùng trời, phương thức bay được đánh giá không thuận lợi. Đây là lý do vì sao chỉ số ít dự án được chấp thuận đầu tư.

Thời điểm hiện tại khu vực Tây Bắc đang có 4 phương thức vận tải gồm đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa và hàng không.

Việc cải thiện hệ thống giao thông trong khu vực đóng vai trò quan trọng trong việc đi lại cũng như vận tải hàng hoá, tuy nhiên cũng cần cân đối sự phù hợp, cần thiết để tránh lãng phí, bất cập.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top