Aa

Loay hoay kiểm soát giá vật liệu xây dựng

Thứ Tư, 12/01/2022 - 06:30

Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi các địa phương đề nghị thường xuyên theo dõi, kịp thời cập nhập, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp.

Bộ Xây dựng cho biết, năm 2021 chỉ số giá xây dựng tăng 4,34% so với năm 2020. Tác động chính là do giá thép xây dựng tăng 30-40%. Chỉ một số doanh nghiệp duy trì được doanh thu tối đa 80%, đa phần doanh thu chỉ đạt 30 - 50% so với cùng kỳ năm 2020.

Thị trường vật liệu xây dựng vẫn tiếp đà tăng giá

Bộ Xây dựng cũng nêu rõ, thực hiện các giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và biến động của giá thép đến các hoạt động xây dựng, Bộ đề nghị các địa phương, cơ quan liên quan theo dõi, kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng phù hợp thực tiễn; kiến nghị các ngành liên quan đẩy mạnh sản xuất, tăng nguồn cung thép trên thị trường.

Liên tiếp các đợt tăng giá

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã liên tục thông tin thị trường vật liệu xây dựng đã trải qua một năm đầy biến động và bão giá. Vào đầu năm 2021, giá thép tăng chóng mặt so với năm 2020 khiến các bộ ngành vào cuộc kiểm tra. Tháng 8/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Công Thương chủ động nghiên cứu một số giải pháp nhằm giám sát, bình ổn giá vật liệu xây dựng.

Sau đó, giá thép và các vật liệu khác có xu hướng chững lại và có giảm 5% nhưng nhìn chung vẫn cao hơn so với cuối năm 2020 khoảng trên 10%. Đây là mức giá không hề thấp trong bối cảnh khó khăn như hiện tại, ảnh hưởng rất lớn đến ngành xây dựng nói riêng và thị trường bất động sản nói chung.Trong khi đó, đến tháng 10/2021, thị trường lại bước vào đợt tăng mới trong bối cảnh nhiều công trình xây dựng có nguy cơ trễ tiến độ vì việc tăng giá hàng loạt vật liệu xây dựng vào thời điểm này. Nhiều doanh nghiệp thép đã điều chỉnh mức tăng giá bán khoảng 17.000 -192.000 đồng/kg tùy từng thương hiệu.

Việc tăng giá đồng loạt đã khiến hàng loạt nhà thầu lao đao, đứng trước nguy cơ phá sản. Loạt doanh nghiệp xây dựng lớn như Delta, Vinaconex, Cienco 4, Eurowindow, Thành An, Phục Hưng Holdings... đã có văn bản gửi Hiệp hội các nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) để kiến nghị Thủ tướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Theo các nhà thầu, mặt bằng chung giá các loại vật liệu xây dựng đã tăng khoảng 25% so với đầu năm, tăng cao nhất là sắt, thép, xi măng... Trong khi đó, đa số hợp đồng xây dựng hiện nay áp dụng đơn giá cố định, không điều chỉnh theo thời điểm ký khiến nhà thầu gặp khó khăn.

Kể cả trong trường hợp, các dự án xây dựng được phép triển khai trong mùa dịch thì nhà thầu cũng phải chịu gánh nặng khủng khiếp khi phải chi trả một khoản chi phí lớn cho nguồn vật liệu mà đến nay vẫn chưa tìm ra được giải pháp tháo gỡ.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho rằng không chỉ các chủ đầu tư lớn mà ngay các nhà thầu xây dựng cũng đau đầu với bài toán vật liệu xây dựng tăng giá. Hiện đơn giá xây lắp đang bị đội cao hơn hẳn so với dự toán ban đầu, ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư. Lực lượng các nhà thầu cả nước đang đứng trước nguy cơ bù lỗ do giá vật liệu tăng cao nếu không có được sự thương lượng của chủ đầu tư.

Tuy nhiên, với sản phẩm bất động sản, tất cả chi phí này sẽ được tính vào giá bán và khách mua nhà phải “gánh”.

Bình ổn giá vật liệu xây dựng

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam việc giá vật liệu xây dựng tăng trong bối cảnh Chính phủ đang đưa ra nhiều chính sách để khôi phục lại phân khúc nhà ở bình dân, nhà ở cho người thu nhập thấp nhưng các chính sách chưa kịp đưa vào thực tiễn, đang cho thấy sự mâu thuẫn.

Cần có chính sách để điều tiết lại bài toán chi phí đối với ngành vật liệu xây dựng

Trước thực trạng trên, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam kiến nghị Chính phủ cần có chính sách để điều tiết lại bài toán chi phí đối với ngành vật liệu xây dựng. Đồng thời, cần điều chỉnh lại thị trường vật liệu xây dựng, làm thế nào để trong nước “làm chủ” được giá thành vật liệu xây dựng từ việc sản xuất đến cung ứng.

Đại diện các doanh nghiệp xây dựng, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam (VACC) kiến nghị Thủ tướng giao Bộ xây dựng hướng dẫn việc áp dụng quy định về điều kiện bất khả kháng đối với các hợp đồng giao nhận thầu thực hiện trong thời điểm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Bổ sung các chi phí phòng dịch bắt buộc, các chi phí tạm dừng thi công chờ việc, các chi phí kiểm tra nhanh dịch bệnh cho cán bộ, công nhân... vào chi phí đầu tư xây dựng công trình. Xin Thủ tướng hỗ trợ dừng thu BHXH 6 tháng cuối năm cho tất cả lao động thời vụ ký hợp đồng lao động từ dưới 6 tháng tại các doanh nghiệp xây dựng.

Về tài chính doanh nghiệp, VACC đề nghị giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng từ quý II/2021 sang đầu năm 2022 (các khối lượng nghiệm thu hoàn thành đến quý II/2021 đã xuất hóa đơn nhưng chưa được thanh toán); giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp thời điểm từ tháng 4/2021 đến tháng 12/2021 cho tất cả doanh nghiệp xây dựng.

Với các khoản vay ngân hàng phục vụ cho công trường, dự án nhưng phải dừng thi công do giãn cách chống dịch được tính lãi suất 0%. Cho hoãn nộp tiền sử dụng đất cho các doanh nghiệp đến hết năm 2021, đồng thời có phương án giảm giá thuê đất đặc biệt đối với các diện tích đất làm nhà kho, xưởng phục vụ thi công, sản xuất.

Trong khi đó, ông Nghiêm Xuân Đa – Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cũng kiến nghị các thành viên hiệp hội và nhà sản xuất kinh doanh thép, trong ngắn hạn khi giai đoạn thị trường trong nước diễn biến phức tạp ưu tiên phục vụ thị trường trong nước. Còn về dài hạn, Hiệp hội Thép Việt Nam cũng kiến nghị các nhà sản xuất thép nghiên cứu đầu tư tăng chuỗi giá trị gia tăng trong suốt quá trình sản xuất thép./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top