Nhiều áp lực
Anh Phạm Duy Hưng, trú tại phố Thịnh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, vào dịp đầu năm gia đình anh ký hợp đồng xây nhà trọn gói, thời điểm đó 2 bên thống nhất hoàn thiện thô ở mức 4,5 triệu đồng/m2. Sau nhiều đợt phải tạm dừng do giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, đến đầu tháng 10 vừa qua công trình mới thi công trở lại, nhưng chủ thầu báo không thể tiếp tục thi công với mức giá thống nhất trước đó và xin rút lui nếu không điều chỉnh tăng giá.
“Bên phía nhà thầu báo với tôi mức giá hoàn thiện thô ở thời điểm hiện tại là 6 triệu đồng/m2 do giá các loại vật liệu xây dựng đầu vào tăng mạnh, nếu không đồng ý thì thanh toán nốt hạng mục đã thi công và đi tìm nhà thầu khác. Mặc dù chi phí xây dựng vượt quá 50% so với dự trù ban đầu, nhưng để cho xong việc tôi buộc phải vay mượn để hoàn thiện nốt công trình cho kịp về nhà mới trước Tết Nguyên đán”, anh Phạm Duy Hưng ngậm ngùi.
Trong khi đó, anh Đỗ Văn Trường - một cai thầu xây dựng khu vực quận Cầu Giấy cho hay, cuối năm thường được xem là thời điểm “vàng” đối với các hoạt động xây dựng. Nhưng đến nay, hoạt động xây dựng hết sức hạn chế do giá tất cả vật liệu xây dựng, vật liệu hoàn thiện đều tăng cao, nhiều người dân buộc phải tạm dừng triển khai thi công.
“So với thời điểm này của những năm trước, số lượng công việc mà đơn vị tôi nhận thi công giảm khoảng 60%. Nhu cầu xây dựng vẫn rất nhiều, song thời điểm này người dân đều điều chỉnh lại kế hoạch của mình, do chi phí phát sinh quá lớn nên phương án tạm dừng thi công, xây dựng nhà cửa được nhiều người ưu tiên lựa chọn”, anh Đỗ Văn Trường nói.
Khảo sát một số đơn vị cung ứng vật liệu xây dựng, giá vật liệu tăng không chỉ ảnh hưởng đến người dân mà còn tác động xấu đến hoạt động bán hàng. Tại nhiều đại lý, lượng hàng tồn kho tương đối lớn và cũng đang phải tạm dừng nhập mới.
“Hiện nay, đại lý của chúng tôi tồn kho khoảng 30% lượng hàng. Gần một tháng nay chúng tôi không nhập hàng dự trữ, chỉ nhập mới về theo những đơn đã chuyển tiền đặt cọc”, đại diện Công ty Vật liệu xây dựng Hà Đô cho hay.
Chưa có dấu hiệu giảm
Theo báo cáo từ Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, thời điểm hiện tại, giá xi măng đã đồng loạt điều chỉnh tăng từ 80.000 - 100.000 đồng/tấn, do giá nhiên liệu đầu vào tăng, đặc biệt là nhiên liệu phục vụ sản xuất nhập khẩu như than, phụ gia tăng cao. Nếu như trước đây, giá than nhập khẩu chỉ khoảng 1,5 triệu đồng/tấn nay tăng lên trên 5 triệu đồng/tấn, trong khi giá than trong nước cũng tăng nhẹ 1,8 - 2 triệu đồng/tấn lên khoảng 2,7 triệu đồng/tấn.
Trong khi đó, thị trường thép nhiều doanh nghiệp cũng điều chỉnh mức tăng giá bán vào khoảng 17.000 - 192.000 đồng/tấn tùy từng thương hiệu. Như giá thép cuộn CB240 của Tập đoàn Hòa Phát tại miền Bắc tăng 460 đồng/kg, hiện ở mức 16.770 đồng/kg; thép cây D10 CB300 tăng 410 đồng/kg, lên mức 16.820 đồng/kg. Kính xây dựng cũng tăng hơn 30% so với đầu năm 2021...
Theo đánh giá, đà tăng trưởng của các loại vật liệu xây dựng gần đây có tác động không nhỏ từ việc giá xăng dầu tăng cao. Việc doanh nghiệp đồng loạt tăng giá không phải để tăng lợi nhuận bán hàng.
“Sự điều chỉnh tăng giá bán của các doanh nghiệp là giải pháp tình thế để bù lấp việc tăng giá nguyên liệu đầu vào nhằm giảm bớt khó khăn, chứ không đem lại hiệu quả kinh doanh cao hơn”, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam TS. Nguyễn Quang Cung nhìn nhận.
Còn theo Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính, giá vật liệu xây dựng tăng thời gian gần đây đã đổ dồn hết gánh nặng lên người dân, cả người trực tiếp mua đất xây nhà và người đi mua nhà dự án đều phải chịu thêm chi phí. Bên cạnh đó, chủ đầu tư các dự án nhà ở cũng phải chịu áp lực không nhỏ, nếu điều chỉnh tăng giá sẽ không đảm bảo lợi nhuận, ngược lại khi điều chỉnh tăng sẽ khó thanh khoản sản phẩm, thời gian thu hồi vốn lâu hơn kéo theo những phát sinh chi phí.
“Với việc chủ đầu tư các dự án phải điều chỉnh ít nhất 10 - 15% giá bán nhằm đảm bảo lợi nhuận thì mọi gánh nặng về chi phí đều đổ dồn lên khách hàng. Tương tự, đối với những người trực tiếp mua đất xây nhà, giá vật liệu tăng cũng làm phát sinh khoản tài chính lớn, nếu không chủ động được buộc phải sử dụng biện pháp hỗ trợ tài chính thông qua ngân hàng và tổ chức tín dụng”, ông Nguyễn Văn Đính phân tích.
Nhiều chuyên gia dự báo, “cơn bão” về giá vật liệu xây dựng sẽ còn tác động đến thị trường ít nhất đến nửa đầu năm 2022, vì đây là giai đoạn phục hồi kinh tế diễn ra sôi động nhờ vào chính sách “phổ cập” vaccine phòng Covid-19 của Chính phủ. Hoạt động xây dựng cũng dựa vào đó để trở lại bình thường, tạo điều kiện tiêu thụ mạnh vật liệu xây dựng, nhưng đó cũng là thời điểm tốt để doanh nghiệp nâng giá bán gia tăng lợi nhuận kinh tế.
“Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi cơ quan liên quan và địa phương đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng thường xuyên theo dõi kịp thời cập nhập, điều chỉnh công bố giá VLXD, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp; Cơ quan liên quan đánh giá tác động của Covid-19, biến động giá VLXD (chủ yếu là thép xây dựng), đề xuất giải pháp khắc phục, giảm thiểu tác động tiêu cực từ tăng giá để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu thi công xây dựng”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh.