Aa

Lợi nhuận nhóm vật liệu xây dựng, bất động sản niêm yết phân hoá rõ 2 vùng tăng, giảm

Thứ Ba, 16/11/2021 - 06:15

Trong lợi nhuận quý III/2021, lợi nhuận tăng tốt nhất đến từ nhóm thép (+170%), bất động sản dân cư (+28%), văn phòng cho thuê (4,2%).

Bất động sản, vật liệu xây dựng tăng mạnh nhưng không đồng đều 

Theo thống kê của Fiin Trade, tính đến hết ngày 7/11/2021, đã có 897/1735 doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết (chiếm 94,5% tổng giá trị vốn hóa trên HoSE, HNX và UPCoM) công bố chính thức hoặc đưa ra ước tính kết quả kinh doanh quý III/2021.

Lợi nhuận sau thuế quý III/2021 của toàn bộ doanh nghiệp trên trung bình tăng 14,7% so với quý III/2020. Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng này đã chậm lại so với mức tăng trong quý I và quý II trước đó, cụ thể là giảm 19,7% so với quý II/2021.

 

Danh sách gồm 826 doanh nghiệp (chiếm 93,1% khối phi tài chính), toàn bộ 27 ngân hàng (chiếm 23,4% vốn hóa toàn thị trường) và 44 công ty chứng khoán, bảo hiểm và tài chính khác.

Riêng tại nhóm ngân hàng, lợi nhuận quý III/2021 vừa qua tăng 19% so với quý III/2020. Tuy nhiên, giảm tới gần 16% so với quý liền kề trước đó. 

Tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu đến từ các ngành hưởng lợi nhờ đà tăng giá hàng hóa và hỗ trợ bởi cầu tiêu dùng cao đột biến trong tâm dịch. 

Cơn sốt tăng giá hàng hóa toàn cầu cũng giúp các nhóm ngành như phân bón, gỗ, hóa chất, cao su hay nhựa hưởng lợi; ngược lại do đặc thù giá than Việt Nam không nhạy cảm với giá cả thế giới nên lợi nhuận doanh nghiệp sản xuất than vẫn đi lùi gần 81% so với cùng kỳ.

Có tới 3/5 ngành liên quan đến các sản phẩm mang tính chất phòng thủ cao đã duy trì tăng trưởng lợi nhuận tốt trong quý III vừa qua là điện (65%), công nghệ thông tin (19%) và dược phẩm (5%); còn lại nước và viễn thông ghi nhận mức tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm 2020. Ngoài ra, sự cải thiện về nhu cầu cũng đã hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận của 5/7 ngành hàng tiêu dùng trong tâm dịch.

 

Theo thống kê, lợi nhuận tăng tốt nhất đến từ nhóm thép (+170%), bất động sản dân cư (+28%), văn phòng cho thuê (4,2%). Trong khi, nhóm “đầu tư công” mặc dù được kỳ vọng hưởng lợi song lại suy giảm so với cùng kỳ.

Theo Bộ Xây dựng, ảnh hưởng Covid-19 lần thứ 4 ở Việt Nam là rất nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam nói chung, gây đình trệ, đứt gãy chuỗi hoạt động kinh doanh sản xuất của nhiều ngành, nghề, ngành bất động sản không phải là một ngoại lệ. Hầu hết các dự án phát triển bất động sản trên cả nước, đều phải dừng xây dựng, thi công vì lệnh giãn cách và đứt gẫy chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu và thiết bị. 

Những dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư không thể triển khai vì cơ quan chính quyền các tỉnh thành cũng phải tập trung chống dịch làm nguồn cung trên thị trường vốn dĩ đã thiếu hụt không có cơ hội để cải thiện. Hoạt động giao dịch mua – bán bất động sản trên thị trường cũng bị ảnh hưởng vì không thể tiến hành gặp gỡ, trao đổi, giao nhận… trong khi bất động sản là loại hàng hóa đặc biệt phải qua rất nhiều khâu kiểm nghiệm, pháp lý khi phát sinh giao dịch. 

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm 2021, số lượng doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng là 6.171 doanh nghiệp (chiếm 13,7%), số lượng doanh nghiệp xây dựng chờ giải thể là 4.091 doanh nghiệp (chiếm 12,6%). Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp Kinh doanh bất động sản thành lập mới trong 9 tháng đầu năm tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2020. 

Tuy nhiên, bởi lực cầu vẫn duy trì mạnh và sự nỗ lực tìm kiếm các giải pháp bán hàng trong tình hình mới của các chủ đầu tư nên mặc dù thị trường chịu nhiều ảnh hưởng nhưng số lượng giao dịch có thể nói là tương đối tốt.

Số liệu của Bộ Xây dựng cũng cho biết, dù trải qua 4 làn sóng dịch Covid-19, đặc biệt là làn sóng thứ 4 bùng phát mạnh từ mấy tháng qua, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên một số doanh nghiệp bất động sản vẫn có lãi lớn và chủ yếu tập trung ở nhóm doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán, còn các công ty địa ốc chưa lên sàn hầu như khó có được kết quả kinh doanh tích cực. 

Thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ đã giúp doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn có điều kiện thuận lợi trong việc huy động và điều phối dòng vốn, từ đó có điều kiện hoạch định và phân bổ lợi nhuận tốt hơn.

Theo ghi nhận, những tháng cuối năm 2021, nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn đã đẩy mạnh kế hoạch, hoạt động đầu tư kinh doanh. Tuy vậy, do ảnh hưởng của dịch bệnh, hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề như: Có tới 28% đơn vị có nguy cơ giải thể, phá sản, 32% đơn vị đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì và 40% doanh nghiệp còn khả năng chống đỡ nhưng không cao. Thống kê cho thấy, hiện tại đã có tới hơn 80% sàn giao dịch không có doanh thu hoặc doanh thu rất thấp, quỹ lương ngày một cạn kiệt, buộc phải cắt giảm nhân sự (cho nghỉ việc) hoặc cho tạm nghỉ việc không lương. 

Mặc dù các sàn giao dịch đã chủ động, linh hoạt, thay đổi phương án kinh doanh về thích ứng, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong bán hàng nhưng với tình hình dịch bệnh trong quý III thì các sàn giao dịch bất động sản gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là đối với các sàn giao dịch có quy mô vừa và nhỏ, có nguồn lực tài chính thấp, sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng.

Lợi nhuận cả năm 2021 sẽ tăng tối thiểu 38%

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận sau thuế toàn thị trường tăng 56,3% so với cùng kỳ; trong đó các ngân hàng tăng gần 445% và khối doanh nghiệp tăng hơn 60%, tương ứng hoàn thành khoảng 86% kế hoạch 2021.

Fiin Trade ước tính lợi nhuận sau thuế cho cả năm 2021 của 897 doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết có thể tăng ít nhất 38%, trên giả định các doanh nghiệp niêm yết sẽ duy trì được con số lợi nhuận sau thuế tương đương với quy mô của quý IV/2020. Đây là dự báo thận trọng trong bối cảnh một số ngành dự kiến có sự hồi phục vượt bậc trong giai đoạn “sống chung với Covid-19”.

Dựa trên dự báo tăng trưởng lợi nhuận sau thuế ở mức 38% cho năm 2021 và 27% cho năm 2022, giới phân tích đánh giá thị trường chứng khoán đang có mức định giá tương đương 18,2 lần lợi nhuận 2021 và 14,3 lần lợi nhuận 2022. Điều này cho thấy triển vọng lợi nhuận của năm 2021 đã được phản ánh vào giá cổ phiếu; song định giá thị trường vẫn hấp dẫn với tầm nhìn 1 năm tới./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top