Aa

Kỳ 3: Nhà đầu tư “tháo chạy” vì… lo ngại giải phóng mặt bằng?

Thứ Năm, 25/08/2022 - 06:05

Vướng các cơ chế chính sách hỗ trợ, đặc biệt là khâu giải phóng mặt bằng… khiến nhà đầu tư “tháo chạy” khỏi các dự án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao tại Quảng Nam.

LTS: Công nghệ cao (viết tắt CNC) là công nghệ có hàm lượng cao về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; được tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại; tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; có vai trò quan trọng đối với việc hình thành ngành sản xuất, dịch vụ mới hoặc hiện đại hóa ngành sản xuất, dịch vụ hiện có.

Luật Công nghệ cao có hiệu lực đã 14 năm, xác định nông nghiệp là một trong những lĩnh vực được chú trọng ứng dụng công nghệ cao và các giải pháp, chính sách kèm theo đã được luật hóa. Trong đó bao gồm tiêu chuẩn để hình thành doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và những ưu đãi kèm theo; khâu chọn tạo, nhân giống cây trồng, giống vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao; Phòng, trừ dịch bệnh; Trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả cao; Tạo ra các loại vật tư, máy móc, thiết bị sử dụng trong nông nghiệp; Bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp; Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Phát triển dịch vụ công nghệ cao phục vụ nông nghiệp…

Trên thực tế ngành nông nghiệp vẫn đang loay hoay với các mô hình, những vùng, khu nông nghiệp ứng dụng CNC (sau đây gọi tắt là NNCNC). Đã 14 năm trôi qua, nhưng cả nước vẫn bị xé lẻ, “vỡ vụn” khi chưa có một quy hoạch tổng thể về NNCNC. Trong khi đó diện tích đất nông nghiệp tại phần lớn các địa phương bị cắt gọt, “bóp nhỏ dần kế hoạch sử dụng đất” để hình thành các khu đô thị, bất chấp những cảnh tỉnh của các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách…

Mặc dù NNCNC chưa mang lại hiệu quả, chưa tạo ra các chuỗi liên kết giá trị, mô hình nổi bật nhưng không ít tỉnh, thành phố lại tiêu tốn ngân sách khá lớn cho việc ứng dụng hay triển khai các nhiệm vụ, đề tài về nghiên cứu, ứng dụng NNCNC. Bên cạnh một số ít doanh nghiệp, tổ chức kinh tế xông pha, đi đầu ứng dụng CNC vào nông nghiệp thì phần lớn các tỉnh, thành phố vẫn loay hoay trong việc lựa chọn mô hình, khu vực và vùng nông nghiệp ứng dụng CNC để tạo sản phẩm đạt các tiêu chí như chủ trương của Đảng và Nhà nước. Không chỉ thế việc triển khai không đầu không cuối, không thiết thực đã nảy sinh tình trạng “xí phần” trong ngân sách về nghiên cứu khoa học ứng dụng CNC nói chung và ngành NNCNC nói riêng.

Trên tinh thần nghiên cứu, phản biện, Reatimes khởi đăng loạt bài về Bất động sản nông nghiệp - NNCNC, trong đó nêu lên những thực trạng, góp ý và đề xuất của nhà quản lý về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, phát triển bền vững NNCNC hiện nay.

Hai dự án nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) tại huyện Thăng Bình và TX. Điện Bàn của Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T với tổng mức đầu tư hơn 5.400 tỷ đồng vừa bị UBND tỉnh Quảng Nam ra quyết định thu hồi vì lý do chủ đầu tư có thông báo chấm dứt hoạt động của dự án.

Cánh đồng tại xã Điện Hòa, TX. Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (Ảnh: Đông Duy)

Theo Quyết định số 2041/QĐ-UBND ngày 5/8/2022, UBND tỉnh Quảng Nam chấm dứt hiệu lực và thu hồi Quyết định chủ trương đầu tư số 3922/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của UBND tỉnh đối với dự án Công viên NNCNC Điện Hòa tại xã Điện Hòa (Thị xã Điện Bàn) của Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T. Được biết, dự án Công viên NNCNC Điện Hòa có quy mô hơn 147ha, bao gồm khu dịch vụ phụ trợ, trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D), khu vườn ươm, khu thương mại dịch vụ, khu trang trại, cánh đồng lúa và đất trồng cây xanh, mặt nước. Tổng mức đầu tư dự án hơn 2.100 tỷ đồng và được thực hiện từ năm 2019 đến quý IV - 2024.

Được biết, quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn liên quan đến giải phóng mặt bằng và các quy định. Cụ thể, dự án nông nghiệp công nghệ cao không thuộc diện được Nhà nước thu hồi đất nên chủ đầu tư phải tự thỏa thuận với người dân. Nhưng phương án này đối với dự án có diện tích lớn lại không khả thi khi nhiều quy định chưa rõ ràng như khung đơn giá cho việc thỏa thuận, quy chủ và xét nguồn gốc đất; phương án khấu trừ và số tiền được khấu trừ đã thỏa thuận vào tiền sử dụng đất; cơ chế giao đất, sang tên chuyển nhượng,…

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND Thị xã Điện Bàn, hiện thị xã đang thực hiện các thủ tục liên quan đến việc thu hồi, chấm dứt hoạt động dự án Công viên NNCNC Điện Hòa theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam.

Vùng Đông Quảng Nam được quy hoạch là đất thương mại, dịch vụ (bao gồm xã Bình Dương, H. Thăng Bình) nên dự án nông nghiệp công nghệ cao không còn phù hợp với quy hoạch

Cũng trong ngày 5/8/2022, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định số 2042/QĐ-UBND chấm dứt hiệu lực và thu hồi Quyết định chủ trương đầu tư số 3923/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của UBND tỉnh đối với dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao Đông Quảng Nam tại xã Bình Dương (huyện Thăng Bình) của Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T.

Dự án Khu NNCNC Đông Quảng Nam có quy mô hơn 278ha với mức đầu tư được phê duyệt trước đó là hơn 3.300 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2019 đến quý IV/2024. Dự án bao gồm các hạng mục như khu tổ hợp thu gom, sơ chế và khu hỗ trợ sản xuất; khu công cộng, thương mại dịch vụ; trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đào tạo; trung tâm kiểm định chất lượng sản phẩm; khu trang trại; khu vực canh tác cánh đồng lớn; khu cây xanh cảnh quan… 

Với dự án Khu NNCNC Đông Quảng Nam tại xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, do không còn phù hợp với quy hoạch chung của khu vực. Theo Nghị quyết 64/NQ-HĐND ngày 29/9/2021 của HĐND tỉnh Quảng Nam, vùng Đông xã Bình Dương (thuộc vùng Đông huyện Thăng Bình) được định hướng quy hoạch chung là đất thương mại, dịch vụ nên mục tiêu dự án Khu NNCNC Đông Quảng Nam không còn phù hợp với quy hoạch chung. Do đó, tỉnh Quảng Nam đã có đề nghị Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T thực hiện các thủ tục để trả lại dự án.

UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo việc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, thu hồi bản gốc Quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án Công viên NNCNC Điện Hòa và dự án Khu NNCNC Đông Quảng Nam. Các sở, ngành liên quan, UBND Thị xã Điện Bàn, UBND huyện Thăng Bình rà soát, thu hồi, chấm dứt hiệu lực các văn bản đã ban hành theo thẩm quyền hoặc tham mưu UBND tỉnh thu hồi, hủy các văn bản liên quan đã cấp đối với dự án Công viên NNCNC Điện Hòa và dự án Khu NNCNC Đông Quảng Nam đồng thời, giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan theo quy định (nếu có).

Sản xuất nông nghiệp ở Quảng Nam còn nhỏ lẻ, chưa thực sự tạo ra giá trị hàng hóa chất lượng cao

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, đối chiếu các quy định hiện hành về xử lý tiền ký quỹ để lập hồ sơ, thủ tục hoàn trả tiền ký quỹ và tiền lãi phát sinh cho Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T theo quy định sau khi khi có xác nhận của Sở Kế hoạch và Đầu tư về Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T đã nộp lại bản gốc Quyết định chủ trương đầu tư của 2 dự án kể trên và Cục Thuế tỉnh về các nghĩa vụ đối với Nhà nước.

Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T chịu trách nhiệm nộp lại bản gốc Quyết định chủ trương đầu tư số 3922/QĐ-UBND và số3923/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của UBND tỉnh cho Sở Kế hoạch và Đầu tư; thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước và hoàn thành các thủ tục thanh lý dự án đầu tư theo quy định./.

Mục tiêu của 2 dự án do Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T làm chủ đầu tư là đầu tư xây dựng khu trồng trọt ứng dụng CNC, khu hỗ trợ sản xuất và cơ sở hạ tầng cho khu vực của dự án được quy hoạch hiện đại, đồng bộ về kỹ thuật và kiến trúc cảnh quan phù hợp với đặc điểm tự nhiên. Đồng thời, phát triển vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hình thành các cánh đồng trồng hoa và rau củ quả có năng suất, chất lượng, hiệu quả; các khu trang trại, khu dịch vụ phụ trợ nhằm thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững.

Bên cạnh đó, theo chủ đầu tư, khi hoàn thành 2 dự án sẽ mang lại cho dân cư, khách du lịch tới Quảng Nam những trải nghiệm về loại hình du lịch mới gắn với các hoạt động và sản phẩm nông nghiệp cùng với những dịch vụ hiện đại, tiện nghi...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top