Aa

Lợi dụng nạo vét hồ đập để bán cát trái phép ở Quảng Nam?

Thứ Tư, 12/05/2021 - 16:05

Nhiều cá nhân đã lợi dụng chủ trương nạo vét và các mỏ cát được cấp phép để trà trộn vào khai thác và vận chuyển cát trái phép nhằm qua mặt cơ quan chức năng, gây thất thoát ngân sách.

Tài nguyên khoáng sản có giá trị rất lớn về kinh tế, vì vậy mà không ít đối tượng đã dùng mọi hành vi, thủ đoạn để thực hiện khai thác, buôn bán và vận chuyển trái phép các loại tài nguyên như cát, sỏi, đất… nhằm thu lợi bất chính. Đây là tình trạng gây ra nhiều bức xúc trong dư luận suốt thời gian qua, bởi lẽ những việc làm này không chỉ gây thất thoát cho Nhà nước về mặt kinh tế mà còn ảnh hưởng đến các vấn đề khác như ổn định xã hội, an toàn giao thông, thiên tai lũ lụt, hạn hán hay sạt lở đất đá, nguy hiểm đến tính mạng của người dân.

Huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) nổi tiếng về cát - loại vật liệu xây dựng thiết yếu và đến thời điểm này vẫn chưa có vật liệu thay thế. Hiện nay trên địa bàn huyện có khá nhiều mỏ cát được cấp phép hoạt động như Ngọc Kinh Đông, Trường Lợi, Pha Lê, Nguyên Thịnh Phát, Hiệp Hưng... Nhiều đối tượng đã lợi dụng hoạt động của các mỏ cát được cấp phép và tuyến đường huyết mạch Quốc lộ 14B để trà trộn vào khai thác, vận chuyển cát trái phép nhằm qua mặt cơ quan chức năng, tránh gây sự chú ý của người dân.

Thời gian gần đây, phóng viên Reatimes đã theo dõi và phát hiện được quá trình vận chuyển cát trái phép trên địa bàn xã Đại Hồng (Đại Lộc, Quảng Nam). Đáng chú ý hơn, bãi cát này mang danh nghĩa là một hồ đập đang được nạo vét mà khi hoàn thành, hứa hẹn sẽ mang lại lợi ích lớn cho người dân địa phương trong việc phát triển sản xuất.

Xe ben vào bãi lấy cát tại cầu Khe Bò giữa thanh thiên bạch nhật. (Ảnh: Đông Duy)

Phục vụ lợi ích của một số cá nhân?

Xã Đại Hồng nằm dọc theo tuyến Quốc lộ 14B và con sông Vu Gia, nơi đây vẫn còn rất nhiều hộ dân sản xuất nông nghiệp, dựa vào diện tích đất bồi ven sông để trồng các loại cây đặc trưng như ngô, đậu, bí… Mặc dù là ven sông nhưng tình trạng thiếu nước phục vụ tưới tiêu vào mùa nắng vẫn thường xuyên xảy ra. Vì thế mà khu vực này có khá nhiều công trình thủy lợi được chính quyền quan tâm đầu tư xây mới, cải tạo để phục vụ sản xuất của người dân.

Điển hình trong thời gian gần đây, hồ chứa nước Khe Bò nằm trên địa bàn xã đang được cải tạo, nâng cấp để nâng cao sức chứa. Khi công trình này hoàn thành và đưa vào sử dụng, dự tính lượng nước sẽ phục vụ tưới tiêu cho cánh đồng Lập Thuận, giải quyết được tình trạng thiếu nước vào mùa nắng, ổn định phát triển sản xuất. Theo kế hoạch, lượng đất cát bồi lấp trong lòng hồ đập Khe Bò sẽ được nạo vét bằng cách dùng máy đào, máy ủi đào bóc lớp dày từ 0,3m đến 0,6m rồi dùng ô tô chuyên dụng để vận chuyển đất đá cát bồi lấp đến san lấp các công trình công cộng trên địa bàn xã. Ba địa điểm chính sẽ được sử dụng lượng đất cát nạo vét từ lòng hồ Khe Bò để san lấp mặt bằng bao gồm: Trung tâm y tế xã Đại Hồng với khối lượng san lấp khoảng 1.000m3 và cự ly vận chuyển là 500m; sau lưng UBND xã Đại Hồng với khối lượng san lấp khoảng 2.000m3 với cự ly vận chuyển là 1km; khu Hóc Chùa thôn Ngọc Thạch với khối lượng san lấp khoảng 3.500m3 và cự ly vận chuyển khoảng 3km.

Hệ thống hút cát được lắp đặt trên hồ đập Khe Bò.

Ông Phạm Ích Khiêm, Chủ tịch UBND xã Đại Hồng cho biết, xã đã thuê đơn vị giám sát và phân công cán bộ địa chính thường xuyên giám sát, kiểm tra hoạt động của nhà thầu thi công để đảm bảo việc thực hiện đúng nội dung công việc đã phân công trước đó. Đất cát nạo vét từ lòng hồ sẽ được tận dụng mang đi san lấp một số điểm trên địa bàn xã để sau này tăng quỹ đất sử dụng tại địa phương. Ông Khiêm cũng khẳng định không có việc cát nạo vét từ lòng hồ bị mang ra ngoài để bán. Về tiến độ thi công, ông Khiêm cho biết khi thực hiện việc nạo vét được vài ngày trong tháng 4 thì đơn vị thi công báo xe hư và tạm dừng từ trưa ngày 28/4 cho đến nay.

Theo như kế hoạch thực hiện và những chia sẻ của ông Khiêm về chủ trương nạo vét hồ đập Khe Bò, đây quả là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, đặt lợi ích của cộng đồng lên trên cùng. Tuy nhiên, lý thuyết chỉ ở trên giấy tờ và trước khi thấy được lợi ích cho cộng đồng thì lợi ích trước đó đã thuộc về một số cá nhân.

Theo ghi nhận của phóng viên Reatimes, mặc dù đơn vị thi công báo với chính quyền phương tiện thi công bị hư hỏng, không thể thực hiện việc nạo vét và vận chuyển đến 3 điểm đã định sẵn (từ trưa ngày 28/4 đến nay), thế nhưng, trong các ngày 4 và 5/5, máy múc tại công trình vẫn hoạt động, múc cát nạo vét lên các xe ben chở cát. Đáng chú ý hơn, những xe ben này vận chuyển cát đi đến một nơi rất xa xã Đại Hồng. Hoạt động lấy cát diễn ra cả ban ngày lẫn ban đêm và liên tục trong nhiều ngày, tuy nhiên không thấy một lực lượng chức năng nào đến kiểm tra và xử lý.

Cát của xã theo xe Kim Thành ra Huế?

Cầu Khe Bò nằm trên tuyến Quốc lộ 14B (Km53 + 724) thuộc địa phận xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc. Theo phản ánh của người dân, gần đây tình trạng xe ben cỡ lớn (xe Howo, tải trọng hàng hóa cho phép tham gia giao thông 17 tấn, tổng tải trọng hàng hóa 30 tấn – PV) vào bãi ngay dưới chân cầu để lấy cát diễn ra cả ban ngày lẫn ban đêm.

Hoạt động này diễn ra cả ban đêm để đáp ứng nhu cầu của các “đối tác”

Ghi nhận của phóng viên tại hiện trường, vào lúc 10 giờ 40 phút ngày 4/5, mặc dù giữa trời nắng như đổ lửa nhưng vẫn có một máy múc hoạt động hết công suất để dồn cát thành những đống cát lớn và chờ xe vào chở. Chúng tôi đóng vai là những tài xế lái xe tải, ghé vào quán cà phê Đại Hồng nằm ngay sát cầu Khe Bò để nghỉ ngơi. Tại đây có thể quan sát rất rõ về những hoạt động của bãi cát ở dưới chân cầu. Tại bãi, không chỉ có xe múc đang hoạt động mà trên mặt nước đang có xà lan cùng với lưới lọc, hệ thống ống chuyên dùng để hút cát. Trong khi tại các thủ tục để thực hiện việc nạo vét công trình này nêu rõ: “Dùng máy đào, máy ủi đào bóc lớp đất đá cát bồi lấp trong lòng hồ, trung bình lớp bồi lấp dày từ 0,3m đến 0,6m”.

Trong quán lúc này có khá nhiều “chim lợn”, luôn đưa mắt quan sát xung quanh và phía đường Quốc lộ 14B. 17 giờ 20 phút cùng ngày, sau khi thấy tình hình đã ổn, một trong những “chim lợn” đã rút điện thoại gọi cho ai đó. Đúng 15 phút sau, 2 xe ben mang biển kiểm soát 92C-165.90 và 92C-165.80 (lần lượt mang số thứ tự 20 và 24, gắn logo KT - Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Vận tải Kim Thành) tiến vào bãi. Cùng lúc đó có 2 thanh niên xăm trổ tiến lại ngồi gần bàn của chúng tôi, trong khi bên dưới bãi, xe múc đang múc những gàu cát đầu tiên đổ vào thùng xe. Sau đó, số lượng cảnh giới tiếp tục tăng thêm, bên dưới bãi cát có khá nhiều người xăm trổ nhìn lên phía chúng tôi.

Đến 18 giờ 30, khi trời đã tối hẳn, một xe ben khác mang biển kiểm soát 92C-164.19 thuộc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Vận tải Kim Thành tiến từ từ vào bãi cát theo sự hướng dẫn của một thanh niên cùng ánh đèn pin ra hiệu. Xe này sau khi “ăn đầy cát” đã di chuyển theo hướng Quốc lộ 14B hướng về Đà Nẵng, khi tới gần đầu cầu Hà Nha thì rẽ phải về bãi đỗ xe của Công ty Kim Thành. Khi chúng tôi bám theo xe 92C-164.19 thì có 2 xe máy từ dưới bãi cát chạy theo bám đuôi, trong đó một xe mang biển kiểm soát 92E5-471.29 và một xe biển kiểm soát bị bùn đất che kín. 2 xe này theo sát chúng tôi đến trước nhà giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Vận tải Kim Thành thì dừng lại.

Đoàn xe chở cát từ Quảng Nam ra Thừa Thiên Huế bị CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế xử lý, nên dừng và quay đầu về lại Quảng Nam.

Đến 3 giờ 20 phút ngày 5/5, tất cả các xe Kim Thành nổ máy lần lượt di chuyển ra khỏi bãi tiến về tỉnh Thừa Thiên Huế. Những xe này nối đuôi, mỗi xe đi cách nhau khoảng 10 phút. Theo sát đoàn xe đến đoạn Km38 + 917 trên tuyến Quốc lộ 14B, xe ben cuối đoàn mang biển kiểm soát 92C-164.19 vượt qua chốt kiểm soát của lực lượng CSGT một cách dễ dàng. Qua hết địa phận tỉnh Quảng Nam, vào lúc 5 giờ 5 phút, đoàn xe bắt đầu tiến vào hầm Hải Vân. Lúc 6 giờ 5 phút ngày 5/5, trên Quốc lộ 1A đoạn qua xã Lộc Điền (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế), nhiều xe ben chở cát rơi vãi khắp đường. Trong đó, chiếc xe thuộc Công ty TNHH MTV Thế Quyền mang biển kiểm soát 92C-131.13 đi trước bị lực lượng CSGT dừng lại kiểm tra và lập biên bản xử phạt hành vi chở vật liệu xây dựng (cát) để rơi vãi dù đã có bạt che đậy. Nhận được thông tin “có biến” từ “chim lợn”, đoàn xe Kim Thành đi sau vài trăm mét đã dừng lại và tấp vào lề đường.

Sáng ngày 5/5, nhóm phóng viên của Reatimes vẫn túc trực tại cầu Khe Bò, xe múc vẫn hoạt động miệt mài để chờ xe quay đầu từ Huế trở về “ăn hàng”. Đến 9 giờ 40, xe ben mang biển kiểm soát 92C-162.26 có gắn logo KT từ Quốc lộ 14B theo đường dân sinh đi vòng qua cầu Khe Bò tiến vào bãi để nhận cát. Tài xế mang quần jean, áo thun đỏ và đội mũ đen leo lên nóc xe để quan sát việc múc cát đưa lên thùng xe. Sau khi đã chất đầy cát, xe ben 92C-162.26 di chuyển theo Quốc lộ 14B hướng đến tuyến đường tránh Nam Hải Vân để ra Huế. Sau khi xe này rời bãi thì tiếp nối là xe ben mang biển kiểm soát 92C-165.90 tiến vào bãi để nhận cát.

Chiều cùng ngày, khi trời đã vơi bớt nắng, xe múc lại tiếp tục hoạt động. Khoảng 16 giờ, xe ben mang biển kiểm soát 92C-082.14 tiến vào bãi. Sau khi đã hoàn thành “nhiệm vụ” của mình, tài xế xe múc đến quán cà phê ngay sát cầu Khe Bò uống nước và chờ đợi lượt xe tiếp theo, còn tài xế xe ben thì cặm cụi dùng cuốc ban cát trên thùng xe. Xe này sau đó di chuyển qua cầu Hà Nha rồi men theo tuyến ĐT 609 hướng về thị trấn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc).

Trước đó, vào lúc 13 giờ cùng ngày, xe ben mang biển kiểm soát 92C-162.26 (của Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Vận tải Kim Thành) sau khi nhận cát tại bãi ở cầu Khe Bò, trong quá trình vận chuyển đã bị lực lượng CSGT trạm Phú Lộc (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) dừng xe và kiểm tra. Tại thời điểm kiểm tra, tài xế điều khiển xe là Phạm Văn Tài đã không xuất trình được giấy tờ xe và giấy tờ chứng minh nguồn gốc cát nên đã bị lực lượng CSGT lập biên bản xử lý và tạm giữ xe. Sau đó thì một người tự giới thiệu là đại diện của Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Vận tải Kim Thành khẳng định là sáng mai (sáng 6/5) sẽ mang giấy tờ đầy đủ đến để “lấy” xe ra.

Chúng tôi đã theo sát xe ben 92C-162.26 từ khi “ăn cát” tại cầu Khe Bò đến khi bị lực lượng CSGT dừng xe và kiểm tra tại Huế.

Trong quá trình di chuyển, tài xế có dừng xe tại cửa hàng xăng dầu số 14 nằm trên tuyến Quốc lộ 14B thuộc xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng. Sau đó xe di chuyển trên các tuyến Quốc lộ 14B, tuyến đường tránh Nam Hải Vân, Quốc lộ 1A và đến địa phận huyện Phú Lộc thì bị dừng lại kiểm tra. Trong quá trình đó, xe không tấp vào một công trường nào để đổ cát và nhận thêm cát. Vậy, cơ sở nào để Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Vận tải Kim Thành cung cấp cho cơ quan chức năng giấy tờ chứng minh nguồn gốc cát để “lấy” xe ra?

Bằng một cách nào đó, sáng ngày 6/5, đại diện Công ty này đã đến và cung cấp giấy tờ với cơ quan chức năng. Theo đó, số cát trên xe 92C-162.26 được phía công ty này cung cấp phiếu xuất kho tại một mỏ cát nằm trên địa bàn huyện Đại Lộc (Quảng Nam), tuy nhiên những phiếu lập vội này đã thể hiện những nội dung bất hợp lý, mâu thuẫn so với thực tế.

Khu đất trước Trung tâm Y tế xã Đại Hồng chỉ mới được san lấp vài khối đất pha cát, trong khi hồ đập Khe Bò đã được nạo vét rất sâu và khá nhiều.

Quay trở lại câu chuyện ở cầu Khe Bò, trong buổi làm việc với ông Phạm Ích Khiêm, Chủ tịch UBND xã Đại Hồng vào sáng ngày 11/5, ông Khiêm liên tục khẳng định với chúng tôi rằng không hề có chuyện một số đơn vị lấy cát tại cầu Khe Bò mang đi bán.

Cầu Khe Bò nằm cách UBND xã Đại Hồng chỉ chưa đến 1km, nhìn từ trên cầu xuống dưới giống như một đại công trường với máy múc và xe ben hoạt động hết công suất… Nhưng có một điều khó hiểu là việc khai thác và vận chuyển cát tại đây diễn ra công khai cả ngày lẫn đêm, ai cũng biết, cũng thấy nhưng các cơ quan chức năng lại không hề hay biết?! Liệu một số cán bộ biến chất của UBND xã Đại Hồng đã bắt tay ngầm với Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Vận tải Kim Thành rồi làm ngơ cho xe Kim Thành mang cát đi bán?

Những ngày bám sát địa bàn, theo dấu cát tặc và hành trình vận chuyển cát ra Huế, mới hay việc quản lý nhà nước đối với hoạt động vận chuyển, khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam thật khó thay!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top