Doanh nghiệp bất động sản trên thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua quý đầu tiên của năm 2021 với kết quả kinh doanh tích cực. Thống kê 89 doanh nghiệp nhóm ngành này đã công bố BCTC quý I/2021, tổng doanh thu thuần ở mức 74.212 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận sau thuế tăng 44,5% lên mức 13.268 tỷ đồng. Riêng nhóm bất động sản khu công nghiệp dù doanh thu thuần tăng khiêm tốn với 22% lên 11.731 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế lại gấp 2,7 lần cùng kỳ và leo lên mức 2.083 tỷ đồng.
Tương tự như các kỳ trước, CTCP Vinhomes (VHM) vẫn là doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất nhóm này và bỏ xa phần còn lại với 5.478 tỷ đồng, dù vậy kết quả này của Vinhomes thấp hơn khoảng 28% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, doanh thu thuần quý này của công ty đạt 12.986 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp 6.212 tỷ đồng, gấp 2,1 lần. Biên lãi gộp được cải thiện. Về cơ cấu, doanh thu chuyển nhượng bất động sản 10.016 tỷ đồng, tăng 75%; doanh thu dịch vụ tổng thầu xây dựng và giám sát thi công ghi nhận hơn 1.826 tỷ đồng, tăng đột biến; các hoạt động dịch vụ quản lý bất động sản đem về 478 tỷ đồng, tăng 31%; dịch vụ cho thuê 354 tỷ đồng, tăng 27%. Mảng tổng thầu xây dựng của Vinhomes ghi nhận lợi nhuận gộp biên 18%, đây mà mức tương đối cao trong ngành xây dựng.
Cả hai vị trí tiếp theo về lợi nhuận của ngành bất động sản vẫn là doanh nghiệp cùng họ Vingroup là Tập đoàn Vingroup (VIC) và VRE của Vincom Retail (VRE) với 867,7 tỷ đồng và 781 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 72% và 59% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với Vingroup, doanh nghiệp này đạt đến 23.294 tỷ đồng doanh thu thuần (cao nhất nhóm bất động sản), tăng 52% so với cùng kỳ. Trong đó, 10.656 tỷ đồng đến từ chuyển nhượng bất động sản, tăng 55%; sản xuất đem về 4.814 tỷ đồng, tăng 48%; dịch vụ cho thuê bất động sản 1.885 tỷ đồng, tăng 5%; doanh thu khách sạn, du lịch, giải trí 933 tỷ đồng, giảm 48%; đặc biệt doanh thu khác đem về 3.505 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần.
Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) có lợi nhuận đứng thứ 4 trong nhóm bất động sản và đứng thứ 2 về tăng trưởng lợi nhuận của nhóm bất động sản khu công nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp này quý I/2021 báo lãi sau thuế đến 715 tỷ đồng, tăng 659% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu thuần đạt 2.002 tỷ đồng cao gấp hơn 3 lần cùng kỳ, biên lãi gộp tăng mạnh từ 44% lên 56%. KBC cho biết lợi nhuận quý I tăng cao là do công ty ghi nhận doanh thu từ hợp đồng cho thuê đất khu công nghiệp và đô thị.
Trong khi đó, doanh nghiệp bất động sản có tăng trưởng lợi nhuận cao nhất là CTCP Thaiholdings (THD) với 3.843% và đạt mức 367,6 tỷ đồng, cùng kỳ, doanh nghiệp này báo lãi vỏn vẹn hơn 9,3 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh ấn tượng như trên của Thaiholdings bất chấp việc doanh nghiệp này lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 81 tỷ đồng trong khi cùng kỳ vẫn lãi 11,6 tỷ đồng. Nguyên nhân là nhờ khoản thu nhập khác 573 tỷ đồng, trong đó hơn 571 tỷ đồng đến từ việc chuyển nhượng Dự án nhà máy xi măng Minh Tâm.
Vẫn còn đến 14 doanh nghiệp bất động sản trên sàn chứng khoán báo lỗ trong quý I. Tập đoàn C.E.O (CEO) có số lỗ lớn nhất nhóm này với 38 tỷ đồng trong khi cùng kỳ vẫn lãi 2 tỷ đồng. Tiếp đến, Tập đoàn Danh Khôi (NRC) cũng báo lỗ 23 tỷ đồng, tuy nhiên, mức lỗ này là khiêm tốn hơn so với cùng kỳ năm trước là 30,5 tỷ đồng (tương ứng giảm lỗ 23,7%).
Trong khi đó, các cái tên đáng chú ý báo lợi nhuận giảm sâu có CTCP Đầu tư LDG (LDG) với mức giảm lên đến 77,6%, CTCP Tư vấn-Thương mại-Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HQC) cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm 70,1%...
Triển vọng ngành bất động sản vẫn tích cực
Trong báo cáo triển vọng ngày quý II/2021 của CTCP Chứng khoán BIDV (BSC), đơn vị này theo dõi thấy số lượng dự án bất động sản thương mại dự kiến triển khai trong giai đoạn 2021-2023 của hầu hết các doanh nghiệp tăng mạnh so với giai đoạn 2018-2020 tập trung ở các phân khúc thị trường tỉnh. Tốc độ xử lý pháp tại TP HCM đã có ít nhiều cải thiện sẽ là điểm tích cực hỗ trợ đẩy mạnh doanh số mở bán giai đoạn kế tiếp.
BSC duy trì quan điểm khả quan đối với ngành bất động sản nhờ nguồn cung dự kiến được cởi trói từ năm 2021 nhờ vào các bộ luật, chính sách sửa đổi điều chỉnh mới; môi trường lãi suất thấp và các gói tài chính linh hoạt sẽ là đòn bẩy hỗ trợ cho việc phục hồi của ngành và cấu trúc tài chính các doanh nghiệp bất động sản thay đổi linh hoạt, nhưng vẫn duy trì mức an toàn.
Đối với mảng bất động sản khu công nghiệp, BSC cho biết dịch bệnh vẫn là rào cản lớn nhất dẫn đến sự đình trệ trong tiến độ giao dịch của khu công nghiệp trong bối cảnh nhu cầu vẫn duy trì ở mức cao. Đơn vị này kỳ vọng khó khăn từ vấn đề liên quan đến tiến độ đàm phán, thực địa của các doanh nghiệp nước ngoài sẽ dần được tháo gỡ nhờ các nền tảng trực tuyến được đầu tư như thực địa ảo trực tuyến, hội thảo online và nâng cao trải nghiệm nền tảng website. Tỷ lệ lấp đầy vẫn duy trì ở mức cao trên mức 74% ở khu vực phía bắc và 85% ở khu vực phía nam.
Trong khi đó, hạ tầng giao thông kết nối sẽ giải quyết nút thắt cổ chai “logistic” hỗ trợ trực tiếp cho ngành bất động sản khu công nghiệp. BSC dự báo giải ngân năm 2021 ước đạt 485.636 tỷ đồng (bằng 101,7% dự toán 2021).
Bên cạnh đó, nguồn cung dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh mẽ và có xu hướng dịch chuyển mở rộng ra các khu vực tỉnh thành cấp 2-3. Cùng với kỳ vọng hạ tầng kết nối cải thiện và một số nguồn cung tại các khu vực tỉnh Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hải Phòng và Bắc Ninh đã tương đối được lấp đầy, BSC tin rằng xu hướng của ngành khu công nghiệp trong giai đoạn tới sẽ được mở rộng sang các tỉnh thành có sức hút tiềm năng như Hưng Yên, Hải Dương, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu. Theo đó, giá cho thuê các dự án trong khu vực này sẽ dần được cải thiện và bắt kịp với mức bình quân tại các khu vực trọng điểm qua đó thúc đẩy lợi nhuận các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp sỡ hữu các dự án trên.
Ngoài ra, BSC cho biết giá cho thuê vẫn tăng nhờ nhu cầu tìm kiếm các khu công nghiệp tăng tuy nhiên nguồn cung có hạn.
Tóm lại, BSC duy trì đánh giá khả quan đối với ngành bất động sản khu công nghiệp nhờ Hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ thu hút nguồn vốn vào trong nước. Cùng với đó là kế hoạch rời Trung Quốc của nhiều Tập đoàn đa quốc gia và điểm đến là Việt Nam, việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao cũng là lực kéo quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn ngoại vào Việt Nam. Ngoài ra, một số doanh nghiệp giải quyết được vấn đề pháp lý, mở rộng quỹ đất đáp ứng nhà đầu tư cũng là điểm tích cực của ngành này./.