Aa

Lợi nhuận “khủng”, BĐS đang hút các doanh nghiệp đầu tư

Thứ Bảy, 26/11/2016 - 06:31

BĐS là kênh đầu tư hấp dẫn nhiều doanh nghiệp vì mức lợi nhuận cao. Việc có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này sẽ tạo ra cuộc cạnh tranh mạnh mẽ trong thị trường BĐS.

BĐS là kênh đầu tư hấp dẫn nhiều doanh nghiệp vì mức lợi nhuận cao.

BĐS là kênh đầu tư hấp dẫn nhiều doanh nghiệp vì mức lợi nhuận cao.

Các dự án căn hộ cao cấp, trung cấp tại TP. Hồ Chí Minh đem về từ 25 - 30% lợi nhuận trước thuế và các khoản khấu hao khi bỏ vốn, kinh doanh địa ốc tại Việt Nam. Đó là tiết lộ của bà Regina Lim, Giám đốc Bộ phận thị trường vốn của Jones Lang LaSalle – một công ty chuyên về tư vấn và nghiên cứu thị trường BĐS.

Theo nhận định của TS. Trần Ngọc Quang, Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, mức lợi nhuận trong hoạt động đầu tư BĐS là tương đối cao, chính vì vậy đang thu hút các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này, còn lợi nhuận ở mức bao nhiêu thì tùy thuộc vào từng dự án, cách làm cũng như định hướng dài hạn của các doanh nghiệp.

Ông Quang cho rằng, việc xác định rõ lợi nhuận bao nhiêu thì phải do sự quản lý của Nhà nước mới kiểm soát được lợi nhuận này.

Vì mức lợi nhuận lớn, BĐS đang là lĩnh vực hút rất nhiều doanh nghiệp tham gia.

Số liệu mới nhất của Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho thấy, trong 10 tháng năm 2016, lĩnh vực kinh doanh BĐS dẫn đầu về số lượng doanh nghiệp thành lập mới.

Về số lượng đăng ký, số doanh nghiệp thành lập mới 10 tháng đầu năm tăng tới 93,5% so với cùng kỳ năm 2015. Số vốn đăng ký còn tăng mạnh hơn, tới 213,5% so với cùng kỳ.

Tình hình doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 10 tháng đầu năm 2016 xét theo lĩnh vực hoạt động. (Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh).

Tình hình doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 10 tháng đầu năm 2016 xét theo lĩnh vực hoạt động. (Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh).

Thậm chí nhiều doanh nghiệp “ngoài ngành” cũng lấn sân sang làm BĐS. Bình luận về thực trạng trên, ông Quang cho rằng: “Việc tham gia lĩnh vực nào, ngành nào là quyền tự do của doanh nghiệp…

Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp làm BĐS một cách chuyên nghiệp thì cách làm khác với các doanh nghiệp làm BĐS theo kiểu chỉ vì một cơ hội có dự án là tham gia vào BĐS.

Điều này đáng lo ngại bởi với các doanh nghiệp BĐS chuyên nghiệp, họ coi đó là một nghề, từ tính chuyên nghiệp, chất lượng sản phẩm, việc quản lý vận hành chăm sóc khách hàng... có xu hướng bền vững và lâu dài hơn. Chính vì vậy, khách hàng sẽ được hưởng những lợi ích tốt hơn.

Đối với những doanh nghiệp chỉ vì một cơ hội làm BĐS, chắc chắn tính chuyên nghiệp kém hơn. Các nguồn lực để thực hiện cam kết với khách hàng, tạo ra sản phẩm phù hợp lâu dài với người tiêu dùng chắc chắn sẽ yếu hơn và người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng".

“Nên xác định nếu vào làm BĐS thì phải làm chuyên nghiệp, như vậy mới có những đóng góp hữu ích cho thị trường”, ông Quang nhắn nhủ.

Ngoài ra, có thể thấy, việc có thêm nhiều doanh nghiệp mới thành lập sẽ tạo ra cuộc cạnh tranh mạnh mẽ trong thị trường BĐS.

Chúng ta kỳ vọng rằng, bằng sự cạnh tranh này thì các doanh nghiệp nhỏ sẽ nhanh chóng lớn lên và chuyên nghiệp hơn. Các doanh nghiệp kể cả mới thành lập nhưng nếu có định hướng đúng đắn, nâng cao tính chuyên nghiệp, tiếp cận thị trường tốt thì chắc chắn sẽ phát triển. Còn những doanh nghiệp nhỏ, có thể thành lập lâu rồi nhưng không phát triển nổi thì thị trường cũng không chấp nhận được.

“Số lượng doanh nghiệp nhỏ tăng lên thì cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn, nhưng tôi cho đó là điều tốt vì chúng ta sẽ chọn lựa ra được những doanh nghiệp nhỏ những chuyên nghiệp, từ đó họ sẽ phát triển lên thành doanh nghiệp lớn” – TS. Trần Ngọc Quang kỳ vọng./.

Trong báo cáo thị trường BĐS 10 tháng đầu năm 2016, Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) cho biết: Thị trường BĐS Việt Nam hiện đang bước vào giai đoạn sôi động nhất trong năm. Tuy nhiên giá cả vẫn duy trì ổn định, không có biến động mạnh dù nhiều DN tung các khuyến mại khủng như tặng vàng, ô tô, ti vi, tủ lạnh, nội thất; chiết khấu cao…

Cụ thể, trong tháng 10, lượng giao dịch BĐS tại Hà Nội đã tăng 18,2% so với tháng trước và tại TP. Hồ Chí Minh tăng 16,7%.

Về lượng vốn FDI, VNREA cho biết, nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành BĐS trong 10 tháng đạt 982,6 triệu USD.

Tình hình tồn kho BĐS hiện đã giảm đáng kể, tính đến 20/10/2016, tổng giá trị tồn kho BĐS còn khoảng 32.709 tỷ đồng. So với tháng 12/2015, tồn kho BĐS giảm 18.180 tỷ đồng (giảm 35,72%) và giảm 918 tỷ đồng so với thời điểm 20/9/2016.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top