Aa

Long An có 1.191 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 10,4 tỷ USD

Đăng Trung
Đăng Trung pvdangtrung@gmail.com
Thứ Năm, 27/07/2023 - 06:44

Toàn tỉnh Long An có trên 16 nghìn doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký 362,5 nghìn tỷ đồng; có 1.191 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 10,4 tỷ USD.

Thông tin này được nêu ra tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An, nhằm đánh giá kết quả triển khai Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Long An, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH 2021-2023 và phương hướng, nhiệm vụ đến năm 2025; đồng thời xem xét, giải quyết một số kiến nghị để tạo động lực mới cho sự phát triển của tỉnh diễn ra chiều 25.7.

Cụ thể, các báo cáo, ý kiến tại cuộc làm việc thống nhất đánh giá, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Long An thể hiện quyết tâm cao, tư duy đột phá, năng động sáng tạo, xác định rõ mục tiêu giữ vững vị trí dẫn đầu vùng ĐBSCL và phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, định hướng phát triển hiện đại, sinh thái, văn minh và bền vững.

Thời gian qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Long An đạt mức khá cao, GRDP năm 2022 tăng 8,46% (xếp thứ 6/13 trong vùng ĐBSCL, 39/63 cả nước), trong 6 tháng năm 2023 ước tăng 3,43%. 

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực (trong 6 tháng 2023, khu vực nông nghiệp chiếm 16,41%; công nghiệp, xây dựng 50,92%; dịch vụ 27,13% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp 5,54%). Quy mô kinh tế năm 2022 xếp thứ 1/13 địa phương trong Vùng và 12/63 cả nước; GRDP bình quân đạt 90,2 triệu đồng/người.

Các ngành, lĩnh vực chủ yếu tăng trưởng tốt. Sản xuất công nghiệp năm 2022 tăng 9,32%, 6 tháng năm 2023 tăng 3,38%. Nông nghiệp tăng trưởng cao theo hướng chất lượng, hiệu quả (bình quân 2021-2022 đạt 2,46%/năm, 6 tháng năm 2023 đạt 3,71%). Thương mại, dịch vụ phát triển mạnh, hình thành liên kết tiêu thụ, phân phối (tăng 8,19%/năm). Thu ngân sách Nhà nước tăng trưởng khá; hệ thống tín dụng ngân hàng cơ bản đáp ứng yêu cầu; nợ xấu thấp (0,69% dư nợ). 

Công tác quy hoạch được chú trọng (tỉnh đã được phê duyệt quy hoạch). Các dự án giao thông trọng điểm được đẩy mạnh; giải ngân vốn đầu tư công đạt cao (6 tháng năm 2023 đạt 46,69%, xếp thứ 3/63 cả nước).

Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được đẩy mạnh (năm 2022 chỉ số năng lực cạnh trạnh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 10/63, cải cách hành chính xếp thứ 8/63); chuyển đổi số xếp thứ 11/63). Tăng cường đối thoại, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn, triển khai các dự án. Tỉnh đạt nhiều kết quả tốt trong thu hút nguồn lực đầu tư (huy động vốn đầu tư xã hội 2021-2022 đạt 81,6 nghìn tỷ đồng, năm 2022 tăng 19%). 

Toàn tỉnh có trên 16 nghìn doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký 362,5 nghìn tỷ đồng; có 1.191 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 10,4 tỷ USD. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội, đời sống người dân được bảo đảm; xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh (138/188 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, 22/27 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị). Quốc phòng, an ninh được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; làm tốt công tác đối ngoại, nhất là với Campuchia.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Út trình bày tóm tắt tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, tình hình phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2023 và một số nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối nhiệm kỳ.

Ông Nguyễn Văn Út cũng kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương ủng hộ thành lập Khu kinh tế Long An tại huyện Cần Giuộc, Cần Đước; sớm bố trí kinh phí hỗ trợ các hộ dân ảnh hưởng cắm mốc biên giới; quan tâm bố trí nguồn vốn thực hiện các dự án giao thông kết nối giữa Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM, vùng Đông Nam bộ đi các tỉnh Tây Nguyên và hỗ trợ vốn đầu tư các dự án kè phòng, chống sạt lở trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng - Ảnh: VGP

Cũng tại buổi làm việc, đại diện các Bộ, ngành Trung ương cũng đóng góp nhiều ý kiến, phân tích, đánh giá, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và đề xuất các giải pháp để Long An khắc phục mọi khó khăn, thách thức, phát huy tiềm năng, thế mạnh, vươn lên phát triển nhanh và bền vững, nhất là hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Long An có vị trí chiến lược quan trọng, là vùng đất địa linh, nhân kiệt, thời kỳ nào người Long An cũng có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp bảo vệ và phát triển của đất nước; có truyền thống lịch sử hào hùng; đoàn kết, thống nhất và có nhiều đổi mới; là nơi hội tụ, giao thoa của nhiều vùng văn hóa; là trung tâm kết nối giữa miền Đông Nam Bộ và miền Tây Nam Bộ, giữa hành lang kinh tế từ Bắc vào Nam, hành lang kinh tế Đông – Tây và vành đai kinh tế ven biển; có thêm nhiều kinh nghiệm và tiềm lực sau hơn 35 năm đổi mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An - Ảnh: VGP

Bên cạnh những thành tựu, kết quả rất cơ bản, Thủ tướng nêu rõ, tăng trưởng kinh tế của tỉnh còn thấp so với tiềm năng, thế mạnh và yêu cầu đặt ra. Tỉnh cần nỗ lực nhiều hơn trong thu hút các dự án FDI quy mô lớn, công nghệ cao. Lĩnh vực công nghiệp, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn. Việc giải quyết vấn đề nhà ở công nhân, người thu nhập thấp... cần cố gắng hơn. Việc triển khai một số công trình, dự án còn chậm tiến độ; chưa khai thác hết lợi thế về vận tải, logistics…

Định hướng thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, dù tình hình thế giới thời gian tới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ở trong nước khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, song cơ hội và thuận lợi của Long An nhiều hơn là khó khăn và thách thức…/.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top