Long An: Điểm nóng phát triển khu công nghiệp dịch chuyển về Thủ Thừa

Diệu Phan
Diệu Phan phandieu.mtg@gmail.com
Thứ Năm, 03/10/2024 - 06:34

Vị trí chiến lược, hạ tầng và công nghiệp phát triển nhanh, giá đất còn "mềm"… là những nguyên nhân đang giúp Thủ Thừa trở thành thủ phủ công nghiệp mới của tỉnh Long An.

Thủ phủ công nghiệp mới của Long An

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Long An là địa phương đứng thứ 3 cả nước trong quá trình phát triển các khu công nghiệp (sau tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương). Long An cũng được đánh giá là điểm sáng về thu hút đầu tư phát triển công nghiệp trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện tại, Long An đang tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu. Long An hiện có 35 KCN được thành lập với tổng diện tích được quy hoạch là 9.364,47 ha. Trong đó có 26 KCN đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư với diện tích quy hoạch là 5.982,14 ha (đất công nghiệp là 4.278 ha, đã cho thuê là 2.899,94 ha). 9 KCN đã được chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ đang triển khai thực hiện các thủ tục, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng KCN với diện tích quy hoạch là 2.466,8 ha.

Ngoài ra, Long An có 5 KCN với diện tích quy hoạch là 997,86ha đã nộp hồ sơ xin cấp chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ và đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định. Còn lại 11 KCN với diện tích quy hoạch 2.183,5ha đang thực hiện các thủ tục về quy hoạch, sẽ thực hiện thủ tục cấp chủ trương đầu tư sau khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp.

Long An: Điểm nóng phát triển khu công nghiệp dịch chuyển về Thủ Thừa- Ảnh 1.

Theo quy hoạch, đến năm 2030, Long An sẽ có thêm 17 khu công nghiệp thành lập mới với diện tích gần 3.200 ha. Toàn tỉnh sẽ có 51 khu công nghiệp với tổng diện tích 12.433 ha, vươn lên xếp thứ hai cả nước về diện tích các khu công nghiệp. Đồng thời, địa phương sẽ có thêm 28 cụm công nghiệp, tổng diện tích 1.808 ha, nâng tổng số cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 là 72 cụm với tổng diện tích 3.989ha. Đây là điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tận dụng cơ sở hạ tầng, chính sách ưu đãi… tại các khu, cụm công nghiệp rộng khắp và trải dài trên địa bàn tỉnh này.

Xét về địa phương, Thủ Thừa được đánh giá là huyện có tiềm năng phát triển về công nghiệp cực lớn.Thủ Thừa hiện chiếm tỷ lệ 38,4%, tương đương 4.800ha bao gồm 10 KCN và 2 cụm công nghiệp (CCN). Nếu tính đến năm 2030, top 3 huyện có quy mô công nghiệp lớn nhất Long An lần lượt là Đức Hoà (7.808,4ha), Bến Lức (6.547,5ha) và Thủ Thừa (4.800ha).

Long An: Điểm nóng phát triển khu công nghiệp dịch chuyển về Thủ Thừa- Ảnh 2.

Thủ Thừa có giá thuê đất khu công nghiệp còn "mềm" so với các huyện khác (Ảnh: VIRES)

Tuy nhiên, trong giai đoạn quy hoạch mới, từ 2024 – 2030, Thủ Thừa lại vượt lên dẫn đầu về diện tích đất quy hoạch công nghiệp với diện tích 4.009ha; cao gấp 2 lần Đức Hoà (1.925,2ha) và gấp 1,1 lần so với Bến Lức (3.637ha).

Đặc biệt, tại báo cáo "Phát triển đô thị và thị trường bất động sản tỉnh Long An giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030" của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam  cho thấy, Thủ Thừa hiện đứng thứ 2 trong top 5 địa phương có diện tích KCN đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư lớn nhất tỉnh Long An với 192,13ha.

Long An: Điểm nóng phát triển khu công nghiệp dịch chuyển về Thủ Thừa- Ảnh 3.

Thủ Thừa cũng đứng thứ 3 trong top 5 địa phương có tiềm năng phát triển diện tích về KCN lớn nhất của tỉnh Long An với 4.615,7 ha. Xét về biên độ tăng trưởng tiềm năng của 5 địa phương đang có diện tích KCN đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư lớn nhất, Thủ Thừa đang xếp vị trí số 1 với mức tăng lên đến 2016%.

Tạo lực đẩy cho thị trường bất động sản

Theo các chuyên gia cấp cao của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES), với vị trí địa lý đặc biệt kết nối giữa miền Đông và miền Tây Nam Bộ, lại nằm kề TP.HCM, Long An được đánh giá sẽ có sự phát triển mạnh mẽ trong phân khúc bất động sản công nghiệp. Đặc biệt khi Bình Dương và Đồng Nai đã dần bão hòa về loại hình này và quỹ đất cũng ngày càng cạn kiệt, thì Long An có quỹ đất dồi dào, lại phát triển sau nên rút được những bài học của các địa phương đi trước, vì vậy mà quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, nhất là đất cho công nghiệp sẽ tiết kiệm, hiệu quả hơn. Từ đó cũng có sự phát triển theo hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tạo sự phát triển bền vững hơn.

Bất động sản công nghiệp ở Long An ngoài các lĩnh vực phổ biến, sẽ tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, chế biến, bảo quản nông sản để tiêu thụ nguồn cung dồi dào từ Đồng bằng sông Cửu Long.

Long An: Điểm nóng phát triển khu công nghiệp dịch chuyển về Thủ Thừa- Ảnh 4.
Long An: Điểm nóng phát triển khu công nghiệp dịch chuyển về Thủ Thừa- Ảnh 5.

Một góc khu công nghiệp tại Long An (Ảnh: Reatimes)

Long An cũng được đánh giá không những chia sẽ quỹ đất phát triển công nghiệp với TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, đón đầu các làn sóng đầu tư mới, mà thậm chí còn có thể là nơi dãn các nhà máy, khu công nghiệp hiện đang hoạt động ở TP. Hồ Chí Minh, để Thành phố này giảm tải áp lực từ sản xuất công nghiệp, đồng thời có thêm quỹ đất để xây dựng các công trình văn hóa, không gian công cộng, hạ tầng xã hội vốn đang rất thiếu, để nâng cao chất lượng sống của cư dân.

Thực tế cũng cho thấy, thị trường bất động sản lớn ở nước ta đều gắn với các yếu tố như phát triển khu công nghiệp hoặc dịch vụ, du lịch. Trong đó, phát triển khu công nghiệp luôn là bước đi kéo theo sự gia tăng dân số cơ học, hình thành những khu dân cư sầm uất. Nhu cầu nhà ở gia tăng để đáp ứng cho người lao động ở các khu công nghiệp chính là nền tảng vững chắc cho thị trường bất động sản tăng trưởng. Đây là một thực tế đã được minh chứng cho ở các thành phố như Biên Hòa (Đồng Nai), Dĩ An, Thuận An (Bình Dương)…

Sự phát triển của các khu công nghiệp sẽ kéo theo nhu cầu và sự tăng trưởng của thị trường bất động sản đô thị. Với lượng lớn nguồn nhân lực sẽ tới làm việc tại các khu công nghiệp trong tương lai, Long An chắc chắn sẽ phải sẵn sàng chuẩn bị về hạ tầng đô thị, nhà ở và các hạ tầng xã hội khác.

Long An: Điểm nóng phát triển khu công nghiệp dịch chuyển về Thủ Thừa- Ảnh 6.

Sự phát triển của các khu công nghiệp sẽ kéo theo nhu cầu và sự tăng trưởng của thị trường bất động sản đô thị

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho hay, nhìn vào quyết tâm của Long An khi thực hiện các kế hoạch và phát triển đô thị nói chung và thị trường bất động sản nói riêng, có thể nói, Long An đang đi đúng hướng khi tập trung phát triển hạ tầng, phục vụ cho quá trình phát triển đô thị, phát triển kinh tế - xã hội, để trở thành "tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu của cả nước".

Còn theo TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, với kế hoạch phát triển hạ tầng đã được chính quyền tỉnh quyết tâm thực hiện trong thời gian tới, rất dễ thấy, Long An hoàn toàn có thể trở thành địa phương giữ vai trò quan trọng trong khu vực Đông và Tây Nam Bộ. Nhìn sang tỉnh Bình Dương, nhờ tập trung phát triển hạ tầng kết nối vùng nên ngay cả những khu vực tưởng chừng không có tiềm năng phát triển cũng trở thành vùng, khu công nghiệp tốt. Trong khi đó, Long An còn loay hoay với hạ tầng trong nhiều năm nay. Sắp tới đây, rất nhiều hạ tầng kết nối vào năm 2025 – 2026 sẽ mở ra triển vọng phát triển cho Long An cũng như hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top