Hàng nghìn tỷ đồng nằm "đắp chiếu"
Năm 2003 dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam được UBND tỉnh Long An giao cho Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp và Vận tải (Tracodi) thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6, một đơn vị hoàn toàn xa lạ với lĩnh vực giấy, làm chủ đầu tư.
Đến năm 2008, Tracodi vẫn chưa hoàn thành xong dự án. Nên UBND tỉnh Long An chủ động chuyển nhà máy về cho SCIC (Bộ Tài chính) quản lý. Tiếp đó, đến tháng 6/2009, dự án được chuyển giao về Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) làm chủ đầutư.
Sau khi tiếp nhận dự án, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã phê duyệt tổng mức đầu tư mới của dự án là 3.409 tỷ đồng. Theo tính toán, từ khi dự án được duyệt lần đầu vào năm 2003 (1.487 tỷ đồng), tổng mức đầu tư của dự án đã tăng gấp 2,3 lần.
Sau đó, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã đưa dây chuyền vào chạy thử. Tuy nhiên, khi chạy thử, dây chuyền gặp sự cố. Do đó, từ tháng 10/2012 đến nay, dự án dừng hoạt động.
Theo báo cáo, tính đến ngày 31/12/2015, tổng chi phí đầu tư vào dự án là 2.636 tỷ đồng, tính đến cuối năm 2016, tính cả lãi suất phải trả, tổng nợ phải trả lên tới 2.695 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, nguyên nhân khiến nhà máy này phải tạm ngừng hoạt động là do Tracodi thiếu năng lực, kinh nghiệm. Sau khi chuyển về chủ đầu tư mới là Tổng công ty Giấy Việt Nam, dự án cũng không được làm tốt khâu rà soát, đánh giá tình trạng, không lường hết được những khó khăn về công nghệ, khả năng cung cấp nguyên liệu...
Vào tháng 12/2016, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ việc xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa Tổng công ty Giấy Việt Nam sẽ tiến hành sau khi xử lý bán đấu giá Nhà máy bột giấy Phương Nam.
Sau đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tổng công ty Giấy Việt Nam tiến hành đấu giá dự án nhà máy Bột giấy Phương Nam.
3 lần đấu giá không thành công
Lần đầu nhà máy Bột giấy Phương Nam được đưa ra đấu giá là từ ngày 12/6/2017 đến ngày 14/7/2017. Lần thứ 2 là từ ngày 20/7 đến ngày 9/8/2017 (gia hạn thêm 15 ngày). Lần cuối diễn ra từ ngày 23/8 đến ngày 22/9/2017 (gia hạn thêm 30 ngày).
Tuy nhiên, theo thông tin từ Bộ Công Thương, các lần tổ chức bán đấu giá trên đã không thành công do không có nhà đầu tư tham gia đấu giá, nên Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề trên.
Để xử lý những tồn tại của dự án, ngày 11/11/2017, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 12067/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ về việc bán đấu giá tài sản Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam, trong văn bản nêu rõ: “Bộ Công Thương chỉ đạo Tổng công ty Giấy Việt Nam tiếp tục bán đấu giá và xử lý tài sản đấu giá không thành công của Dự án theo quy định của pháp luật hiện hành”.
Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã tổ chức họp và yêu cầu Tổng công ty Giấy Việt Nam phối hợp với đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu, xây dựng phương án bán đấu giá và xử lý tài sản đấu giá không thành công của Dự án theo quy định của pháp luật hiện hành.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng thừa nhận, hiện nay chưa có văn bản pháp lý nào của Nhà nước hướng dẫn việc điều chỉnh khởi điểm để tiếp tục bán đấu giá trong trường hợp bán đấu giá lần đầu không thành. Tổng công ty Giấy Việt Nam cũng đã tiến hành rà soát các văn bản pháp lý của Nhà nước có liên quan (đã từng có quy định cho phép điều chỉnh giá khởi điểm).
Tháng 2/2018, Bộ Công Thương đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó đề nghị Thủ tướng Chính phủ trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về cơ chế đặc thù tương tự cơ chế tại Nghị định 61/2017/NĐ-CP của Chính phủ trong việc bán đấu giá tài sản dự án.
Theo đó, khi đấu giá không thành công, cho phép giảm giá khởi điểm 10% để tiếp tục tổ chức đấu giá, số lần giảm tối đa không quá 2 lần.
Trường hợp sau 2 lần giảm giá mà việc tổ chức bán đấu giá vẫn không thành công, đề nghị cho phép Tổng công ty tổ chức định giá từng phần của Dự án để tiếp tục tổ chức bán đấu giá dự án, báo cáo Chính phủ.
Ngoài ra, nhà máy Bột giấy Phương Nam là dự án thuộc diện vay vốn nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh. Quá trình đầu tư dự án, Bộ Tài chính đã thay mặt Chính phủ ký thư bảo lãnh khoản vay Ngân hàng Societe Generale (Pháp) trị giá 67 triệu Euro cho dự án. Nhưng việc dự án không thể hoàn thành đã khiến Bộ Tài chính phải đứng ra “trả nợ thay”.