LTS: Dự án Làng Đại học Đà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vào năm 1997 với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 8.600 tỷ đồng, diện tích gần 300ha. Trong đó, khoảng 110ha thuộc P. Hòa Quý (Q. Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) và gần 190ha thuộc 4 khối phố: Câu Hà, Tứ Hà, Ngọc Vinh và Tứ Ngân (P. Điện Ngọc, TX. Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Thế nhưng, sau 27 năm kể từ ngày được phê duyệt quy hoạch, đến nay dự án vẫn "nằm treo" mà chưa biết đến bao giờ hình hài làng đại học hoàn thành.
Người dân gánh hệ lụy
Có mặt tại khu vực dự án, PV Reatimes ghi nhận tại khu vực thuộc địa phận TP. Đà Nẵng đã được giải phóng mặt bằng (GPMB) chỉ có lác đác vài cơ sở đã xây dựng hoàn thành.
Tuy nhiên, nhiều vị trí chưa được xây dựng nhiều năm trở nên hoang hóa, cỏ mọc um tùm. Nhiều khu vực đất rộng thênh thang bị bỏ hoang phí thời gian dài, một số người dân đã tận dụng cải tạo để trồng rau kiếm thêm thu nhập.
Trong khuôn viên dự án, đường giao thông đi vào khu dân cư rất khó khăn. Nơi đây có hàng trăm ngôi nhà tạm đã cũ kỹ, xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng làm cảnh quan nhếch nhác. Nhiều người dân đã bỏ hoang nhà cửa, từ đây phát sinh các tệ nạn xã hội. Việc dự án treo nhiều năm cũng ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt, các quyền lợi về đất đai, xây dựng nhà ở của người dân. Ngoài ra, khu vực dự án còn có hàng chục nghìn ngôi mộ nằm ngổn ngang khắp nơi.
Để hiểu rõ hơn về đời sống của người dân, PV tìm đến các ngôi nhà trong vùng dự án thuộc P. Điện Ngọc, TX. Điện Bàn để hỏi thăm. Tuy nhiên, một số người lắc đầu từ chối, tỏ vẻ ngán ngẩm mệt mỏi, không thiết tha chia sẻ.
"Hỏi làm chi nữa, dân kêu cứu bao năm nay rồi nó vẫn vậy, quy hoạch treo thì vẫn cứ treo thôi. Đời này chúng tôi cũng quen và xác định cảnh "sống treo" mãi như này rồi", một người dân xua tay nói.
Người dân bức xúc cũng là điều dễ hiểu, bởi bao phận người đã bị "mắc kẹt" trong dự án này suốt 27 năm qua và vẫn đang tiếp tục, chưa biết đến bao giờ kết thúc. Đi không được, ở thì cực khổ, thiếu thốn, nguy hiểm… họ thiết tha mong sớm ngày được đền bù, di dời đến nơi ở mới.
Nằm trong vùng dự án, gia đình ông Lê Chánh (trú khối phố Câu Hà, P. Điện Ngọc, TX. Điện Bàn) nhiều năm qua phải sống thấp thỏm trong căn nhà cũ đã xuống cấp nhưng không thể xây dựng, sửa chữa. Những thủ tục liên quan đến đất đai cũng không thực hiện được trong khi điều kiện sống của gia đình rất khó khăn.
"Ngôi nhà này gia đình xây dựng cách đây cũng đã hơn 30 năm, nhiều vị trí đã xuống cấp có thể đổ sập nên tôi gia cố bằng mấy trụ gỗ tạm để cho an toàn hơn chút. Đâu chỉ vậy, sống giữa đô thị nhưng còn khổ hơn trên núi, nước sạch, điện, đường đều thiếu. Hằng ngày, con tôi phải sang nhà bà con cách đó vài cây số chở thêm nước sạch về sinh hoạt. Điện thắp sáng phải kéo từ nhà hộ dân khác để về dùng. Không biết bao giờ thoát khỏi cảnh khốn cùng này đây", ông Sang, than thở.
Cùng chung cảnh ngộ, ông Võ Ngọc Thảo (khối phố Tứ Hạ, P. Điện Ngọc) bức xúc chia sẻ: "Chúng tôi sống tạm bợ qua ngày đã hơn 25 năm rồi, mưa xuống là ngập đường, nước tràn vào nhà. Người già và trẻ nhỏ thường xuyên bị ốm, mắc các bệnh về hô hấp, sốt xuất huyết,…do môi trường ở khu vực ô nhiễm, cỏ dại um tùm. Nhà xuống cấp, xập xệ, muốn sửa cho đỡ lo thì không được vì hai chữ "quy hoạch". Khốn khổ vì dự án không biết bao giờ được thực hiện, trong khi muốn đi thì không được, ở lại thì không xong".
Bất cập từ dự án "treo" 27 năm
Theo báo cáo rà soát, đánh giá thực trạng tại khu vực dự án Làng Đại học Đà Nẵng của tỉnh Quảng Nam, đến nay mới chỉ triển khai khu tái định cư (TĐC) cho các hộ dân bị ảnh hưởng đường bao làng đại học. Tuy nhiên, việc triển khai mới chỉ đền bù và TĐC cho các hộ dân bị giải tỏa trắng. Trong khi đó các hộ ảnh hưởng đường bao dự án vẫn chưa bồi thường (BT) thiệt hại và chưa có kế hoạch di dời.
Do quy hoạch dự án "treo" nhiều năm nên hạ tầng không được đầu tư, nâng cấp. Đặc biệt, từ khi công bố dự án, địa phương không thể đầu tư bê tông hóa giao thông nông thôn, chỉ có một tuyến đường bê tông rộng 3m, dài khoảng 1,7km, còn lại là đường đất. Hệ thống đường dây, trụ điện khu vực khối phố Câu Hà đã xuống cấp, nguy cơ xảy ra tai nạn điện rất cao, nhất là trong mùa mưa bão. Các công trình công cộng trong khu vực còn tạm bợ…
Dự án "treo" hơn 1/4 thế kỷ này khiến cuộc sống của hàng ngàn hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng. Từ năm 1997 đến nay, người dân nằm trong vùng dự án không được thực hiện một số quyền được luật pháp cho phép như lập hộ mới, tách thửa, tặng cho, chuyển nhượng, thừa kế, chuyển mục đích sử dụng đất... và không được cấp phép xây dựng, cải tạo nhà cửa.
Tuy nhiên, do bức xúc về chỗ ở, nhiều hộ dân đã xây dựng, cơi nới nhà cửa. Nhiều trường hợp khác cũng xây dựng trái phép trên diện tích đất quy hoạch dự án để chờ giải tỏa, đền bù. Theo kết quả tổng rà soát của cơ quan có thẩm quyền thì từ năm 2009 đến nay, có hơn 500 trường hợp xây dựng trái phép, tổng diện tích đất tại khu vực xây dựng trái phép gần 5ha.
Việc mua bán, chuyển nhượng đất đai tự phát giữa các hộ dân vẫn diễn ra, chính quyền địa phương không thể kiểm soát được, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tranh chấp, khiếu kiện, nếu không có giải pháp giải quyết kịp thời sẽ tạo điểm nóng, gây mất an ninh - trật tự tại địa phương.
Ông N.T., (P. Điện Ngọc, TX. Điện Bàn), cho hay việc bán đất, chuyển nhượng ở đây diễn ra từ lâu rồi, ký kết bằng giấy viết tay thôi. Tuy nhiên, do nằm trong vùng quy hoạch dự án "treo" nên giá đất thấp hơn nơi khác. Nhà nào cần tiền thì mới bán "chui".
Trao đổi với Reatimes, ông Phan Quang Quốc Huy, Chủ tịch UBND P. Điện Ngọc, cho biết do nằm trong vùng quy hoạch nên nhiều năm nay quyền lợi của người dân không được đảm bảo. Đất không được tách thửa, giao dịch mua bán, không được đầu tư hạ tầng nên đời sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn.
"Đây là khó khăn chung của phường, bởi theo luật thì người dân không được cơi nới, sửa chữa, phải giữ nguyên hiện trạng để lập hồ sơ, kiểm đếm, giải tỏa, hỗ trợ đền bù. Tuy nhiên, việc bảo lưu, quản lý hiện trạng hết sức phức tạp. Địa phương cũng làm hết chức năng, kiến nghị khắc phục, tháo gỡ khó khăn cho người dân nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp cụ thể", ông Quốc Huy, nói thêm.
Liên quan đến công tác BT, GPMB và TĐC, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao cho UBND TX. Điện Bàn chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã tổ chức kiểm tra, rà soát thực trạng tại dự án. Qua rà soát, tổng diện tích đất ảnh hưởng của người dân là 170,28ha với hơn 1.845 hộ dân. Trong đó, 1.375 hộ ảnh hưởng đất ở, 30 hộ đất tôn giáo và 440 hộ đất nông nghiệp. Số căn nhà thuộc diện giải tỏa trắng là 817 căn. Tổng số lô TĐC dự kiến cần bố trí là 3.155 lô.
Trong khi đó, tổng chi phí BT, TĐC theo Quyết định số 42 của UBND tỉnh Quảng Nam là khoảng 2.776 tỷ đồng nhưng con số thực tế là 4.164 tỷ đồng. Chi phí bồi thường tăng cao nên việc triển khai thực hiện công tác BT, GPMB rất khó khăn.
Trước thực trạng đó, qua khảo sát, trong khu vực dự án thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam có khoảng 50ha có khả năng thuận lợi trong công tác GPMB. Diện tích đất này nằm ở khối phố Tứ Hà và Câu Hà (P. Điện Ngọc), gồm 6ha đất ở, 3,9ha đất nông nghiệp và 40ha đất nghĩa trang, tín ngưỡng với 222 hộ dân bị ảnh hưởng. Tổng chi phí GPMB dự kiến khoảng 333,8 tỷ đồng. Suất vốn đầu tư xây lắp và thiết bị với diện tích 50ha là 482 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư dự kiến là 815,8 tỷ đồng.
"Trong trường hợp không bố trí đủ nguồn vốn để GPMB toàn bộ diện tích của dự án làng Đại học Đà Nẵng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam từ nay đến năm 2025, đề nghị điều chỉnh quy hoạch phân khu (1/2000) để tập trung triển khai thực hiện trên phần diện tích khoảng 50ha thuận lợi trên", Chủ tịch UBND Quảng Nam Lê Trí Thanh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ.