Ngày 3/3, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam có báo cáo gửi Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết theo dõi, chỉ đạo một số nội dung phản ánh của cơ quan báo chí nêu trong điểm báo ngày 19/2. Trong đó, có nội dung liên quan đến việc nhiều xã "rớt" chuẩn nông thôn mới (NTM) mà Reatimes đã phản ánh.
Nguyên nhân "rớt" chuẩn
UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tính đến cuối năm 2023, bình quân chung số tiêu chí NTM đạt chuẩn của toàn tỉnh (193 xã), theo Bộ tiêu chí mới giai đoạn 2022 - 2025 là 16,42 tiêu chí/xã (tăng 2,63 tiêu chí so với năm 2022). Đến nay, có 123/193 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 63,7%. Dự kiến quý I/2024 sẽ công nhận thêm 6 xã NTM, nâng tổng số xã NTM lên 129/193 xã.
Đáng chú ý, trong 112 xã đạt chuẩn NTM từ năm 2020 trở về trước có 61 xã chưa đảm bảo duy trì theo Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2022 - 2025 ("gọi là rớt chuẩn" - như Reatimes đã phản ánh) so với cuối năm 2022 thì giảm 37 xã. Các xã rớt chuẩn từ 1-3 tiêu chí/xã. Trong 61 xã "rớt chuẩn" này thì không có xã nào thuộc trường hợp phải thu hồi quyết định công nhận đạt chuẩn theo quy định. Các tiêu chí rớt chuẩn chủ yếu rơi vào các tiêu chí có nhiều chỉ tiêu tăng thêm của Bộ tiêu chí mới giai đoạn 2022 - 2025 theo quy định của Trung ương.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, nguyên nhân các xã "rớt" chuẩn là do bộ tiêu chí giai đoạn 2022 - 2025 có nhiều chỉ tiêu tăng thêm nên cần thời gian để thực hiện. Cụ thể, tiêu chí số 1 về quy hoạch, hiện nay hầu hết các xã quy hoạch từ năm 2012 - 2013 nên đến nay theo quy định thì kỳ quy hoạch đã hết. Trước đây quy hoạch theo quy định cũ (Thông tư liên tịch số 13), nay các hướng dẫn về quy hoạch đã có sự thay đổi nên hầu hết các xã đều rớt chuẩn đối với xã làm quy hoạch năm 2012.
Riêng các xã làm quy hoạch năm 2013 thì cuối năm nay sẽ hết kỳ quy hoạch. Nội dung này đã được UBND tỉnh chỉ đạo phải hoàn thiện quy hoạch NTM cấp xã đến tháng 6/2024, sau thời gian này địa phương nào chậm phê duyệt quy hoạch sẽ chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.
Tiêu chí 2 về giao thông, do chỉ tiêu 2.1 đường trục xã và 2.2 đường trục thôn tăng thêm do quy định mới phải cứng hóa từ 70% lên 100% nên cần phải có nguồn đầu tư. Đây là tiêu chí khi duy trì chuẩn cần kinh phí để thực hiện, tuy nhiên, nguồn vốn ngân sách trung ương các Chương trình MTQG được phân bổ chậm nên hiện nay các địa phương đang triển khai thực hiện thêm.
Tiêu chí 8 về truyền thông, do tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến chưa đảm bảo, đài truyền thanh xã xuống cấp… hiện đang đầu tư.
Tiêu chí 10 về thu nhập, do thu nhập giai đoạn mới tăng thêm, mỗi năm đều tăng 3 triệu đồng/người/năm nên tiêu chí này phải duy trì nâng cao thu nhập hằng năm. Tiêu chí 11 về nghèo đa chiều, do tiêu chí nghèo tăng lên khi có cả hộ nghèo và cận nghèo.
Tiêu chí 12 về lao động, do lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ chưa đảm bảo tỷ lệ, đang đào tạo. Tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn có 3 chỉ tiêu tăng thêm. Trong đó, một số xã HTX chưa hoạt động hiệu quả, chưa có truy xuất nguồn gốc, sản phẩm chủ lực có sản xuất theo các tiêu chuẩn như Vietgap…
Bên cạnh đó, còn có tiêu chí 15 về y tế; tiêu chí 16 về văn hóa; tiêu chí 17 về môi trường và an toàn thực phẩm; tiêu chí 18 về hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật.
Đặc biệt, nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật ở các địa phương khá lớn, nhất là ở miền núi nhưng việc xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong xã hội còn hạn chế; nhiều xã ở miền núi đã khó khăn, nhiều cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng do thiên tai tàn phá thường xuyên sau các đợt mưa, lũ lụt nên nhiều tiêu chí phải đầu tư lại từ đầu, ngoài ra ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên tình hình kinh tế khó khăn làm cắt giảm nhiều cho công tác đầu tư, duy tu bảo dưỡng...
Giải pháp đảm bảo duy trì đạt chuẩn bộ tiêu chí mới
Trước những khó khăn của các địa phương, tỉnh Quảng Nam đã đưa ra một số giải pháp chung để đảm bảo duy trì chuẩn theo bộ tiêu chí mới. Theo đó, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện kế hoạch để duy trì chuẩn. Tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt công tác duy trì chuẩn. Sử dụng nguồn lực hiện có để tập trung duy trì chuẩn (nguồn đầu tư trung hạn 2,8 tỷ đồng/xã/5 năm và nguồn duy trì chuẩn hỗ trợ 500 triệu đồng/xã/năm x 5 năm).
Đồng thời, tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế, đẩy mạnh việc bổ sung, điều chỉnh quy hoạch, nhất là quy hoạch phát triển sản xuất thật sự phù hợp, phát huy cơ sở hạ tầng đã được đầu tư, xây dựng các khu sản xuất tập trung.
Đẩy mạnh công tác tích tụ ruộng đất, áp dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp, xây dựng các vùng nguyên liệu nông sản, gắn với cấp mã vùng trồng, mã vạch sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến; đẩy mạnh nhân rộng các thôn NTM kiểu mẫu, cải tạo cảnh quan môi trường, hình thành các giá trị văn hóa cộng đồng NTM... nâng cao đời sống mọi mặt cho người dân.
Đẩy mạnh huy động các nguồn lực khác để xây dựng NTM, nhất là huy động các nguồn lực từ vận động các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đăng ký hỗ trợ các địa phương (huyện, xã, thôn) thực hiện xây dựng NTM và sự tham gia đóng góp của cộng đồng dân cư, người dân trên tinh thần tự nguyện.
Giải pháp cụ thể về các tiêu chí theo bộ tiêu chí mới như sau: Tiêu chí số 1 về quy hoạch, HĐND tỉnh đã bố trí nguồn lực rà soát quy hoạch trong Chương trình NTM theo Nghị quyết số 21/2022/NQ-HĐND, dự kiến tiêu chí này sẽ duy trì được vào tháng 6/2024. Tiêu chí 2 về giao thông sẽ lồng ghép Đề án Giao thông nông thôn, nguồn Chương trình NTM và ngân sách địa phương để đầu tư. Tiêu chí số 10 về thu nhập sẽ tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở các xã, đẩy mạnh thực hiện thu hút doanh nghiệp đầu tư, thực hiện các Chương trình phát triển kinh tế ở nông thôn, lồng ghép các cơ chế chính sách của ngành nông nghiệp như OCOP, kinh tế vườn - kinh tế trang trại, sắp xếp dân cư, liên kết sản xuất, cơ chế hỗ trợ dược liệu, nguồn vốn sự nghiệp các Chương trình mục tiêu quốc gia…
Tiêu chí 11 về nghèo đa chiều sẽ lồng ghép 2 Chương trình mục tiêu quốc gia còn lại để giảm nghèo. Tiêu chí 12 về lao động sẽ bố trí kinh phí để đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đồng thời lồng ghép vốn đào tạo nghề từ 02 Chương trình mục tiêu quốc gia còn lại để đào tạo nghề. Tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn sẽ lồng ghép các cơ chế ngành nông nghiệp, cơ chế hỗ trợ HTX, đồng thời sử dụng nguồn kinh phí duy trì chuẩn (500 triệu đồng/xã/năm) để thực hiện tiêu chí này.
Ngoài ra, các tiêu chí còn lại cũng sẽ được tỉnh Quảng Nam đưa ra các giải pháp, chỉ đạo quyết liệt và đã bố trí nguồn lực để đảm bảo duy trì chuẩn, các tiêu chí chưa duy trì chuẩn chủ yếu là tiêu chí "mềm", phấn đấu đến tháng 6/2024 sẽ đảm bảo 100% xã đạt chuẩn duy trì chuẩn theo Bộ tiêu chí mới.
Quảng Nam: Hơn 606 tỷ đồng nợ xây dựng cơ bản chương trình NTM
Theo báo cáo của các địa phương tỉnh Quảng Nam thì đến nay, tổng số nợ trong giai đoạn 2016 - 2020 là 149,581 tỷ đồng gồm ngân sách trung ương, tỉnh không nợ; ngân sách cấp huyện nợ 99,023 tỷ đồng; xã và nguồn khác nợ 50,559 tỷ đồng. So với tháng 4/2023 thì giảm 56.205 triệu đồng.
Cụ thể, nợ công trình đã quyết toán là 30,943 tỷ đồng (giảm 24,567 tỷ đồng). Nợ công trình chưa quyết toán là 118,638 tỷ đồng (giảm 31,638 tỷ đồng) so với số liệu tổng hợp cuối tháng 4/2023.
Riêng đối với giai đoạn 2021 - 2023, các dự án thực hiện theo Luật Đầu tư công nên chưa xác định nợ cụ thể. Tuy nhiên, theo dự kiến số liệu còn chưa phân bổ so tổng mức đầu tư thì dự kiến cấp huyện nợ 366,004 tỷ đồng, cấp xã nợ 78,863 tỷ đồng và huy động khác 13,203 tỷ đồng.
Theo Nghị quyết của HĐND cấp huyện phê duyệt danh mục trung hạn đã nêu cụ thể số vốn của từng cấp ngân sách nên sẽ kiểm tra việc xử lý nợ này trong năm 2024 - 2025. Riêng đối với vốn ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh đã bố trí trong kế hoạch trung hạn nên sẽ bố trí đủ cho các địa phương để xử lý nợ vào đầu năm 2025.