Luật Đất đai có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội, phát triển kinh tế của đất nước. Trong đó có liên quan đến quyền, lợi ích, nghĩa vụ của mọi người dân, mọi cơ quan, đơn vị. Việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh, của mỗi địa phương, đơn vị đều phụ thuộc rất lớn vào đất đai và phát triển đất đai. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 236 điều, trong đó giữ nguyên 28 điều; sửa đổi 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều…
Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) tập trung vào một số điểm mới như: Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp theo hướng mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp; hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất…
Việc lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là dịp để phản ánh những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn lâu nay và cũng là dịp để các cơ quan, đơn vị nghiên cứu bước đầu về tinh thần của Dự thảo Luật.
Đối với cử tri tỉnh Thanh Hóa, ý kiến đóng góp về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) tại một số đơn vị cấp sở, huyện, thành phố cơ bản nhất trí và đánh giá cao sự cần thiết ban hành Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhất là những bất cập trong quản lý và sử dụng đất hiện nay.
Cử tri Sở Tài nguyên và Môi trường và cử tri thuộc các phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị xã, thành phố cho rằng, những điều khoản áp dụng của Luật cần được quy định cụ thể, chi tiết hơn, nhất là các vấn đề về đối tượng cho tặng đất đai, giá đất, tranh chấp đất đai, cơ chế thực hiện dự án, đấu thầu, đấu giá, bồi thường tái định cư, phát triển quỹ đất, phân cấp trong thẩm định giá… nhằm tạo sự thống nhất trong cách hiểu và áp dụng khi Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành.
Các đại biểu cũng đề nghị xem xét quy định về người sử dụng đất với “cá nhân người nước ngoài” để thống nhất với các Luật khác; nghiên cứu sửa đổi Điều 115 và khoản 1 Điều 115; quy định cụ thể nhiệm vụ “Tổ chức đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư” cho tổ chức phát triển quỹ đất vào khoản 2 Điều 112 để phù hợp với quy định tại Điều 78.
Cử tri cũng đề nghị nêu rõ trách nhiệm của UBND các cấp trong việc cung cấp hồ sơ có liên quan, nhất là các vụ việc tranh chấp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định; đề nghị điều chỉnh khoản 2 Điều 10 từ “thực hiện không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố” thành “giao đất, cho thuê đất không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố”; đề nghị hoàn thiện quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, giảm khiếu nại, khiếu kiện…
Còn đối với cử tri TP. Thanh Hóa, về cơ bản các cử tri nhất trí và đánh giá cao sự cần thiết ban hành Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhất là những bất cập trong quản lý và sử dụng đất.
Cử tri TP. Thanh Hóa cũng đề nghị Dự thảo Luật cần bổ sung thêm nội dung khi thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp thì thực hiện đồng thời việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và gia hạn sử dụng đất mới cho người dân để đảm bảo quyền lợi cho người dân cũng như đảm bảo công tác quản lý Nhà nước; hoàn thiện quy định về công nhận quyền đối với hộ gia đình, cá nhân không có các giấy tờ về quyền sử dụng đất.
Đề nghị sửa đổi, bổ sung những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; bổ sung thêm điều kiện đối với trường hợp thửa đất thuộc quy hoạch thực hiện dự án và đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm hoặc thông báo thu hồi đất để không gây khó khăn trong việc thu hồi đất…
Đối với cử tri tại một số huyện, Dự thảo Luật Đất đai 2023 đã chú trọng giải quyết một số tồn tại, hạn chế liên quan đến quy hoạch, sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường...
Để hoàn thiện dự thảo Luật bảo đảm khoa học, đồng bộ, chất lượng, khả thi, hiệu quả, cử tri huyện Ngọc Lặc đã đề xuất nhiều vấn đề liên quan đến thu hồi đất, chuyển nhượng, thế chấp; xử lý đất có nguồn gốc nông, lâm trường, tranh chấp đất đai…
Theo đó, cử tri huyện Ngọc Lặc đề nghị bổ sung quy định cụ thể về xác định diện tích đất ở đối với trường hợp sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất mà đất đã sử dụng ổn định từ trước ngày 18/12/1980 tại khoản 5, Điều 139 của Dự thảo Luật. Xem xét, điều chỉnh lại quy định thời điểm tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tại khoản 3, Điều 150 của Dự thảo Luật. Xem xét, bổ sung quy định cụ thể về định mức thỏa thuận tối đa đối với việc sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất tại Điều 128 của Dự thảo Luật.
Cử tri cũng đề nghị sửa đổi nội dung đoạn thứ 2 của khoản 4, Điều 224 thành: Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Cử tri huyện Ngọc Lặc cho rằng, nên bỏ quy định về đối tượng là “Hộ gia đình sử dụng đất”; quy định tại Điều 4 của Dự thảo Luật chưa phù hợp với nguyên tắc áp dụng pháp luật khi có quy định khác nhau về cùng một vấn đề quy định tại khoản 3, Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Do đó, đề nghị điều chỉnh lại quy định để có sự thống nhất giữa hai Luật.
Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai (Điều 225), cử tri đề nghị nêu rõ trách nhiệm của UBND các cấp trong việc cung cấp hồ sơ có liên quan, nhất là các vụ việc tranh chấp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định…/.