Aa

Luật Đầu tư và động lực của kinh tế tư nhân

Thứ Sáu, 13/03/2020 - 06:30

Kể từ khi ra đời, Luật Đầu tư cộng hưởng các chính sách khác để tạo nên bệ đỡ vững chắc và tạo nên động lực hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam khẳng định như vậy. Cùng với Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư được xem là một trong 2 luật quan trọng có tác động lớn tới cộng đồng doanh nghiệp trong suốt hơn 30 năm qua.

PV: Là người nhiều năm gắn bó với cộng đồng doanh nghiệp, theo ông, sự ra đời của Luật Đầu tư đã tác động như thế nào nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua?

Luật sư Trần Hữu Huỳnh: Khi bắt đầu đổi mới, Đảng và Nhà nước đã “mở cửa” để kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam đầu tư, kinh doanh bằng “Luật Đầu tư nước ngoài” năm 1987. Luật Đầu tư nước ngoài đã tạo cho nhà đầu tư nước ngoài những bảo đảm về tài sản cũng như các chính sách ưu đãi riêng biệt. Các quy định pháp luật về đầu tư nước ngoài đã khơi thông luồng vốn đầu tư vào Việt Nam, giúp cho nền kinh tế Việt Nam hội nhập và phát triển.

Đến năm 1994 các nhà đầu tư trong nước mới có một luật riêng để bảo đảm hoạt động đầu tư của mình - Luật Khuyến khích đầu tư trong nước. Trải qua hơn 30 năm thực hiện, Luật Đầu tư đã xoá bỏ phân biệt đối xử, tạo lập sân chơi bình đẳng cho cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, khuyến khích, ưu đãi và quản lý hữu hiệu các hoạt động đầu tư kinh doanh, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam

Đáng chú ý, trong thời gian qua Luật Đầu tư đã cộng hưởng cùng với các chính sách hội nhập đã góp phần thúc đẩy hoạt động với hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Từ đó nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt và thúc đẩy quá trình cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam một cách mạnh mẽ.

Luật Đầu tư cũng đã thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam ngày càng phát triển. Từ đó, tạo ra một thế hệ doanh nghiệp Việt ngày càng lớn mạnh và tự tin đối diện với thế giới. Đây là điểm sáng ấn tượng nhất của Luật Đầu tư.

PV: Ông có nói, điểm sáng nhất của Luật Đầu tư là quá trình thúc đẩy kinh tế tư nhân Việt Nam. Ông có thể nói rõ hơn về điều này không, thưa ông?

Luật sư Trần Hữu Huỳnh: Với khu vực kinh tế tư nhân, Luật Đầu tư cùng với hàng loạt các luật khác được ban hành như Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng… đã trở thành bệ đỡ vững chắc giúp khu vực kinh tế tư nhân giải phóng nguồn lực rồi ngày càng lớn mạnh.

Đáng chú ý cùng với Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đã chuyển từ việc quản lý bằng giấy phép sang quản lý bằng điều kiện kinh doanh và hạn chế ở mức thấp nhất danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện… từ đó tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp được kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm.

Đây có thể coi là một bước tiến quan trọng, bền vững trong chính sách phát triển kinh tế tư nhân, từ chỗ bị coi là “đối tượng phải cải tạo”, đến chỗ công nhận là “một trong những động lực” và đến nay, là “một động lực quan trọng, là nòng cốt” trong phát triển kinh tế. Đây có thể coi là bước đột phá lớn nhất trong chính sách phát triển kinh tế tư nhân từ sau khi Đổi mới.

Đáng chú ý, thời gian qua, Luật Đầu tư đã thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam ngày càng phát triển. Từ đó tạo ra một thế hệ doanh nghiệp Việt ngày càng lớn mạnh và tự tin đối diện với thế giới. Đây là điểm sáng ấn tượng nhất của Luật Đầu tư.

Luật Đầu tư cũng là một trong những chính sách quan trọng giúp từng bước thu hẹp lại sự bất bình đẳng về mặt chính sách giữa kinh tế tư nhân và những thành phần kinh tế khác. Từ đó, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân ngày càng có chỗ đứng, tạo ra đóng góp lớn về GDP, tạo ra công ăn việc cho hàng triệu người lao động… tạo tiền đề thành lập để khu vực kinh tế này trở thành lực lượng lòng cốt trong tương lai.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này một số quy định trong Luật Đầu tư đã trở lên lỗi thời, dẫn đến chồng chéo trong hệ thống pháp luật.

Theo báo cáo của VCCI, trong số 25 điểm chồng chéo của hệ thống pháp luật kinh doanh ở thời điểm hiện tại, có đến 14 điểm chồng chéo thuộc về Luật Đầu tư.

PV: Trong bối cảnh hiện nay, cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ cùng với việc Việt Nam đã tham gia vào 13 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới,… Theo ông, Luật Đầu tư 2020 cần tiếp tục trợ lực thế nào để khối doanh nghiệp tư nhân ngày càng phát triển?

Luật sư Trần Hữu Huỳnh: Trong bối cảnh mới như hôm nay, để có thể tiếp tục trợ lực cho kinh tế tư nhân Luật Đầu tư cần phải tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, thông thoáng và đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Theo đó, cần sàng lọc lại danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đồng thời đảm bảo không đặt ra điều kiện kinh doanh một cách bừa bãi.

Cùng với đó quá trình sửa Luật Đầu tư không thể không nói đến những Luật khác nên việc ra soát sửa luật cần phải được tiến hành một cách đồng bộ, hệ thống.

Cuối cùng, Luật Đầu tư phải bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Các chính sách về đầu tư, nếu có thay đổi cũng phải đảm bảo nguyên tắc không hồi tố để nhà đầu tư có thể yên tâm đầu tư kinh doanh.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top