Aa

Lục Ngạn, Bắc Giang: Dự án ẩu, đấu thầu tùy tiện

Thứ Hai, 19/08/2019 - 16:35

Tiếp tục đi sâu vào tìm hiểu, chúng tôi phát hiện thêm rất nhiều bất thường ở Dự án đường Lê Duẩn kéo dài. Nó không chỉ kỳ quặc về pháp lý, mà công tác lập dự án và công tác đấu thầu xây lắp còn cho thấy sự cẩu thả, tùy tiện, làm trước rồi mới xin điều chỉnh...

Thiết kế tính sai, tăng nhiều tỷ đồng

Như đã thông tin trong bài “Lục Ngạn, Bắc Giang: Dự án kỳ quặc chưa được lòng dân”, Dự án đầu tư xây dựng: Xây dựng Hạ tầng kỹ thuật và khu dân cư đường Lê Duẩn kéo dài (Dự án đường Lê Duẩn kéo dài), thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang có quy mô khoảng 6,2ha, tổng mức đầu tư gần 69 tỷ đồng, được UBND huyện Lục Ngạn phê duyệt ngày 25/10/2017, tại Quyết định số 9307a/QĐ-UBND. Nguồn vốn Dự án được lấy từ ngân sách huyện và vay của Quỹ đầu tư phát triển đất; do UBND huyện Lục Ngạn làm chủ đầu tư, giao Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện (Ban QLDA huyện Lục Ngạn) trực tiếp quản lý và điều hành, thực hiện.

Dự án đường Lê Duẩn kéo dài có tổng mức đầu tư được phê duyệt gần 69 tỷ đồng.

Chỉ tính chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và chi phí gói thầu số 6, UBND huyện Lục Ngạn đã cần số tiền hơn 71 tỷ đồng.

Theo hồ sơ UBND huyện Lục Ngạn cung cấp, kết quả thẩm định Dự án đường Lê Duẩn kéo dài được Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang thông báo trước đó một ngày (ngày 24/10/2017), tại Thông báo số 2152/SXD-CCGĐ. Kết quả thông báo có ý kiến của 5 Sở (Bắc Giang), chỉ ra hàng loạt thiếu sót, nhầm lần trong thuyết minh và dự toán tổng mức đầu tư.

Đáng chú ý nhất ở đây là tổng mức đầu tư. Cụ thể, tổng mức đầu tư trình thẩm định là hơn 79,7 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng là hơn 34,1 tỷ đồng; chi phí xây dựng là hơn 34,1 tỷ đồng; chi phí thiết bị 2,5 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án hơn 818 triệu đồng; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng hơn 2 tỷ đồng; chi phí khác hơn 1,4 tỷ đồng; chi phí dự phòng hơn 4,5 tỷ đồng...

Kết quả sau thẩm định cho thấy, tổng mức đầu tư giảm chỉ còn gần 69 tỷ đồng (giảm hơn 10 tỷ đồng). Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng là hơn 25,8 tỷ đồng (giảm hơn 8,3 tỷ đồng); chi phí xây dựng là gần 27 tỷ đồng (giảm hơn 7,2 tỷ đồng); chi phí thiết bị là hơn 6,1 tỷ đồng (tăng hơn 3,6 tỷ đồng)...

Nguyên nhân theo Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang là do tính toán lại giá trị giải phóng mặt bằng cho phù hợp; do tính toán loại suất vốn đầu tư, tính công trình tương tự chưa chính xác; chi phí xây dựng giảm; do tính sai, tính thiếu chi phí khảo sát, thiết kế...

Chỉ một ngày sau khi Sở Xây dựng có Thông báo số 2152/SXD-CCGĐ (ngày 25/10/2017), UBND huyện Lục Ngạn đã ban hành Quyết định số 9307a/QĐ-UBND, về việc phê duyệt Dự án đường Lê Duẩn kéo dài như đã nói ở trên.

Làm trước, xin điều chỉnh sau

Như đã nói ở trên, chi phí giải phóng mặt bằng Dự án đường Lê Duẩn kéo dài được phê duyệt là hơn 25,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất, phương án được phê duyệt sau này đã tăng lên thành hơn 35,5 tỷ đồng (tăng gần 10 tỷ đồng). Theo thông tin UBND huyện Lục Ngạn phát đi trong một thông báo gửi các cơ quan báo chí mới đây, đã có 63/71 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nhận tiền, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thực hiện dự án; 4 hộ gia đình có phương án bổ sung tài sản nên chưa chi trả tiền; 4 hộ gia đình không chấp hành, không nhận tiền bồi thường, không bàn giao đất cho nhà nước thực hiện dự án.

Dự án đường Lê Duẩn kéo dài có rất nhiều vấn đề.

Bên cạnh đó, chi phí xây dựng và chi phí thiết bị được phê duyệt chỉ hơn 33 tỷ đồng. Nhưng kết quả phê duyệt lựa chọn nhà thầu gói thầu số 6: Xây lắp và thiết bị công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật và khu dân cư đường Lê Duẩn kéo dài lên tới hơn 35,8 tỷ đồng (tăng hơn 2,8 tỷ đồng). Đơn vị trúng gói thầu này là Công ty TNHH Thương Vụ, địa chỉ ở lô 1/8 Cụm công nghiệp Tiểu khu 1, thị trấn Neo, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang (Văn phòng đại diện: Số 106 Nguyễn Thị Minh Khai, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang). Điều này được thể hiện tại Quyết định số 5769/QĐ-UBND, ngày 13/12/2018 của UBND huyện Lục Ngạn.

Từ đây có thể thấy, chỉ tính chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và chi phí gói thầu số 6, UBND huyện Lục Ngạn đã cần số tiền hơn 71 tỷ đồng (cao hơn tổng mức đầu tư được phê duyệt gần 3 tỷ đồng). Nếu tính cả các chi phí khác còn lại, con số này còn lớn hơn rất nhiều...!

Trao đổi với Reatimes về việc mức bồi thường giải phóng mặt bằng tăng, ông Cao Văn Hoàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lục Ngạn cho biết UBND tỉnh mới ban hành quy định về bồi thường, giải phóng mặt bằng theo hướng tăng lên. Sau khi tính toán bồi thường giải phóng mặt bằng, UBND huyện sẽ đề nghị Hội đồng nhân dân huyện phê duyệt lại vì vượt tổng mức đầu tư.

“Về đầu tư xây dựng, qua thẩm định, sở chuyên ngành cũng đã góp ý các nội dung cho phù hợp thì bắt buộc phải điều chỉnh. Như trên tôi nói, nếu tổng chi vượt tổng mức đầu tư phê duyệt thì phải xin chủ trương điều chỉnh. Cái đó phải làm xong mới triển khai các bước được”, ông Cao Văn Hoàn giải thích.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top