Lùm xùm trong câu chuyện của cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước không phải không có, nhưng gần đây câu chuyện này được xới lên qua vụ việc Hãng phim truyện Việt Nam. Với tuổi đời gần nửa thế kỷ, sở hữu vài trăm bộ phim giá trị, và đạt thành tích tới 30 giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế, thương hiệu Hãng phim lại chỉ được định giá "0 đồng", đồng thời mảnh "đất vàng" nằm ở vị trí đẹp bậc nhất Thủ đô cũng được định giá bằng 0.
Câu chuyện này mở ra những câu hỏi khó trả lời: Vai trò quản lý Nhà nước ở đâu, tới mức nào trong các thương vụ này? Cơ quan quản lý giá, đơn vị thực hiện cổ phần hóa và cả bộ, ngành sở hữu các công ty được cổ phần hóa đã làm gì? Các căn cứ định giá giá trị tài sản vô hình và hữu hình liệu có gì bất ổn trong quá trình cổ phần hóa không? Đặc biệt là vấn đề định giá thương hiệu và định giá BĐS để xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.
"Hổng" luật gây thất thoát lớn
Trước tất cả các câu hỏi đó, ai cũng có thể hình dung về việc ngân sách Quốc gia sẽ mất đi một số tiền nhiều ngàn tỷ đồng nếu buông lỏng quản lý. Việc lợi dụng các kẻ hở pháp lý, tạo ra tính "hợp lý hóa" từ các kẽ hở đó để kiếm lời cũng là câu chuyện rất được quan tâm. Ở đây có mối liên hệ nào giữa người lãnh đạo các doanh nghiệp cổ phần hóa và cổ đông chiến lược (cổ đông lớn) trong các thương vụ cổ phần hóa không? Và tại sao những tài sản hữu hình và vô hình không thực hiện theo hình thức đấu giá công khai tài sản để thu về giá trị lớn nhất cho ngân khố Quốc gia.
Nhìn thấu từ đầu câu chuyện cổ phần hóa tại Hãng phim truyện Việt Nam cũng một phần vẽ nên bức tranh toàn cảnh về những góc pháp lý còn nhiều bất cập.
Chúng ta biết mục tiêu cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là: Tạo điều kiện điều kiện để doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả; Giảm bớt gánh nặng cho Ngân sách Nhà nước; Góp phần làm chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế; Tạo khả năng thu hút vốn, kỹ thuật, công nghệ mới; Thúc đẩy phát triển hoàn thiện thị trường vốn và thu về ngân sách Quốc gia các nguồn vốn dư thừa không sử dụng tới.
Ngoài ra, thực hiện cổ phần hóa cũng nhằm huy động vốn của toàn xã hội bao gồm các cá nhân, các tổ chức kinh tế, các tổ chức xã hội trong và ngoài nước nhằm đầu tư, đổi mới công nghệ, tạo thêm công ăn việc làm trong dân chúng, phát triển doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh, thay đổi cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, và thay đổi phương thức quản lý trong doanh nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện để người lao động trong doanh nghiệp có cổ phần và những người góp vốn được thực sự làm chủ; thay đổi phương thức quản lý, tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả; tăng tài sản cho Nhà nước; nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần tăng trưởng kinh tế đất nước.
Để đảm bảo được các lý tưởng và mục tiêu trên, việc hoàn thiện cơ sở pháp lý và tuân thủ đúng quy luật thị trường trong cổ phần hóa là điều luôn được đặt ra. Đặc biệt để tránh thất thoát cho Nhà nước nhiều ngàn tỉ đồng như vụ việc của Hãng phim truyện Việt Nam, chúng ta cần đặc biệt chú trọng tới câu chuyện "định giá" và đặc biệt là "định giá thương hiệu" và "định giá các thương hiệu văn hóa".
Vậy định giá thương hiệu hiểu sao cho đúng?
"Ma trận" định giá thương hiệu
Góc độ pháp lý ở Việt Nam hiện nay, các văn bản vẫn chưa có sự thống nhất về phương pháp đánh giá khiến các doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa hay xác định giá trị doanh nghiệp còn nhiều lúng túng. Các quy định xuất hiện tại các văn bản pháp lý khác nhau và cũng có cách hiểu khác nhau dẫn đến những mâu thuẫn.
Chúng ta biết tới Nghị định 109/2008/NĐ-CP ngày 10/10/2008 của Chính phủ về bán, giao doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, hay tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước có đề cập tới các khái niệm cụ thể như: giá trị thương hiệu, hay lợi thế kinh doanh, nhãn hiệu. Và trong Nghị định Nghị định số 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần, thông tư 127/2014/TT-BTC cũng quy định về xác định giá trị thương hiệu.
Tuy nhiên nhìn nhận chung ta thấy: tất cả đều xác định “lợi thế kinh doanh” bao gồm cả “giá trị thương hiệu”. Điều này lại không phù hợp với chuẩn mực kế toán Việt Nam số 04, “giá trị thương hiệu” hay “nhãn hiệu hàng hóa” được coi là tài sản cố định vô hình. Giá trị thương hiệu phải là một tài sản. Đây là một loại tài sản vô hình. Mà đã là tài sản thì được tính quy ra tiền và có giá trị trong việc trao đổi, mua bán, góp vốn….
Thế nhưng tại Thông tư 127/2014/TT-BTC lại quy định rất rõ là: “Giá trị lợi thế kinh doanh tính vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP gồm giá trị thương hiệu, tiềm năng phát triển được xác định như sau:
"a) Giá trị thương hiệu được xác định trên cơ sở các chi phí thực tế cho việc tạo dựng và bảo vệ nhãn hiệu, tên thương mại trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp 5 năm, bao gồm chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đào tạo nhân viên, chi phí quảng cáo, tuyên truyền trong và ngoài nước để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giới thiệu công ty; xây dựng trang web....
b) Giá trị tiềm năng phát triển được tính vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa là tiềm năng phát triển của doanh nghiệp được đánh giá trên cơ sở khả năng sinh lời của doanh nghiệp trong tương lai khi so sánh tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp với lãi suất trái phiếu Chính phủ như sau:
Giá trị tiềm năng phát triển = Giá trị phần vốn nhà nướctheo sổ kế toán tại thời điểm định giá x Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân 3 năm trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp - Lãi suất của trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn 5 năm do Bộ Tài chính công bố tại thời điểm gần nhất với thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.
Trong đó: Giá trị thực tế phần vốn Nhà nước theo sổ kế toán tại thời điểm định giá (thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp) được xác định bằng giá trị doanh nghiệp theo sổ kế toán (là tổng giá trị tài sản thể hiện trong Bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 17 Thông tư này) trừ các khoản nợ phải trả theo sổ kế toán tại thời điểm định giá.
Vốn chủ sở hữu được xác định bao gồm số dư: Nguồn vốn đầu tư của chủ sở hữu - tài khoản 411; Quỹ đầu tư phát triển - tài khoản 414 và Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản - tài khoản 441 theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/03/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc Ban hành chế độ kế toán doanh nghiệp. Việc xác định vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp cổ phần hóa là các tổ chức tín dụng theo hướng dẫn của Ngân hàng nhà nước Việt Nam.
Tỷ suất lợi nhuận sau thuế xác định như sau: Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân 3 năm trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp = Lợi nhuận sau thuế bình quân 3 năm liền kề trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp x 100%.
Vốn chủ sở hữu theo sổ kế toán bình quân 3 năm liền kề trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp."
Đây cũng là căn nguyên dẫn tới việc định giá giá trị thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam với giá “0 đồng”. Về thực tế thì các cơ sở pháp lý của chúng ta hiện nay có các cách hiểu rất khác nhau.
Trong các Luật như: Luật Doanh nghiệp có Luật Doanh nghiệp 2014, quy định doanh nghiệp được góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ bao gồm tên thương mại nhãn hiệu, vấn đề quyền tác giả.... Cụ thể về việc đưa ra cách thức xác định và góp vốn thì lại thuộc Bộ Tài chính thực hiện và hướng dẫn.
Trong thông tư lại quy định rất rõ về cách xác định giá trị thương hiệu (là một thành phần trong lợi thế kinh doanh): “Giá trị thương hiệu được xác định trên cơ sở các chi phí thực tế cho việc tạo dựng và bảo vệ nhãn hiệu, tên thương mại trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp 5 năm, bao gồm chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đào tạo nhân viên, chi phí quảng cáo, tuyên truyền trong và ngoài nước để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giới thiệu công ty; xây dựng trang web....”.
Về quan điểm của pháp lý thì: Các quy định hiện hành không đưa ra chi tiết cho từng vụ việc. Quy định chung cho quá trình định giá thương hiệu Nhà nước chỉ liệt kê các chi phí, và đưa ra một phương pháp ước lượng tại thông tư. Các doanh nghiệp sẽ tùy từng thương vụ để áp dụng.
Về vấn đề định giá thương hiệu cũng còn khá mới ở Việt Nam, không giống như định giá tài sản cố định, bởi vậy khi vào việc nhiều doanh nghiệp còn lúng túng, hiểu sai, hoặc hiểu không hết nghĩa. Cũng không tránh khỏi đây là kẽ hở để việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước thất thoát tiền vào túi cá nhân trong các thương vụ. Nhà nước cần nghiên cứu bổ sung các phương pháp định giá, cách tính giá trị thương hiệu, phải có sự liên Bộ giữa Bộ tài chính, Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Kế hoạch đầu tư… và khối chuyên gia, doanh nghiệp để đưa ra các xác định giá trị thương hiệu chuẩn nhất.
(Còn nữa)