Lý do thị trường bất động sản Bắc Ninh sôi động
Cách thủ đô Hà Nội khoảng 30km về phía Bắc, Bắc Ninh là điểm kết nối quan trọng giữa Thủ đô và các tỉnh phía Bắc, trên hành lang kinh tế Việt Nam - Trung Quốc và nằm trong tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Nhiều năm qua, Bắc Ninh luôn nằm trong danh sách các tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng, cơ cấu kinh tế dần thay đổi sang cơ cấu công nghiệp và dịch vụ.
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, các dự án phát triển bất động sản mới được triển khai rất mạnh tại nhiều tỉnh, trong đó có Bắc Ninh với tỷ lệ hấp thụ bình quân trên 60% lượng hàng mỗi đợt chào bán ra thị trường.
Lý giải về sự phát triển của thị trường Bắc Ninh, giới bất động sản cho rằng tỉnh đang thu hút khoảng 60.000 kỹ sư, chuyên gia nước ngoài tới làm việc tại các khu công nghiệp và lực lượng lao động này tăng từ 20-25% mỗi năm.
Theo ghi nhận của CenLand, hết quý I/2019, khoảng gần 1.100 sản phẩm bất động sản ở nhiều phân khúc được giao dịch thành công, tập trung tại các địa điểm có sự phát triển hạ tầng tốt như trung tâm thành phố, thị xã Từ Sơn hoặc gần các khu công nghiệp.
TP.HCM: Có dấu hiệu huy động vốn trái phép tại dự án Zeitgeist Xii Nhà Bè?
Thời gian qua, giới đầu tư bất động sản phía Nam xôn xao về lời mời chào mua dự án Zeitgeist Xii Nhà Bè tại xã Phước Kiển và Nhơn Đức (huyện Nhà Bè, TP.HCM) do GS Engineering & Construction (GS E&C) làm chủ đầu tư với mức giá hấp dẫn, khả năng sinh lời cao.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Dự án ZeitGeist Xii Nhà Bè là khu đô thị quy mô lớn thứ 2 tại khu Nam Sài Gòn sau khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Quận 7. Tọa lạc tại mặt tiền đường Nguyễn Hữu Thọ, Nhà Bè, Dự án có quy mô lên đến 349,4ha, gồm biệt thự, khu căn hộ thấp tầng, khu căn hộ cao tầng, khu nhà ở phức hợp. Ngoài ra, tổng thể khu dự án tại Nhà Bè này trước kia có các tên tạm sử dụng khác nhau như: Nhà Bè Metrocity, G City GS, Metrocity Nhà Bè, Nam Sài Gòn… sau đó chủ đầu tư đã thống nhất với tên gọi như hiện tại dự án Zeitgeist Xii Nhà Bè còn được gọi tắt là Zeit Xii. Trong đó giai đoạn 1 của dự án, tên chính thức là Zeit River County 1.
Theo kế hoạch, Quý III/2019, tức là khoảng tháng 9 tới đây, GS E&C sẽ chính thức mở bán giai đoạn 1 dự án Zeitgeist Xii River County 1.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên Reatimes, hiện nay, chủ đầu tư đã cho quay tôn hết mặt đường Nguyễn Hữu Thọ và hàng rào sắt những phía xung quanh dự án này. Mặt bằng của dự án hiện đang là các rừng dừa nước hoang hóa, cỏ dại mọc um tùm, chưa có bất kỳ hoạt động xây dựng nào. Theo thông tin dự kiến, từ nay đến khi mở bán chủ đầu tư sẽ hoàn thiện các hạng mục để đủ điều kiện mở bán.
Siết tín dụng vào bất động sản: Chống đầu cơ hay cú sốc lớn?
Thị trường bất động sản thời gian gần đây đang “đứng ngồi không yên” trước thông tin từ dự thảo thông tư thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN đang được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến sửa đổi. Theo dự thảo thông tư mới về an toàn vốn, Ngân hàng Nhà nước đề xuất các khoản vay từ 3 tỷ đồng trở lên để vay mua nhà đất, căn hộ cao cấp sẽ bị áp dụng hệ số rủi ro lên đến 150%, cao gấp 3 lần so với trước. Điều đó có nghĩa ngân hàng sẽ thận trọng hơn vì sẽ phải để dành một lượng tiền dự phòng rủi ro cao gấp 3 lần so với trước nếu muốn cho vay nhóm này. Việc này sẽ tác động đến thị trường bất động sản như thế nào?
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kiêm Giám đốc trường Đào tạo BIDV nhận xét, dự thảo thông tư mới về an toàn vốn có nhiều điểm tích cực.
Nếu trước đây hệ số rủi ro cho vay bất động sản đều ở mức 150% thì dự thảo đã có sự điều chỉnh khi áp dụng hệ số rủi ro ở mức 50% đối với nhà ở, nhà ở xã hội, khoản vay dưới 1,5 tỷ đồng và tiến tới tách dần cho vay mua nhà để ở, sửa chữa nhà ở khỏi cho vay tiêu dùng giúp việc quản lý cho vay tiêu dùng, cho vay bất động sản minh bạch và chính xác hơn.
Giới phân tích cho rằng thị trường bất động sản đang phụ thuộc rất nhiều vào nguồn vốn từ ngân hàng, nên việc hạn chế tín dụng trung và dài hạn vào thị trường này sẽ gây tác động tiêu cực không chỉ trong ngắn hạn mà cả dài hạn. Cùng với sự lên tiếng “than” từ các doanh nghiệp bất động sản, đã bắt đầu có những kiến nghị “mặc cả” về tỷ lệ chỉnh sửa như việc hạ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn nên được hạ 2%/năm, để sau 5 năm sẽ hạ từ 40% hiện nay xuống 30% như dự kiến.
Nhiều lô đất tại Đà Nẵng dùng sai mục đích
Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo kiểm toán việc quản lý và sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hoá DNNN giai đoạn 2011-2017 trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Theo báo cáo, qua kiểm toán hoạt động đầu tư khai thác kinh doanh đất, góp vốn đầu tư bằng quyền sử dụng đất có 2 trường hợp doanh nghiệp cổ phần hoá sử dụng quyền sử dụng đất để góp vốn kinh doanh và hình thành pháp nhân mới.
Trong đó, Công ty CP Đầu tư Phát triển nhà Đà Nẵng góp vốn bằng quyền sử dụng đất tại thửa đất số 13 Nguyễn Chí Thanh, quận Hải Châu (851,6m2) để thành lập pháp nhân mới là Công ty CP Đầu tư Tia Sáng Mới.
Qua kiểm tra hiện trạng tại thửa đất số 13 Nguyễn Chí Thanh, Kiểm toán Nhà Nước cho biết thửa đất này đã được đền bù, giải toả nhưng đến nay chưa thực hiện xây dựng nhà chung cư cao tầng theo chủ trương của UBND TP. Hiện thửa đất đang được sử dụng làm bãi đậu xe ô tô và buôn bán hàng ăn uống, không đúng mục đích giao quyền sử dụng đất.
Lùm xùm tại chung cư 16B Nguyễn Thái Học (Hà Đông, Hà Nội)
Dự án chung cư 16B Nguyễn Thái Học – gọi tắt là Dự án (thuộc phường Yết Kiêu, quận Hà Đông, TP. Hà Nội) được khởi công xây dựng từ tháng 09/2008. Theo thiết kế được phê duyệt, dự án gồm 23 tầng nhà ở, 2 tầng sinh hoạt chung (nhà trẻ, khu dịch vụ công cộng, phòng y tế, …), 1 tầng hầm, 1 tầng bán hầm (tầng trệt) và tầng mái. Cuối tháng 12/2011, Dự án chính thức được bàn giao và đưa vào sử dụng.
Theo hợp đồng mua bán căn hộ, khi bên B – người mua nhà hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì sẽ được nhận sổ hồng. Mặc dù gần 400 hộ dân mua nhà tại đây đã thanh toán đủ số tiền theo hợp đồng, dọn vào ở suốt 8 năm nay mà vẫn không được cấp sổ hồng. Không hiểu vì lý do gì đến thời điểm này, CĐT Dự án là Công ty Duyên Hải vẫn chưa chịu hoàn thiện hồ sơ và gửi cơ quan quản lý Nhà nước đề nghị cấp sổ hồng cho các hộ dân. Các hộ dân cho biết, CĐT là Công ty Duyên Hải không rốt ráo giải quyết những kiến nghị của cư dân.
Nhiều năm nay, cư dân đã gửi đơn cầu cứu khắp nơi, từ các cấp chính quyền thuộc TP. Hà Nội đến Thủ tướng Chính phủ, Quân khu 3, các cơ quan này cũng đã có văn bản yêu cầu CĐT tổ chức họp với người dân để giải quyết những bất cập này. Thế nhưng, phía CĐT vẫn chưa đưa ra được hướng giải quyết dứt điểm, vì thế mâu thuẫn càng thêm căng thẳng kéo dài.