Sôi động
Theo tin từ Sở Xây dựng TP.HCM, Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh địa ốc HưngThịnh Corp đã thực hiện thành công thương vụ M&A quỹ đất của Công ty Sơn Bạch Tuyết trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh). Khu đất này rộng 8.892 m2, vị trí khá đẹp, ngay chân cầu Phạm Văn Đồng mới, kết nối vào sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 10 phút chạy xe máy và đi về khu Đông TP.HCM chỉ 10 phút.
Khu đất là nhà xưởng sản xuất của Công ty Sơn Bạch Tuyết đã bỏ hoang nhiều năm. Giá chuyển nhượng thương vụ này chưa được tiết lộ.
Cũng liên quan tới HưngThịnh Corp, trong năm 2016, chủ đầu tư này đã thâu tóm thành công quỹ đất của Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Phát Đạt tại Bắc bán đảo Cam Ranh (Khánh Hòa). Sau khi thâu tóm, Hưng Thịnh đang đẩy mạnh việc phát triển dự án này với tên gọi Cam Ranh Mystery Villas, có tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng.
Bước vào năm 2017, HưngThịnh Corp cũng đã thực hiện thành công khá nhiều thương vụ thâu tóm các dự án khác, gần đây nhất là hai dự án bất động sản tại quận Bình Tân (TP.HCM) của Công ty Phát triển nhà Bình Chánh (BCCI).
Một thương vụ M&A lớn khác, đó là Tập đoàn NovaLand đã chính thức thâu tóm lô đất vàng rộng gần 4.000 m2 tại địa chỉ 178 - Nguyễn Đình Chiểu (quận 3). Khu đất này với mặt tiền đường rộng 70 m, bên trong mở rộng. Được biết, NovaLand sẽ xây dựng chung cư cao cấp trên khu đất này trong thời gian tới.
Thương vụ đình đám nhất hiện nay là việc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát nhận chuyển nhượng Dự án River City (quận 7) từ Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt. Dự án này có quỹ đất rộng 112.585 m2, thiết kế xây dựng dự án lên tới 8.000 căn hộ chung cư cao cấp. Vạn Thịnh Phát sẽ nối khu đất này với khu đất của Dự án Saigon Peninsula mà chủ đầu tư này thông báo đầu tư 6 tỷ USD. Nhìn trên cao, hai khu đất này tạo ra hình bài tay 5 ngón xòe rất đẹp.
Cũng trong tháng 5, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) đã nhận 50 triệu USD tiền đặt cọc để chuyển nhượng 100% quyền sở hữu tại Dự án Phước Kiển (huyện Nhà Bè), với diện tích hơn 92 ha, cho Công ty cổ phần Đầu tư Sunny Island.
Cuộc chơi của nhà giàu
Một điều có thể nhận thấy từ các thương vụ M&A này, đó là “nhà giàu thâu tóm nhà nghèo”. Các dự án M&A đa phần đã được các chủ đầu tư khác phát triển trước đó, nhưng qua cơn “binh biến” thị trường những năm 2008 - 2014, đang phải đắp chiếu, giờ đây các doanh nghiệp khác nhắm tới thâu tóm.
Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, đây là lối thoát cho các dự án “chết” hồi sinh, bởi nhờ dòng vốn và những doanh nghiệp mới đầu tư vào sẽ tạo đột phá cho thị trường, xóa đi tồn kho bất động sản, nợ xấu ngân hàng được giải thoát…
Với doanh nghiệp M&A, họ rút ngắn được thủ tục xin cấp phép dự án, bởi hiện nay, để ra đời một dự án mới, chủ đầu tư sẽ phải thông qua khá nhiều thủ tục ở nhiều cửa khác nhau.
Ngoài M&A các dự án chết, thị trường đã xuất hiện những làn sóng M&A mới, đó là thâu tóm quỹ đất của các công ty vốn nhà nước. Các công ty nhà nước được giao quỹ đất lớn làm nhà xưởng, văn phòng, tới khi làm ăn thua lỗ, giải thể, quỹ đất này được sang nhượng cho các chủ đầu tư bất động sản.
“Những thương vụ thâu tóm quỹ đất của công ty nhà nước thời điểm hiện nay sẽ khó khăn, bởi Nghị định 91/2015/NĐ-CP của Chính phủ về việc đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp quy định phải chuyển từ việc định giá đất sang hình thức đấu giá, chính vì vậy, những thương vụ M&A này đang được các doanh nghiệp địa ốc cân nhắc. Tuy nhiên, điểm lợi thế ở các thương vụ này, đó là quỹ đất đều nằm ở vị trí vàng, sẽ rất giá trị khi xây dựng dự án”, ông Nguyễn Huy Vũ, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản BanvietLand cho biết.
M&A là lối thoát cho các dự án “chết” hồi sinh, bởi nhờ dòng vốn và những doanh nghiệp mới đầu tư vào sẽ tạo đột phá cho thị trường, xóa đi tồn kho bất động sản.