Lời tòa soạn:
Thời gian gần đây, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu sử dụng khẩu trang phòng dịch tăng cao, dẫn đến tình trạng nhiều cá nhân, doanh nghiệp trục lợi, đặt lợi ích kinh tế lên trên những quyền lợi chính đáng của khách hàng.
Trên tinh thần thượng tôn người tiêu dùng, chúng tôi khởi đăng tuyến bài về những vấn đề xung quanh câu chuyện “chiếc khẩu trang” thời Covid-19. Thông qua đó, mỗi người tiêu dùng sẽ nhận thức thông thái hơn, tránh mua phải các sản phẩm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên thị trường và cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.
Trân trọng giới thiệu với độc giả!
Trước khi bùng phát dịch Covid-19, các thiết bị y tế, đồ bảo hộ bao gồm khẩu trang luôn đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân trong và ngoài nước. Loại khẩu trang thông dụng trên thị trường tại thời điểm trước là khẩu trang y tế và khẩu trang kháng khuẩn.
Theo nghiên cứu, số lượng người dân quan tâm đến mặt hàng này phần lớn có liên quan đến ngành y ( bệnh nhân, bác sỹ, chuyên gia y tế…), còn lại là những người sử dụng theo mục đích của cá nhân (phòng bụi, bẩn…).
Tình trạng hàng giả, hàng nhái tăng cao
Khi các thông tin về dịch bênh lây lan nhanh xuất hiện trên các phương tiện truyền thông báo chí thì các thiết bị y tế, bảo hộ dù đắt vẫn luôn trong tình trạng hết hàng.
Theo khảo sát của PV, giá của các khẩu trang y tế bắt đầu tăng từ 2.000 đồng/chiếc lên thành 5.000 đồng/chiếc, thậm chí có nơi còn "hét" giá 10.000 đồng – 15.000 đồng/chiếc khẩu trang y tế 4 lớp. Khẩu trang 3M của Nhật loại 30 chiếc tăng lên thành 250.000 – 350.000 đồng/hộp nhưng rất khó để có thể phát hiện hàng thật – hàng giả bằng mắt thường.
Người tiêu dùng sẽ rất khó nhận biết những chiếc khẩu trang thường với những khẩu trang được cho là có khả năng kháng khuẩn nếu chỉ nhìn bằng mắt thường.
Lợi dụng tình hình dịch bệnh, hàng loạt các loại khẩu trang được đưa ra thị trường với mức giá cao gấp 3, 4 lần so với thời điểm trước đó. Hiện nay, trên thị trường xuất hiện các loại khẩu trang như khẩu trang y tế, khẩu trang 3M, khẩu trang N95, khẩu trang unicharm, khẩu trang vải…
Có loại khẩu trang chỉ được may bằng hai lớp vải thun, không nhãn mác hoặc chưa có cơ sở căn cứ nào khẳng định về tiêu chuẩn nhưng các sản phẩm này vẫn quảng cáo, gắn mác là "khẩu trang kháng khuẩn".
Theo TS Vật lý Nguyễn Văn Khải, Trung tâm Dung dịch hoạt hóa, điện hóa và đèn tiết kiệm năng lượng về vấn đề này: “Không phải sản phẩm nào cũng có thể ứng dụng được công nghệ kháng khuẩn, người tiêu dùng sẽ rất khó nhận biết những chiếc khẩu trang thường với những khẩu trang được cho là có khả năng kháng khuẩn nếu chỉ nhìn bằng mắt thường. Các vải sợi kháng khuẩn, thế giới đã sử dụng nhiều và đúng là nó có tính kháng khuẩn. Nhưng quy trình sản xuất phải được làm nghiêm ngặt, không có sự gian dối vì không thể phân biệt được bằng mắt thường sản phẩm kháng khuẩn và sản phẩm thông thường”.
Trước nhu cầu lớn sử dụng khẩu trang như 1 biện pháp phòng chống dịch bệnh cấp thiết, tình trạng hàng giả, hàng nhái cũng vì thế tăng theo. Các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp - thậm chí cả những đơn vị không chuyên cũng tham gia vào cuộc đua sản xuất khẩu trang, quảng cáo với những công dụng “thần thánh”, “đánh” vào tâm lý người tiêu dùng, cạnh tranh khách hàng ngay cả khi sản phẩm còn chưa được qua kiểm duyệt của các cơ quan chức năng có thẩm quyền, vô hình chung khiến người tiêu dùng rơi vào ma trận khẩu trang, rất khó để có thể phân biệt đâu là được hàng thật, hàng giả hay hàng kém chất lượng.
Trong khi đó, công nghệ kháng khuẩn đòi hỏi quy trình sản xuất và vật liệu rất phức tạp, có giá thành cao. Trong sản xuất và thương mại dệt may, vải kháng khuẩn được sử dụng rộng rãi để sản xuất mặt hàng mặc lót, hàng thể thao, hàng gia dụng và quần áo bảo vệ ở những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao như bệnh viện, khách sạn, trường học, quần áo sử dụng cho bác sĩ, nhân viên y tế và cho bệnh nhân, các trang bị như băng vết thương.
Phương pháp chung nhất để có được sản phẩm dệt kháng khuẩn là đưa các chất kháng khuẩn và giữ chúng bền lên (hoặc vào trong) vật liệu dệt trong suốt quá trình sử dụng. Các chất kháng khuẩn được đưa lên vải thường là những chất diệt khuẩn hoặc ức chế vi khuẩn phát triển. Hiện tại, các chất sử dụng trong sản xuất vải kháng khuẩn chủ yếu là chất diệt khuẩn và hiệu quả sẽ giảm dần sau mỗi lần giặt.
Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng liên tục phát hiện, thu giữ và xử lý hàng loạt các cơ sở sản xuất kinh doanh khẩu trang không phép, không nhãn mác, không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ.
Đại diện Tổng cục QLTT vì thế mà liên tục đưa ra các khuyến cáo người tiêu dùng cần hết sức lưu ý khi mua các vật dụng y tế, nhất là đối với mặt hàng khẩu trang. Người tiêu dùng nên tìm mua mặt hàng này tại các điểm bán uy tín, tin cậy mà Bộ Công Thương đã công bố, đặc biệt không nên mua hàng trên mạng xã hội vì không thể xác thực được nguồn hàng cũng như địa chỉ sản xuất…
Đồng thời, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị xử lý cương quyết đối với các cơ sở, cá nhân có biểu hiện buôn bán, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đầu cơ, găm hàng, nâng giá các mặt hàng y tế.
Tiêu chuẩn khẩu trang đúng chuẩn
Theo chuyên gia Viện nghiên cứu Dệt may Việt Nam, hiện nay trên thế giới cũng như tại Việt Nam, việc đưa các chất kháng khuẩn lên vải chủ yếu được thực hiện sau công đoạn tẩy trắng, nhuộm màu hoặc in hoa theo các cách khác nhau: Ngấm ép, tráng phủ hoặc phun… Xử lý theo phương pháp này, vải thành phẩm có khả năng diệt tới 90% khuẩn sau 1 giờ tiếp xúc và giảm còn 60 - 70% sau một số lần giặt (sau 10 hoặc 20 lần giặt tùy theo loại chất kháng khuẩn sử dụng).
Từ ngày 12/3, tại Việt Nam, Bộ Y tế đã có những hướng dẫn chi tiết về Kỹ thuật tạm thời cho khẩu trang vải kháng giọt bắn, kháng khuẩn (Ban hành kèm theo Quyết định số 870/QĐ-BYT ngày 12/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế).
Dù được sản xuất và bán nhiều ra thị trường thời gian gần đây, nhưng khẩu trang kháng khuẩn lại chưa có tiêu chuẩn riêng. Do đó, doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm và người dùng mua dựa trên quảng cáo của doanh nghiệp chứ chưa có công cụ để soi chiếu. Hiện mới chỉ có tiêu chuẩn cho khẩu trang y tế.
Tuy nhiên, trên thị trường khẩu trang hiện nay, không nhiều các đơn vị chính thống sản xuất ra các sản phẩm chất lượng đáp ứng được tiêu chuẩn như Bộ Y tế đưa ra, đa phần là các cơ sở, doanh nghiệp tư nhân lợi dụng tình hình dịch bệnh sản xuất ra các loại khẩu trang “kháng khuẩn” bằng các nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác để trục lợi, đặt lợi ích kinh tế lên trên sự an toàn, sức khỏe của người tiêu dùng.
Trước thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Đặng Hoàng An cho rằng, cần có tiêu chuẩn, quy chuẩn cho loại khẩu trang sản xuất từ vải kháng khuẩn để phòng chống dịch bệnh. Qua đó, nếu phát hiện doanh nghiệp cung ứng ra thị trường sản phẩm không bảo đảm các tiêu chuẩn đề ra, mới có cơ sở để xử lý nghiêm, tránh trường hợp đăng ký một đằng, sản xuất một nẻo.
Bên cạnh đó, trong nhiều trường hợp, người tiêu dùng chưa tìm hiểu rõ nguồn gốc một sản phẩm đã vội vàng tin dùng thei những lời quảng cáo mà bỏ qua các khuyến cáo. Vì vậy, người tiêu dùng nên tìm hiểu về thành phần nguyên liệu trong từng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng được phép lưu hành của Nhà nước, Bộ Y Tế cho phép để tránh những rủi ro.
Hệ quả của việc quảng cáo, phát tán thông tin sai sự thật về công dụng, chất lượng từ một đơn vị, tổ chức, cá nhân gây ảnh hưởng đến đời sống, sức khoẻ người tiêu dùng. Đây có thể coi là hành vi xâm phạm trực tiếp hoạt động quản lý Nhà nước, cần xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật và buộc cơ sở chấm dứt hành vi vi phạm.
Theo Điều 11: Xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng – Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng:
1. Cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
3. Cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
4. Chính phủ quy định chi tiết việc xử phạt vi phạm hành chính trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin...