PV: Giao dịch M&A mà doanh nghiệp Việt đóng cả hai vai mua và bán thời gian gần đây nở rộ các thương vụ ngàn tỷ, thậm chí chục ngàn tỷ. Ông nhìn nhận câu chuyện này ở khía cạnh bên mua đã đủ mạnh để mua “gói lớn” hay thị trường kỷ nguyên Covid khó khăn đến mức những doanh nghiệp, dự án lớn phải bán mình?
Ông Phan Xuân Cần: Thật ra là cả hai, nhưng trong đó khía cạnh tích cực áp đảo khi tích lũy của các doanh nghiệp nội địa đủ lâu, đủ mạnh để “chơi cuộc chơi lớn hơn”. Chẳng hạn, chỉ 5 - 7 năm trước, các chủ đầu tư có sẵn tiền mặt thường đi săn những dự án vài ngàn mét vuông rồi sau đó phát triển 1 - 2 tòa hoặc một vài tòa hỗn hợp chung cư, văn phòng, khách sạn theo kiểu nhanh gọn, đứt đoạn, đỡ rủi ro.
Giai đoạn hiện tại, nhờ việc tích lũy cao cùng khả năng huy động vốn tốt từ góp vốn cổ đông, phát hành cổ phiếu, trái phiếu hoặc huy động vốn từ nước ngoài thì nhiều doanh nghiệp có tiềm lực tốt hơn và lúc đó, trong chiến lược phát triển của một số tập đoàn, công ty họ tính tới việc mua các đại dự án để phát triển thành các sản phẩm đa tiện ích, đa dạng về sản phẩm với nhiều chu kỳ đầu tư; hoặc phát triển thêm các ngành nghề có liên quan, bổ trợ cho ngành nghề mũi nhọn của doanh nghiệp.
Nói riêng về bất động sản, việc triển khai các dự án ở quy mô lớn đảm bảo cho các chủ đầu tư khả năng tích hợp đa tiện ích, dịch vụ vào dự án, từ đó gia tăng giá trị cho khách hàng và đối tác.
Trong đó, mỗi khu đô thị phức hợp của họ có thể đáp ứng mọi đối tượng từ già tới trẻ, từ nhu cầu nhà ở tới vui chơi, giải trí, trường học, bệnh viện, trung tâm mua sắm và làm việc… Điều này cũng phù hợp xu thế phát triển của thời đại khi chuyển đổi số cho phép con người có thể sống và làm việc không giới hạn trong một không gian giới hạn.
Từ lẽ đó, tôi cho rằng, các giao dịch trong vài năm qua và kể cả tới đây sẽ dần lớn hơn về giá trị, quy mô cũng như tính phức tạp.
PV: So với giai đoạn trước Covid-19, ông nhìn nhận như thế nào về khả năng thực thi của các thương vụ M&A, đặc biệt là các thương vụ trong lĩnh vực bất động sản?
Ông Phan Xuân Cần: Nếu như trước đây, M&A các thương vụ lớn là sân chơi của khối ngoại thì hiện nay đa phần các thương vụ M&A quy mô lớn lại thuộc về khối nội, đặc biệt là chiều mua.
Sau thời gian tích lũy, nhiều tập đoàn tư nhân tại Việt Nam đã lớn mạnh cả về năng lực tài chính, tư duy, quản trị và tầm nhìn chiến lược dài hạn. Với đội ngũ nhân sự tốt hơn, bản lĩnh hơn, họ có khả năng phân tích, đánh giá và tận dụng được tối đa lợi thế trong việc tham gia các thương vụ M&A quy mô lớn.
Xét về khả năng thực thi, chúng ta thấy rất nhiều thương vụ M&A lớn, thậm chí ở sân chơi quốc tế có sự hiện diện của các tập đoàn tư nhân Việt Nam. Thông qua hoạt động M&A, họ không chỉ gia tăng tích lũy tài sản, mở rộng thêm những ngành nghề đầu tư mới đầy tiềm năng, mà còn hướng tới việc khai thông cánh cửa tới các thị trường quốc tế lớn khác như châu Âu hay châu Mỹ, mà trường hợp của Vingroup mua lại các tài sản giá trị lớn tại Úc, Mỹ vừa qua là một điển hình.
Có một điểm đáng chú ý hiện nay, trong nhiều thương vụ M&A không chỉ có sự hiện diện của một nhà đầu tư, mà có sự nhập cuộc của nhiều nhóm nhà đầu tư khác nhau.
Đây là dấu hiệu cho thấy nhận thức và tầm nhìn của các doanh nghiệp tư nhân nội địa đối với hoạt động M&A đã nâng lên một tầm cao hơn. Họ chủ động kết nối, trao đổi, tự tin trong việc đàm phán để cùng nâng tầm giá trị của nhau.
M&A không chỉ là mua bán, sáp nhập đơn thuần, mà đó là cơ hội để doanh nghiệp trưởng thành hơn, tiến hóa lên, nâng tầm ở tư duy quản trị chiến lược.
PV: Ông có thể nói rõ hơn câu chuyện này?
Ông Phan Xuân Cần: Một cách dễ hiểu, bất kỳ tập đoàn đa quốc gia nào hiện nay đều trưởng thành qua hoạt động M&A, nếu không muốn nói M&A đã nâng tầm họ lên thành các tập đoàn đa quốc gia có sức ảnh hưởng toàn cầu. Facebook, Google, Amazon, Alibaba, Microsoft, Grab, Uber…, ý nghĩa ban đầu thuần túy của các nhà lãnh đạo chỉ là xây dựng một không gian kết nối cộng đồng, một công cụ tiết kiệm thời gian tìm kiếm thông tin, một địa chỉ rao vặt hàng hóa, một phần mềm phục vụ cho hoạt động văn phòng, một dịch vụ gọi xe thuận tiện…
Qua thời gian phát triển, nhu cầu của người dùng ngày càng đa dạng, muốn chiếm lĩnh và khẳng định vị thế trên thị trường, họ buộc phải M&A để xây dựng hệ sinh thái đa nền tảng, đa quốc gia phục vụ cho hoạt động kinh doanh chính. Với mỗi thương vụ, họ sẽ từng bước tích lũy kinh nghiệm, kiến thức cũng như luôn phải tái cấu trúc mô hình quản trị thường xuyên để phù hợp hơn trong giai đoạn phát triển mới của công ty sau khi sáp nhập.
Đây chính là con đường mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang theo đuổi.
PV: Trong bối cảnh thế giới ảo tồn tại song song với thế giới thật, hoạt động M&A sẽ có những thay đổi ra sao?
Ông Phan Xuân Cần: Với sự hiện diện của nhiều mô hình kinh doanh mới tích hợp nền tảng công nghệ 4.0, Big Data hay IoT, mỗi ngày sẽ có những mô hình kinh doanh bị loại bỏ, thay vào đó là các mô hình kinh doanh mới do các startup tạo nên có thể đe dọa khả năng sinh tồn của các “ông lớn” trong quá khứ như trường hợp của hãng sản xuất phim, máy ảnh khổng lồ Kodak.
Với nhiều nhà quản trị doanh nghiệp, cách đơn giản nhất để tồn tại là mua lại mô hình kinh doanh mới có khả năng cạnh tranh tiềm tàng với doanh nghiệp mình trong tương lai khi họ vẫn còn đang ở giai đoạn tiềm năng và chưa thực sự trưởng thành. Bên mua với khả năng tài chính, kinh nghiệm, tầm nhìn quản trị tốt hơn, luôn tìm kiếm các thương vụ M&A mang lại giá trị gia tăng, mang tính cộng hưởng, bổ sung thêm những tiện ích mới vào hệ sinh thái, thậm chí có thể biến các startup đó thành chủ lực phát triển trong tương lai của cả tập đoàn.
PV: Vậy đối với riêng hoạt động M&A trên thị trường bất động sản trong thời gian tới, ông có nhìn nhận như thế nào?
Ông Phan Xuân Cần: Tôi cho rằng, đây là giai đoạn tốt cho cả bên mua và bên bán khi thị trường “thoáng đãng” hơn do nhà đầu tư nước ngoài chưa thể thông thương như bình thường.
Yếu tố dịch bệnh khiến bên mua có thể mua được các tài sản giá trị với giá rẻ hơn so với giai đoạn trước; trong khi đó, bên bán cũng có thể tìm kiếm các đối tác để nhượng lại khi dự án không còn khả năng khai thác lợi thế kinh doanh như ban đầu, bởi hiện nay không thiếu nhà đầu tư nội rất giàu tiềm lực.
Bên cạnh các loại hình bất động sản như nhà ở, văn phòng, thương mại, công nghiệp…, nhìn nhận cụ thể các phân khúc, tôi cho rằng, thời điểm hiện tại là cơ hội tốt nhất cho các nhà đầu tư xâm nhập vào ngành kinh doanh dịch vụ khách sạn khi nhiều dự án có nhu cầu chuyển nhượng và giá bán đủ tốt để mua lại.
Tiềm năng thị trường du lịch trong dài hạn vẫn khá tốt, giai đoạn căng thẳng nhất về du lịch đã qua và hoạt động du lịch trong nước dần sôi động trở lại trong khi Việt Nam đang tính mở cửa với khách du lịch quốc tế một khi hộ chiếu vắc - xin được chấp thuận. Do đó, với những nhà đầu tư trường vốn, có tầm nhìn từ 2 - 3 năm trở lên thì nên ra quyết định sớm.
Trước đây, những khách sạn, khu nghỉ dưỡng có giá trị, sở hữu vị trí đẹp hầu như không có chủ đầu tư bán ra do các tài sản này mang lại dòng tiền tốt, giá trị tài sản tăng theo thời gian; hoặc có bán thì giá cũng rất cao.
Trong khi đó, thời điểm hiện tại, do ảnh hưởng từ đại dịch, việc kinh doanh dịch vụ, du lịch khó khăn khiến các tài sản, dự án chào bán nhiều, mức giá hợp lý, nhà đầu tư có nhiều lựa chọn hơn. Thị trường giao dịch, chuyển nhượng hiện nay rất đúng với câu nói của người xưa, “mua của người chán, bán cho người thèm”.
Đây chính là thời điểm thích hợp để các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính mạnh có thể xây dựng được một chuỗi khách sạn ở các điểm đến hàng đầu của Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM, Hạ Long, Sapa, Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Phú Quốc, Vũng Tàu, Bình Thuận…, điều mà trước đây vốn không dễ thực hiện.