Aa

"Mắc cạn" tại nhiều dự án dang dở, Hải Phát chật vật với các khoản nợ ngắn hạn

Hà Thương
Hà Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Năm, 14/03/2024 - 06:00

Dù báo lãi trong năm 2023 và vượt hơn 10% kế hoạch đặt ra nhưng nhìn vào bức tranh tài chính của Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát, có thể thấy "bình minh vẫn chưa ló rạng" khi dòng tiền đang bị "tắc" tại nhiều dự án và áp lực nợ ngắn hạn càng ngày càng tăng.

Đầu tư dàn trải khiến dòng tiền khó khăn

Khép lại năm 2023, Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, mã chứng khoán: HPX) ghi nhận lãi ròng 134,3 tỷ đồng, doanh thu 1.700 tỷ đồng. So với kế hoạch lợi nhuận đặt ra hồi đầu năm 2023 là 120 tỷ đồng, Hải Phát Invest đã vượt gần 12% kế hoạch. Dù vậy, nhìn vào bức tranh tài chính của doanh nghiệp, khó khăn về dòng tiền vẫn chưa vơi bớt khi lượng vốn lớn đang bị "ách tắc" tại nhiều dự án dang dở.

Theo Báo cáo Tài chính Hợp nhất Kiểm toán 2023, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang của doanh nghiệp tính đến ngày 31/12/2023 là 2.347 tỷ đồng, chiếm gần 80% giá trị hàng tồn kho (2.980 tỷ đồng).

Trong đó, chi phí dở dang tại dự án Tuy Hoà (Phú Yên) là 200 tỷ đồng, dự án Khu đô thị mới Đề Thám (Cao Bằng) là 345 tỷ đồng, dự án Khu đô thị phía Nam (TP. Bắc Giang) là 558 tỷ đồng, dự án Phú Hải (Bình Thuận) là 365 tỷ đồng, dự án Nhà ở thương mại (TP. Lào Cai) là 732 tỷ đồng…

Bên cạnh ghi nhận lượng vốn lớn đang nằm tại các dự án xây dựng dở, nguồn tiền của Hải Phát Invest hiện còn bị "mắc cạn" tại các khoản đầu tư vào các công ty liên doanh, liên kết và đầu tư góp vốn vào đơn vị khác. Nổi bật là hai khoản đầu tư có tỷ lệ vốn lớn tại Công ty TNHH BT Hà Đông và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5).

Cụ thể, với Công ty TNHH BT Hà Đông, Hải Phát Invest đã đầu tư 56 tỷ đồng, nắm giữ 50% tỷ lệ vốn, song 2023 là một năm không mấy thuận lợi với công ty này khi dự án BT Hà Đông bị ách tắc vì phải rà soát lại hợp đồng theo yêu cầu của Bộ Tài chính và UBND TP. Hà Nội. Do đó, khoản đầu tư vào Công ty TNHH BT Hà Đông được xem là không thành công đối với Hải Phát.

Với Công ty Cienco 5, Hải Phát Invest đã đầu tư 113,5 tỷ đồng, nắm giữ 15,5% tỷ lệ vốn nhưng năm qua công ty này vướng tranh chấp liên quan đến Tập đoàn Mường Thanh tại dự án Thanh Hà B - Cienco 5, hiện vẫn chưa có hướng giải quyết nên doanh thu đem lại cho Hải Phát gần như không có.

Khi các khoản đầu tư không đem lại kết quả, doanh nghiệp không những không ghi nhận được lợi nhuận mà còn khiến dòng tiền bị dàn trải. Điều này sẽ tạo ra bất lợi rất lớn cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động, việc huy động vốn không dễ dàng và nợ phải trả trong ngắn lại quá lớn.

Chật vật với các khoản nợ đến hạn

Theo báo cáo tài chính của doanh nghiệp, tính tới cuối năm 2023, tổng nợ phải trả của Hải Phát Invest là hơn 4.709 tỷ đồng, giảm gần 1.300 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Tuy nhiên, chỉ có 820 tỷ đồng là nợ dài hạn, còn lại là nợ phải trả ngắn hạn với 3.889 tỷ đồng. Trong đó, khoản vay và nợ tài chính ngắn hạn chiếm 47%, đạt 1.828 tỷ đồng.

Đối với nợ trái phiếu, mặc dù Hải Phát Invest đã tất toán trước hạn 2 lô trái phiếu trị giá hơn 650 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2023, nhưng vẫn còn hơn 1.640 tỷ đồng nợ trái phiếu sẽ đáo hạn trong năm 2024.

Như vậy, áp lực nợ phải trả trong ngắn hạn, bao gồm cả nợ trái phiếu của Hải Phát Invest là hơn 5.529 tỷ đồng, chiếm 67% tổng nguồn vốn doanh nghiệp hiện có (8.297 tỷ đồng).

Với áp lực nợ quá lớn, trong khi dòng tiền chưa hết "tắc", 2024 dự sẽ là một năm chật vật với Hải Phát Invest. Muốn thoát khỏi vòng xoáy khó khăn, "nút thắt" quan trọng nhất mà Hải Phát Invest cần tháo gỡ có lẽ là dòng tiền.

Việc đầu tư dàn trải để rồi sa chân vào "sình lầy" chính là bài học lớn đối với doanh nghiệp này. Vì vậy, nhiệm vụ chính trong năm 2024 của Hải Phát Invest là nên tập trung cân đối dòng tiền, tái cấu trúc các dự án để thu xếp vốn để trả nợ tín dụng, trái phiếu và các khoản vay đến hạn.

Theo Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES), trong bối cảnh còn nhiều bất định như hiện nay, quản trị dòng tiền bài bản, có tính dự báo thì mới chủ động được mọi tình huống. Nếu cùng lúc triển khai nhiều dự án, trong khi tài chính lại phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, trái phiếu và người mua trả trước thì khi gặp ách tắc, khó có thể cùng lúc gỡ vướng cho tất cả các dự án để khơi thông dòng tiền kinh doanh.

"Tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, thủ tục đầu tư cho các dự án là nhiệm vụ đang được Chính phủ, các bộ ngành quan tâm hàng đầu, tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng phải lựa chọn phân khúc kinh doanh phù hợp, hướng tới sự bền vững để có thanh khoản thực, nếu không dù pháp lý có thông, thì dòng tiền vẫn sẽ tắc khi sản phẩm làm ra nhưng không bán được", VIRES nhấn mạnh./.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top