Aa

Doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu thị trường mua lại trái phiếu trước hạn

Hà Thương
Hà Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Hai, 11/03/2024 - 06:00

Trong bối cảnh áp lực trái phiếu đến hạn vẫn rất lớn, cộng đồng doanh nghiệp bất động sản đã tích cực mua lại trái phiếu đến hạn. Theo VBMA, bất động sản là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm 55,7% tổng giá trị mua lại trước hạn.

Hơn 4.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản đã được mua lại trước hạn

Theo dữ liệu Hiệp hội Thị trường trái phiếu (VBMA) tổng hợp từ HNX và SSC, trong tháng 2/2024, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã ghi nhận 3 đợt phát hành với tổng giá trị là 1.165 tỷ đồng.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 5.965 tỷ đồng, với hai đợt phát hành ra công chúng trị giá 2.650 tỷ đồng (chiếm 44,4% tổng giá trị phát hành) và 6 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 3.315 tỷ đồng (chiếm 55,6% tổng số).

Trong khi phát hành trái phiếu đang khá trầm lắng thì doanh nghiệp vẫn tích cực mua lại trước hạn. Trong tháng 2/2024, các doanh nghiệp đã mua lại 2.338 tỷ đồng trái phiếu trước hạn.

Tính từ đầu năm đến nay, tổng giá trị trái phiếu đã được mua lại trước hạn đạt 9.882 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, bất động sản là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm 55,7% tổng giá trị mua lại trước hạn, tương ứng khoảng 4.516 tỷ đồng.

Doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu thị trường mua lại trái phiếu trước hạn- Ảnh 1.

Nguồn: VBMA

Theo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam, riêng trong tháng 1/2023, có 34 doanh nghiệp thực hiện mua lại trái phiếu trước hạn, với giá trị 7.394 tỷ đồng. Mặt bằng lãi suất thấp là động lực chính để các doanh nghiệp mua lại các trái phiếu phát hành có lãi suất cao trong giai đoạn trước.

Đơn vị này dự báo, hoạt động mua lại trái phiếu sẽ gia tăng trong các tháng tới, khi tình hình kinh doanh cải thiện hơn.

Lượng trái phiếu bất động sản cần mua lại vẫn rất lớn

Dù các doanh nghiệp đang tích cực mua lại trái phiếu trước hạn, Hiệp hội Thị trường trái phiếu vẫn cho rằng, lượng trái phiếu cần mua lại trong năm 2024 còn rất lớn, nhất là với nhóm ngành bất động sản.

Theo VBMA, trong phần còn lại của năm 2024, tổng giá trị trái phiếu đến hạn là 257.449 tỷ đồng. Trong đó, 38% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với khoảng 98.933 tỷ đồng, theo sau là nhóm ngân hàng với gần 54.496 tỷ đồng (chiếm 21%).

Tuy nhiên, nhìn ở góc độ tích cực, nhiều đơn vị nghiên cứu cho biết, tình trạng trái phiếu có nguy cơ chậm trả gốc/lãi trong năm 2024 sẽ giảm hơn so với năm 2023.

Cụ thể, theo tính toán của Công ty CP Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating), giá trị trái phiếu có nguy cơ chậm trả gốc/lãi trong năm 2024 là 40.000 tỷ đồng, chiếm 19% lượng trái phiếu đáo hạn trong năm nay, thấp hơn đáng kể so với mức 147.000 tỷ đồng trái phiếu chậm trả gốc/lãi phát sinh trong năm 2023.

VIS Rating cho biết, xu hướng giảm này là do dòng tiền từ hoạt động kinh doanh cải thiện và khả năng tiếp cận các nguồn tài chính mới tăng lên, đặc biệt là đối với nhóm ngành có tỷ lệ chậm trả cao như bất động sản, xây dựng, năng lượng, nhờ vào các chính sách hỗ trợ và môi trường lãi suất thấp.

Cũng theo VIS Rating, giá trị phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản dự kiến sẽ phục hồi trong thời gian tới.

"Chúng tôi kỳ vọng, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp bất động sản sẽ cao hơn trong năm 2024, khi các rào cản pháp lý được giảm bớt và cấp phép dự án được khôi phục trở lại, với các bộ luật bất động sản có hiệu lực kể từ năm 2024. Điều này có thể thấy được qua mức hồi phục của giá trị phát hành trái phiếu bất động sản trong nửa cuối năm 2023", VIS Rating cho biết.

Ngoài ra, thanh khoản thị trường được cải thiện sẽ hỗ trợ khôi phục niềm tin nhà đầu tư và thúc đẩy nhu cầu đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2024. Sau khi hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đi vào vận hành trong tháng 7/2023, giá trị giao dịch loại trái phiếu này tăng dần, đạt 98.000 tỷ đồng vào tháng 12/2023 (tương đương 8% giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành).

Ở thời điểm tháng 1/2024, có gần 40% của 2.700 trái phiếu đang lưu hành đã đăng ký tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD) và có thể giao dịch trên hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Theo đó, kỳ vọng thanh khoản thị trường tiếp tục được cải thiện khi 60% trái phiếu đang lưu hành còn lại thực hiện đăng ký trên VSD trong năm 2024./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top