Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu nhận định, thị trường bất động sản trong năm 2025 được dự báo sẽ vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn. Năm 2025 được coi là năm bản lề để chuyển tiếp sang giai đoạn mới với sự phát triển lành mạnh và bền vững hơn.
Theo nhận định của Chủ tịch HoREA, thị trường BĐS trong năm 2024 đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất và sẽ chuyển đến giai đoạn phục hồi, tăng trưởng trở lại theo xu thế "tháng sau tốt hơn tháng trước", "quý sau tốt hơn quý trước" và "năm sau tốt hơn năm trước".
![Mảng tối trong bức tranh BĐS tại đô thị đặc biệt của Việt Nam năm 2025- Ảnh 1. Mảng tối trong bức tranh BĐS tại đô thị đặc biệt của Việt Nam năm 2025- Ảnh 1.](https://cdn1z.reatimes.vn/652356615132086272/2025/2/11/mang-toi-trong-buc-tranh-bat-dong-san-tai-tphcm-1739245547107399212659.jpg)
Thị trường BĐS tại TP. HCM được cho đang bước vào giai đoạn bản lề cho sự đột phá. Ảnh: Internet
Nhìn lại năm 2023, thị trường BĐS tại TP. HCM đã tăng trưởng âm cho đến hết quý I/2024 và vẫn còn âm 0,5%.
Kể từ quý II/2024, thị trường đã chuyển sang tăng trưởng dương 2,94%, đến quý III/2024 tiếp tục tăng trưởng dương 6,7% và cả năm 2024 ước tăng trưởng dương 9%.
Mặc dù vậy, doanh thu kinh doanh BĐS trong tháng 1/2025 ước chỉ đạt 22.932 tỷ đồng, giảm khoảng 3% so với tháng 12/2024.
Theo ông Lê Hoàng Châu, năm 2025 được xem là năm có nhiều ngày lễ lớn, là năm tiến hành đại hội Đảng các cấp, cũng là năm mở đầu thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức, bộ máy nhằm nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp, đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, trở thành quốc gia cường thịnh, hiện đại, văn minh và hạnh phúc, với mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2025 đạt từ 8% trở lên và trong ít nhất 10 năm tiếp theo, GDP hàng năm phải đạt 2 con số giữa bối cảnh tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp, đầy thách thức, khó lường.
![Mảng tối trong bức tranh BĐS tại đô thị đặc biệt của Việt Nam năm 2025- Ảnh 2. Mảng tối trong bức tranh BĐS tại đô thị đặc biệt của Việt Nam năm 2025- Ảnh 2.](https://cdn1z.reatimes.vn/thumb_w/864/652356615132086272/2025/2/11/mang-toi-trong-buc-tranh-bat-dong-san-tai-tphcm2-173924554714597907487.jpg)
Thị trường BĐS tại TP. HCM vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn và thách thức. Ảnh minh họa
Dẫu vậy, nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn chưa có sự phục hồi như kỳ vọng.
Theo như số liệu từ Tổng cục Thống kê năm 2024, có đến 197.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 14,6% so với năm 2023, trong lúc số doanh nghiệp thành lập mới là 233.400, chỉ tăng 7,2% so với năm 2023 và trong tháng 1/2025 số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên đến 52.807, tăng 20,2% so với tháng 1/2024.
Dự báo về thị trường BĐS tại TP. HCM trong năm 2025, HoREA cho rằng hiện cả nước vẫn gặp khá nhiều khó khăn do thị trường nhà ở tại TP. HCM trong năm 2024 hiện vẫn trong tình trạng khan hiếm nguồn cung dự án, kéo theo thiếu nguồn cung sản phẩm nhà ở.
Theo HoREA, từ năm 2021 đến nay, trong các dự án nhà ở mới hiện không còn loại nhà ở thương mại vừa túi tiền, có giá bán dưới 30 triệu đồng/m2 và nhà ở xã hội vẫn khan hiếm.
Trong khi đó, phân khúc nhà ở cao cấp trong giai đoạn từ năm 2020-2023 liên tục chiếm lĩnh thị trường với hơn 70% số lượng nhà ở thuộc phân khúc cao cấp được tung ra thị trường.
Trong năm 2024, lần đầu tiên các dự án nhà ở đưa ra huy động vốn trên thị trường chỉ còn nhà ở cao cấp, loại nhà ở trung cấp hoàn toàn "bốc hơi".
Giá nhà tăng liên tục trong các năm vừa qua và hiện vẫn "neo" khá cao, đơn cử như giá căn hộ cao cấp trong năm 2024 hiện chạm ngưỡng 90 triệu đồng/m2.
Kết quả phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn TP. HCM trong giai đoạn 2021-2024 hiện khá khiêm tốn, chưa đạt được chỉ tiêu đã đề ra.
![Mảng tối trong bức tranh BĐS tại đô thị đặc biệt của Việt Nam năm 2025- Ảnh 3. Mảng tối trong bức tranh BĐS tại đô thị đặc biệt của Việt Nam năm 2025- Ảnh 3.](https://cdn1z.reatimes.vn/thumb_w/864/652356615132086272/2025/2/11/mang-toi-trong-buc-tranh-bat-dong-san-tai-tphcm3-1739245547149144193267.jpg)
Nguồn cung khan hiếm là một trong những vấn đề mà thị trường BĐS tại TP. HCM đang phải đối diện. Ảnh minh họa
TP. HCM hiện chỉ có 10 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 6 dự án đã hoàn thành và 4 dự án đang triển khai thi công với tổng số căn nhà gần 6.000 căn, chỉ đạt mức 8,6% chỉ tiêu phát triển 69.700 - 73.000 căn hộ nhà ở xã hội được Chính phủ giao, đặt ra nhiều thách thức để thành phố thực hiện đạt chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030.
Giai đoạn 2015-2023, theo thống kê của Sở Xây dựng TP. HCM, có 86 dự án BĐS, nhà ở thương mại bị ngừng triển khai hoặc chưa triển khai thực hiện, chiếm 62,3% trong tổng số 138 dự án nhà ở với quy mô sử dụng đất lên đến 964ha và 54.051 căn hộ nên tổng số dự án bị vướng mắc pháp lý lên đến 220 dự án. Trong đó, gồm 72 dự án do Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chuyển đến và 148 dự án do HoREA tổng hợp, 77 dự án đã được xử lý, đạt 35% và 143 dự án đang tiếp tục được xử lý.
Ngoài ra, do độ trễ của cơ chế, chính sách cũng như pháp luật và quy trình triển khai thực hiện dự án BĐS, đều cần có thời gian để đi vào cuộc sống nên theo dự báo của các chuyên gia, năm 2026 được xem là thời điểm mà thị trường BĐS tại TP. HCM mới có sự trỗi dậy mạnh mẽ.
Theo Nghị quyết số 1210/2016, đô thị đặc biệt được xác định có vị trí, chức năng và vai trò quan trọng, bao gồm Thủ đô hoặc trung tâm tổng hợp cấp quốc gia, quốc tế về các lĩnh vực như kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ. Ngoài ra, đô thị đặc biệt còn là đầu mối giao thông và giao lưu quốc tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Theo quy định, một đô thị đặc biệt phải có quy mô dân số từ 5 triệu người trở lên, trong đó khu vực nội thành phải đạt từ 3 triệu người trở lên. Hiện tại, Hà Nội và TP. HCM là hai thành phố được xếp loại đô thị đặc biệt. Thủ đô Hà Nội có diện tích hơn 3.358km2 với dân số hơn 8,2 triệu người, trong khi TP. HCM rộng 2.095km2 với dân số gần 10 triệu người.