Aa

Mặt bằng lãi suất cho vay có tiếp tục hạ dưới 4%/năm?

Thứ Năm, 26/08/2021 - 06:00

Sau nhiều lần hạ lãi suất, nhóm Big 4 ngân hàng cổ phần có vốn Nhà nước tiếp tục điều chỉnh lãi suất cho vay về từ 4%. Vậy mặt bằng lãi suất cho vay trong 4 tháng cuối năm có tiếp tục hạ?

Mặt bằng lãi suất cho vay về 4%

Sau đợt giảm lãi suất vào giữa tháng 7/2021, mới đây, các ngân hàng thuộc nhóm Big 4 (nhóm ngân hàng cổ phần Nhà nước) tiếp tục giảm lãi suất và bổ sung gói tín dụng lãi suất ưu đãi hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Có thể nói, đợt hỗ trợ lần này của nhóm tập trung ưu tiên các khách hàng tại các tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, BIDV vừa công bố dành 1.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho vay các doanh nghiệp tại 19 tỉnh, thành phía Nam. Theo đó, từ nay đến hết 31/12/2021, BIDV giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu đồng thời triển khai các gói vay mới với lãi suất thấp dành cho khách hàng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 tại 19 tỉnh/thành đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.

Theo đó, BIDV thực hiện giảm 0,5 - 1,5%/năm lãi suất cho vay VND đối với dư nợ hiện hữu phát sinh đến ngày 15/7/2021 đối với các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Mức giảm tối đa dành cho các khoản vay chịu ảnh hưởng nặng trong các lĩnh vực như giao thông, vận tải, y tế, giáo dục, dịch vụ lưu trú, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, resort…..

Đặc biệt, các khách hàng đã từng được áp dụng các chính sách lãi suất cho vay ưu đãi khác vẫn tiếp tục được BIDV hỗ trợ trong chương trình này.  Ngoài ra, BIDV triển khai gói tín dụng mới với quy mô 30.000 tỷ đồng, áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn có thời gian vay tối đa 12 tháng, với mức giảm lãi suất lên đến 1,5%/năm so với lãi suất thông thường.

Tiếp đó là ông lớn trong ngành, VietinBank cho biết, đã triển khai giảm lãi suất cho vay và phí dịch vụ đang thực hiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ngân hàng tiếp tục triển khai bổ sung gói tín dụng ưu đãi lãi suất từ 4,0%/năm với quy mô 20.000 tỷ đồng đối với các khách hàng hoạt động trong ngành nghề, địa bàn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, nâng tổng quy mô của tất cả các gói hỗ trợ lãi suất lên tới 150 nghìn tỷ đồng. Các ngành nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch được ưu tiên là: Dệt may, da giày, dược, vật tư y tế, thương mại phân phối, bán lẻ; lúa gạo, thủy sản, vật tư nông nghiệp…

Hiện nay ngân hàng đã có nhiều gói tín dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận vay vốn với lãi suất chỉ từ 4,0%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và 7,0%/năm đối với khoản vay trung dài hạn.

BIDV là ngân hàng đầu tiên trong nhóm Big 4 đưa mặt bằng lãi suất cho vay về 4%

Trước đó, từ tháng 7/2021, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, VietinBank đã thực hiện hỗ trợ giảm lãi suất cho vay lên tối đa 1,0%/năm đồng loạt đối với tất cả các khoản dư nợ hiện hữu của khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. 

Vietcombank cũng đã thông báo ngân hàng tiếp tục quyết định giảm lãi suất tiền vay trong thời gian từ 18/8/2021 đến hết 31/12/2021 đối với tất cả doanh nghiệp và cá nhân ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam.

Theo đó, giảm lãi suất tới 0,5%/năm cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng tại TP.HCM và tỉnh Bình Dương. Giảm lãi suất tới 0,3%/năm cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng tại các địa bàn tỉnh, thành phố phía Nam khác áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 bao gồm Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang…

Như vậy, theo tính toán của các chuyên gia,việc giảm lãi suất lần này các ngân hàng lớn đã đưa mặt bằng lãi suất về 4%/năm; đây là mức thấp nhất trong gần 02 năm qua kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát…

Mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục giảm?

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), hiện lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm. Lãi suất cho vay bình quân đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ của các NHTM phổ biến từ 8 - 10%/năm.

Tuy nhiên, diễn biến đáng chú ý với lãi suất huy động đầu vào, số liệu cập nhật cho thấy, tính đến tháng 5/2021, mức tăng trưởng tiền gửi của cư dân chỉ là 2,6%, là mức thấp kỷ lục so với cùng kỳ giai đoạn từ 2015 đến nay. Điều này cho thấy, lãi suất huy động thấp cũng đã ảnh hưởng nhất định đến sức hút tiền gửi dân cư vào ngân hàng. Ngược lại, dòng tiền trong dân cư có xu hướng chuyển sang các kênh đầu tư (trong đó có chứng khoán)…

Dự báo của các chuyên gia cho thấy xu hướng thời gian tới, lãi suất huy động có thể đi ngang hoặc tăng nhẹ 0,1 - 0,2%/năm trong nửa cuối năm nay.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu phân tích, khi mặt bằng lãi suất huy động tăng sẽ gây áp lực lãi suất cho vay tăng theo. Đối mặt với làn sóng COVID-19 lần thứ tư này, hoạt động kinh doanh ngày càng khó khăn hơn trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành hiện vẫn phải đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Do vậy, với diễn biến tình hình phức tạp như hiện nay thì NHNN và các ngân hàng thương mại  vẫn phải theo sát và điều chỉnh chính sách lãi suất theo thị trường liên tục. Đồng thời, các ngân hàng ngoài việc giảm lãi suất cho vay, cũng xem xét cẩn trọng hơn với các khoản giải ngân mới do lo ngại khả năng nợ xấu có thể tăng trở lại.

Theo Tổng cục Thống kê, tín dụng vẫn đang tăng nhanh hơn so với cùng kỳ khi đạt 5,47% tính tới ngày 21/6/2021, so với mức 3,65% tính tới cuối tháng 6/2020 và nhanh hơn tăng trưởng huy động vốn (3,13%). Theo ước tính, trong 6 tháng đầu năm, hơn 500 nghìn tỷ đã được vay từ hệ thống ngân hàng, trong khi nguồn vốn huy động đạt khoảng 310 nghìn tỷ. Thanh khoản hệ thống ngân hàng do đó đã bị thu hẹp khoảng 190 nghìn tỷ đồng. Vì vậy, khả năng để từ nay đến cuối năm 2021, mặt bằng lãi suất cho vay khó có thể hạ sâu hơn nữa, ông Hiếu nhấn mạnh…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top