Aa

Màu áo sắc dân và sức mạnh "di phong hoán tục"

Thứ Bảy, 09/03/2019 - 06:00

Bạn có niềm tự hào về nơi bạn sinh ra chứ? Nếu bạn lớn lên trong niềm tin yêu và tự hào với văn hóa yên lành vùng quê mình, bạn có một quê hương để luôn muốn trở về.

Vào dịp tiết Thanh Minh toàn thể dân làng Thi Ông đến Chùa cổ của Làng tổ chức đàn chay tri ân tổ tiên từ ngài Khai khẩn ra làng hơn 500 năm trước đến nay.

Thật đẹp và hiếm hoi khi toàn thể dân làng nghĩ đến Tổ tiên mà vận dụng đến đàn chay dùng kinh pháp tạo ra năng lượng lành gởi đến tiền nhân siêu độ.

Đạo Bụt hơn 2000 năm có mặt với dân tộc chính là những lúc này khi người dân nghĩ tưởng đến nếp sống lành nương nhờ chốn từ bi. Hình ảnh quý vị nhìn thấy ở đây không dễ gì tìm thấy ở nhiều vùng đất khác trên đất nước chúng ta. Các cụ áo dài khăn đống nghiêm trang thành kính nghe kinh giải nạn.

Họ chân lấm, tay sạn chai với bùn đất quanh năm nơi miền quê thấp trũng lũ lụt của Quảng Trị với đói nghèo, nhưng bàn tay ấy khi chắp lại trước Phật đài mới cảm kích chân thành mộc mạc làm sao. Đây là một hình ảnh đẹp và lành của làng Thi Ông hôm nay nói riêng và cũng là nét văn hóa quý giá vô cùng của cha ông được kế thừa, tiếp nối.

Đạo pháp với dân tộc là ở đây, ở tận miền quê xa này nhưng gắn bó keo sơn đạo đời nếp ăn ở. Đạo Bụt cho số đông và gìn giữ cái gốc ăn ở văn hóa làng xã của con người là chính hình ảnh sáng nay dân làng tôi đang thể hiện.

Đạo Bụt có cái sức mạnh "di phong hoán tục". Để thay đổi những tục lệ thiếu đạo đức, thiếu khoa học tồn tại theo lòng tham con người tranh dành mà hình thành tập quán là điều vô cùng khó bỏ. Rời được miếng ăn theo thói quen đã là khó, huống hồ chịu chung tay góp của đoàn kết trong một hình thức chay tịnh thuần thành. Thật đáng mừng!

Tôi đã lớn lên nơi miền quê yêu dấu này để hấp thụ vào mình nét đẹp uống nước nhớ nguồn của dân làng. Ông tôi theo Bụt, đã từng làm Khuôn trưởng Niệm Phật đường Thi Ông. Ông là người lập ra ngôi Niệm Phật đường này cùng bà con dân làng những năm tháng sống duới chế độ Ngô Đình Diệm. Đến thời ba tôi, ba tôi cũng nối tiếp cha mình chỉ một lòng theo Bụt ăn chay làm lành. Đến thời ba tôi, ông tạo ra ngôi Già làm am Thụy Ứng.

Chính sự kiên trì phục thiện và luôn gương mẫu của những người có niềm tin vào đạo Bụt, luôn biết sửa mình, theo thời gian như thuốc ngấm vào cộng đồng làm cho cộng đồng đó chấp nhận mình và thay đổi theo. Đàn chay lần này ở làng Thi Ông là một minh chứng cho sức tu tập có khả năng chuyển hóa lòng người.

Không tranh đua, luôn hết mình tận tụy, dù có vị thế nhưng ba tôi không ỷ lại. Sống chuẩn mực và đạo đức, sẵn sàng hy sinh, tôi nghe ba tôi hay kể về ông nội tôi như vậy. Ông nội nhiều phen cứu dân làng khỏi nạn hà hiếp của giặc Pháp. Ông luôn đứng về phía lợi ích chung của dân làng dù phải hy sinh thân mạng. Một đời ông được dân làng nhớ ơn và kính trọng. Trong những lúc hiểm nguy trước họng súng của Pháp, dân làng yên lòng vì có ông đứng về phía họ. Nhờ sự chính trực đó, ông như được ơn cao che chở, ông sống lành lặn qua bao binh biến giữa chiến địa xứ Quảng Trị tang thương cho đến ngày hòa bình. Sống thanh thản an vui bên con cháu đến năm 82 tuổi ông mới qua đời. Khí tiết đó, đến thời tôi lớn lên, tôi thấy thể hiện rất rõ ở ba tôi khi hành xử với làng nước.

Bạn có niềm tự hào về nơi bạn sinh ra chứ? Nếu bạn lớn lên trong niềm tin yêu và tự hào với văn hóa yên lành vùng quê mình, bạn có một quê hương để luôn muốn trở về.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top