Aa

Mẹ tôi và cánh đồng làng

Thứ Bảy, 06/03/2021 - 07:00

Ôi, cái dáng mẹ tôi với áo tơi, nón lá. Sự sống từ mẹ, hồi sinh từ mẹ, mà mẹ thì mảnh mai.

Trong ký ức của tôi, hình ảnh mẹ với cánh đồng làng luôn có mối liên hệ bí ẩn nào đó, da diết nào đó và cội nguồn nào đó, khi nói đến cánh đồng lại hiện lên hình bóng mẹ và khi nhắc đến mẹ thì hiện lên khung cảnh cánh đồng mà ở đó điểm nhấn là mẹ. 

Cánh đồng thì mênh mông, dáng mẹ thì bé nhỏ. Nhưng nếu cánh đồng vắng mẹ thì buồn biết bao, rất bơ vơ và trống trải. Và nếu mẹ xa cánh đồng thì mẹ biết tựa vào đâu, một đời rơm rạ, một đời xay giã, một đời bước lùi cấy mạ. Mẹ gieo sương, gieo gió, gieo thóc giống bời bời. Hạt thóc nảy mầm bắt đầu từ xanh lá mạ. Rồi mạ lớn lên thành cây lúa, bông lúa làm đòng làm sữa, lại có thì con gái. Lạ thế, khi bông lúa uốn câu là lúc hạt thóc căng dần, nặng dần, nhưng dáng mẹ lại lưng còng dần về phía đất. 

Ôi, cái dáng mẹ tôi với áo tơi, nón lá. Sự sống từ mẹ, hồi sinh từ mẹ, mà mẹ thì mảnh mai. Cha vạm vỡ vỡ vạc những luống cày băng băng nhưng thắt lưng đon mạ, giần sàng thóc lép lại là từ bàn tay  mẹ. Trong hình hài cánh đồng có sự chăm bẵm yêu thương chắt lọc của mẹ. Cánh đồng làng với người nhà nông, với mẹ, con trâu luôn là người bạn thân thiết. Con trâu lực lưỡng đen tuyền màu bùn đất. “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, rồi “Trâu ơi ta bảo trâu này/Trâu ra bờ ruộng trâu cày với ta”. Mà sao mẹ tôi lại thương con trâu đến thế, mẹ bó từng bó rơm che cho trâu khỏi gió lùa, mang cỏ non cỏ ngọt dỗ dành trâu ăn. Đêm, người còn quạt trấu xua muỗi cho trâu. Trâu cứ thế mà đủng  đỉnh cả một đời khoan thai xốc vác.

Trên mái tóc mẹ tôi còn giữ nguyên chiếc trâm cài đầu và chiếc lược chải đầu cũng được làm bằng vỏ sừng của trâu đẹp đẽ, tinh tế lằn vân hình dáng vô cùng tự nhiên. Khuôn mặt trâu khá dài, trên đó một đôi mắt to đen láy, ánh lên những hiền lành thân thiện. Và vắt vẻo lưng trâu là những chú mục đồng hồn nhiên thổi sáo, tiếng sáo trầm bổng luyến láy véo von, nhẹ tênh bay lên. Mà đời mẹ thì quá nhọc nhằn, đời trâu thì nhiều lao lực. Hồn quê, hồn đồng đất đã nâng bổng dìu dặt, tiếng sáo cũng chính là hồn làng từ ca dao, từ lời ru của mẹ. 

Mẹ thường đi qua cánh đồng để đến chợ với dáng đi tất bật, tảo tần. Mẹ bảo: "Hạt gạo vo bằng rá tre ăn thơm hơn, bùi hơn vì có cả vị tre, vị quê thấm vào". Rồi mẹ lại bảo: "Đồ nhựa là đồ tái sinh, nhuộm phẩm hóa học đó con ạ" . Tái sinh thì làm gì mà sạch được. Gần đây, quê tôi cái chữ sạch” được trân trọng nâng niu. Rau sạch cho bữa cơm sau ngày gặt khi những giọt mồ hôi giọt xuống dòng sông, bến quê gội đi những lấm lem ngày thường. Rồi giếng làng sạch trong veo nhìn thấy đá không mòn rêu, thứ rêu hút ẩm, hút cặn gạn đục hơn trong trả lại nguồn mạch ngọt lịm. 

Hoa quả vườn mẹ bồi đắp bằng đất đồng quê sau bao trận lụt cũng chín nứt vườn, vỏ xù xù thô nhám nhưng lại là chín ủ, rấm trong tình người, chín bởi mạch sống của đất đai. Chầm chậm chín để thoảng hương và đầm đậm ngọt. Ngọt đầu lưỡi và ngọt thấm cả tấm lòng thơm thảo thuận với lẽ tự nhiên chứ không phải kiểu chín tức thời, tức tưởi, bắt mắt của hóa chất, là chín ép thực dụng. 

 

Chợ quê bán một, chào mười. Ăn một miếng trầu đầm đậm chút vôi xua đi cái lạnh giá để rì rầm bao chuyện làng trên xóm dưới. Âu cũng là nhu cầu giao  tiếp  để được đong đầy chia sẻ hơn là mặc cả bán mua. Muốn biết văn hóa làng, ra chợ sẽ thấy đặc sản ẩm thực của vùng quê cũng bắt đầu từ cánh đồng quê, không cầu kì, chứa bao nỗi phập phồng. Chiếc bánh đa kê nhân vừng được nướng trên than củi gộc tre, lách tách nổ. Cũng gạo thôi mà làm ra bao thứ quà thứ bánh. Nhưng tất cả rồi cũng quay về hơi ấm của rơm của rạ. Có lửa mới chín, có lửa mới nồng nàn lan tỏa... 

Mẹ tôi đi qua cánh đồng để lên chùa với dáng đi thong thả, áo nâu sồng, tay lần tràng hạt. Mẹ thả hồn phiêu diêu với tiếng mõ, tiếng kinh kệ, với khói hương trầm thoang thoảng, với hoa huệ trắng thơm lặng. Chùa làng là nơi cất giữ phần hồn siêu thoát cõi tâm linh. Cõi người như thể cân bằng lại những ồn ào, vội vã thường nhật ngoài kia. Nhưng lạ thay, lại có một ngoài kia nữa mở ra cánh đồng, con sông, bến nước. 

Chúng tôi từ mẹ lớn lên, từ cánh đồng làng lớn lên. Trong ngôn ngữ Việt không hiểu sao ở các vùng quê khác nhau dù giọng nói khác nhau khi gọi tiếng mẹ cũng bắt đầu từ nguyên âm “M” như: Mế (Việt Bắc), Mạ (Quảng Bình), Mệ (Huế), Má (Nam Bộ). Có gì đó thiết tha trìu mến, nâng niu, trân trọng và hàm ơn mở ra khẩu độ để cất lời. Và cánh đồng quê cũng thật thân thương biết bao khi được gọi là bờ xôi, ruộng mật, là cái tép, cái tôm, là con cua, con cáy, nhỏ mà sinh sôi làm ao đầm thấp thỏm.Và cỏ may bờ đê vòng ôm cánh đồng làng cũng giăng mắc níu giữ.   

Ôi dáng mẹ tôi khi đi cấy, cấy sa rồi cấy dặm, cấy mướn. Cấy dặm là cấy thêm cái những cây mạ non cho kín ruộng, liền đồng, khi tóc mẹ lại bời bời rụng đến thót lòng. Cả một đời mẹ chỉ chăm chút cho bắt đầu những hồi sinh, sinh sôi, sinh nở.

Những gốc rạ như mắt lưới trải phơi. Và mẹ thật thanh thản, khi thấy bầy chìm sẻ ở đâu bay về nhặt nhạnh hạt thóc rơi, thóc lép. Mẹ không nỡ đuổi chúng đi và chúng cũng xúm xít sum vầy quanh mẹ bởi có lúc tay mẹ vung  ra, tỏa ra những hạt thóc cho những cánh chim trời. Những con cò áo trắng, một đời áo trắng không lấm láp bùn đen vươn cái cổ dài thập thững theo dấu chân mẹ trên ruộng lúa đồng nước để nhặt nhạnh mồi ăn.

“Mẹ gặt hái cánh đồng hay cánh đồng sàng sảy mẹ” để mang lại bao đủ đầy, tròn trặn cho các nong nia giần sàng hạt gạo, cho cối xay tưng bừng. Và mùi cơm gạo mới thơm theo ngọn gió lan man bò trên mái rạ. Cái vị thơm bùi bắt cơm bưng được chắt ra từ mưa nắng, đắng cay, chua xót, nhọc nhằn. 

Mẹ xới cơm hay xới cả mùa màng... 

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top