Aa

Miền đất hoa vàng

Nhà thơ Lữ Mai
Nhà thơ Lữ Mai luthimai@gmail.com
Thứ Năm, 25/05/2023 - 06:00

Ở miền đất đầy nắng gió này, những sắc hoa vàng như càng thêm vàng, lá xanh thêm xanh, dù dưới chân muôn trùng cát trắng. Nắng nóng như rang mà hoa lá cứ xanh tươi, vàng rực như sự thăng hoa, khao khát...

Chim chóc chuyền cành ríu rít, hương hoa roi dìu dịu thanh thanh, cảm giác mọi giác quan chạm được cả vào mùi non nớt trên những phiến lá còn nguyên sắc tia tía mướt mát. Chậm bước ra ban công, thư thái ngắm chiếc tổ mà gia đình chim đã rời đi còn lại dấu ấn bình yên, nhẹ nhõm. Đó luôn là cảm giác mỗi sáng tôi thức giấc ở Đồi Thơm, một địa danh thuộc Tuy Hòa, Phú Yên.

Ở miền đất đầy nắng gió này, những sắc hoa vàng như càng thêm vàng, lá xanh thêm xanh, dù dưới chân muôn trùng cát trắng. Nắng nóng như rang mà hoa lá cứ xanh tươi, vàng rực như sự thăng hoa, khao khát đến kiệt cùng. Ví Đồi Thơm như miền cổ tích cũng chẳng sai. Ngoài hoa lá bốn mùa ngút ngát, phía Bắc ngọn đồi này muông thú còn quần tụ, nào đà điểu, hươu sao, heo rừng, cừu, thỏ, chim trĩ, gà lôi... Người kiến tạo khu này đã khoanh vùng đất lành để muông thú cùng hội ngộ. Vào những buổi chiều nắng còn rơi rớt, vầng trăng non khuyết bóng cuối trời, bên những bóng đèn đường được thắp sớm, lại nghe xôn xao từ những lối đi, bụi cây, bãi cỏ. Bỗng đâu chú thỏ nhảy ra tinh nghịch đón chào. Mấy ai ngờ được, vùng núi đồi toàn cát khô, sỏi đá, vốn chỉ có bạch đàn, dứa dại, cây gai bụi… bám trụ trước đây giờ trở thành khu rừng cổ tích. Những loài hoa đẹp nhất, cây trái ngon nhất từ mọi vùng miền của đất nước và cả từ nước bạn được chuyển về, chăm sóc một cách công phu và nhẫn nại. Thoảng hương núi đồi còn chạm được vào cả mùi gỗ hương, dầu gió, sao đen… Điều kỳ diệu là, đã có biệt thự, dịch vụ đầy đủ, nhưng vẫn nguyên vẹn đó hồn vía của Đồi Thơm hoang sơ, lành hiền, phóng khoáng.

Ví Đồi Thơm như miền cổ tích cũng chẳng sai.
Ví Đồi Thơm như miền cổ tích cũng chẳng sai. (Ảnh: Nhân Dân)

Chồng tôi kể lại, thời đổi mới, cả gia đình đã chuẩn bị vào Tuy Hòa định cư. Cuộc sống nhiều biến động, sau này chỉ gia đình bác và cậu ruột chồng tôi ở đó, bây giờ thì mộ ông ngoại cũng nằm lại đó. Những ngày thơ nhỏ, chồng tôi từng được đôi bận theo mẹ vào Tuy Hòa để thăm ngoại. Ngoại ở với gia đình bác cả trong một ngôi nhà tập thể nhỏ nằm cách đường tàu chừng trăm mét. Cả khu tập thể có vài chục ngôi nhà, được dựng lên bằng tường tre đan, phên cót ép và mái tôn.

Ngày ấy cả xóm phố nơi ngoại và gia đình bác tôi ở chỉ có hai nhà được xây bằng gạch, đó là nhà bác Điều là giám đốc nhà máy bông sợi Tuy Hòa và nhà cô Chung làm nhân viên trông nom barie đường tàu. Chồng tôi luôn nhớ đến hai ngôi nhà này, bởi thường xuyên được bác chở xe đạp hoặc dắt bộ đến đó. Duy nhất cả khu phố chỉ nhà bác Điều có ti vi nên bác thường lui tới để xem và cho cháu bám càng đi cùng. Nhà cô Chung ở gần nhà bác hơn, mỗi lần ngoại cõng cháu đi mua quà sáng đều qua nhà cô nên cô hay mời trẻ con vào chơi và cho bánh, kẹo. Gần nhà ngoại còn có nhà ông cụt. Nghe kể, ông cụt từng là lính chế độ cũ, sau giải phóng, ông đi cải tạo rồi cùng gia đình về sống cạnh đường tàu. Cả khu phố hiền lành chỉ có ông là băm trợn, “xưng bá xưng hồ” thường xuyên với vợ con, xóm phố. Ngày nào không thấy ông xầm xầm xồ xồ là y rằng hôm đó ông bị ốm, đám trẻ con ông lại tìm sang nhà khác rủ nhau đi bắt dế về chọi. Tuy Hòa ngày đó còn là một thị xã nghèo mà trầm ấm, dư hậu.

Lưu trú, ghé thăm vùng đất nào, người ta cũng thường khôn nguôi nghĩ về những con người gắn với vùng đất đó. Chắc chắn phải là những con người đôn hậu, tài trí, nhạy cảm mới có thể biến một miền đất cỗi cằn, hoang vu trở nên đầy sức sống. Dấu ấn của Đồi Thơm gắn liền với tên tuổi cặp vợ chồng: Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Trình Quang Phú và Thạc sĩ Huỳnh Thị Kim Hương. Họ đã cùng nhau trải qua bao chặng đường gian lao, bền bỉ để cùng nhau cống hiến, sáng tạo, làm giàu có, thơ mộng thêm cho mảnh đất Tuy Hòa mà có lẽ rằng, chỉ những trái tim, tâm hồn đủ lớn mới dung chứa nổi một tình yêu sâu nặng cho đất và người xứ hoa vàng đất cỗi này.

Giáo sư Trình Quang Phú sinh năm 1940 ở xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Khi mới 12 tuổi, ông đã làm liên lạc cho xã đội mà cha mình là chính trị viên. 15 tuổi, ông xa quê nhà, tập kết ra Bắc trong vai trò là chàng thiếu sinh quân. Ở miền Bắc, ông học tập tu dưỡng, trở thành một nhà báo, một nghệ sĩ nhiếp ảnh tên tuổi và từng là phóng viên chiến trường ở các vùng đất lửa Khu 4, Trị Thiên. Năm 1968, từ chiến trường Khe Sanh trở về, ông được cử đi dự Đại hội Thanh niên Sinh viên Thế giới trong Đoàn đại biểu Thanh niên Giải phóng… Trải qua nhiều vai trò, vị trí công việc quan trọng, ông vẫn kiên trì theo học ở nước ngoài lấy học vị Tiến sĩ và học hàm Giáo sư.

Vẻ đẹp thơ mộng của vùng đất Phú Yên. (Ảnh: Lê Minh)
Vẻ đẹp thơ mộng của vùng đất Phú Yên. (Ảnh: Lê Minh) 

Có cơ hội đặt chân tới nhiều vùng miền tươi đẹp của đất nước và thế giới, niềm trăn trở lớn nhất của ông Trình Quang Phú là làm sao để miền đất hoa vàng với những: Bãi Xép, Gành Ông, Gành Đá Đĩa, Đầm Ô Loan, Đá Bia, Nhạn Tháp, Chóp Chài… thoát khỏi cảnh nghèo khó, xứng danh với những ưu ái tạo hóa đã ban tặng. Vợ ông, một người phụ nữ rất đẹp và giàu tư chất, quê ở Bà Rịa - Vũng Tàu, kể rằng ông từng thuyết phục bà bằng câu nói: “Cả cuộc đời anh đi làm cách mạng, anh chưa làm được gì nhiều cho quê hương. Thôi thì em về quê anh đầu tư làm một cái gì đó. Anh rất biết ơn em”. Thế nhưng, cả bà và mọi người đều không ngờ ông sẽ chọn Đồi Thơm thay vì những mảnh đất vàng ven biển ở TP. Tuy Hòa, nơi gắn bó với tuổi thơ ông, nơi hoang dại chưa ai từng để mắt. Bao nhiêu năm vợ chồng ông cùng các cộng sự không ngừng cải tạo, nâng cấp, làm cho Đồi Thơm trở nên hấp dẫn hơn là từng ấy tháng ngày du khách trong nước và quốc tế được thưởng thức trải nghiệm quý giá “Sáng tắm biển, tối ngủ dưới tán rừng”…

Phải rất lâu rồi, mới được ngửi mùi hoa roi nở trong đêm, mùi lá khô đang đơm vào gió biển. Hương vị ấy trong lành, tinh khôi như nơi chốn chôn rau cắt rốn của ta. Trong chuyến đi đầu tiên của tôi đến xứ hoa vàng, tôi từng đối diện với một trận ốm lay lắt và bao nỗi âu lo đè nặng. Không bách bộ, không tắm biển, không vui chơi, không ăn uống liên hoan… tôi thường nằm nhìn ra ô cửa hoặc cùng lắm ra tới ban công, đứng cạnh chiếc tổ chim trống rỗng. Rồi cảm xúc bình yên, vỗ về nhẹ nhàng xâm lấn, ve vuốt, làm dịu dần sự mỏi mệt, ủ ê tưởng như chỉ chờ con người buông xuôi thì sẽ ngập đầy dần. Thiên nhiên rộng mở bàn tay với ta, ngay cả khi ta hờ hững quay gót. Cố nhấc người dậy, men theo con đường dốc, nghe được tiếng chim, tiếng lá cành chạm vào nhau khe khẽ. Thỉnh thoảng một chú chim từ lùm cây bụi đập cánh chập chờn. Rồi kia nữa, cứ đi tới một khúc quanh lại gặp lũ gà rừng dạn dĩ kiếm ăn, dáng vẻ thật ung dung, thong thả.

Đứng trên Đồi Thơm sẽ nhìn thấy núi Chóp Chài, ngọn núi mà người xứ Nẫu ví như chú rùa mẹ đang bò ra biển, còn rùa con là núi Nhạn. Xa xa là biển thẳm muôn trùng, ngay dưới thung lũng thấp thoáng từng mái nhà lúp xúp lô nhô. Vừa gặp hoang vu, vừa nghe ấm áp. Thiên nhiên rộng mở và quê hương cũng gần kề. Trong phút chốc, Đồi Thơm hòa vào ký ức tôi, khỏa lấp trong tôi cái ranh giới giữa quê mình và quê hương ai đó. Bỗng nhớ, trên ngọn đồi mà quê tôi gọi là núi Cha cũng giăng giăng đầy cây dứa dại, rất nhiều ngôi mộ chưa biết tên từ thời chiến tranh còn ở lại, dân làng quy tập thành hàng thành lối, cũng tìm cách đưa nước lên đồi, trồng hoa sim tím, mẫu đơn…

“Gặp mắt thuyền treo trên Tháp Nhạn/ Bóng phượng hoàng giáng xuống Ô Loan/ Cơn dâu bể bàng hoàng nên Đá Đĩa/ Sông Đà Rằng thấm thía niềm riêng/ Từ chân trời sóng trắng đã cất lên/ Giấc mộng cũ suốt đời còn run rẩy/ Lời hẹn ước Đồi Thơm năm ấy/ Mang dạt dào kết tổ giữa ngàn mây”. Tôi đã viết những vần thơ ấy, khi được thiên nhiên xoa dịu vỗ về. Khi nhớ đến những con người như vợ chồng Giáo sư Trình Quang Phú đã không quản khó khăn, thách thức làm cho cát nở hoa. Để người đến xứ hoa vàng có những buổi sáng thức giấc, dù đau ốm hay khỏe mạnh, vẫn cảm tưởng bình minh đã choàng mật ngọt đầy cây. Để những bước chân xa xôi dù mỏi mệt, đớn đau vẫn cảm giác thảm hoa vàng nâng những giấc hiền hòa trỗi dậy. Và mỗi nhịp sóng trùng trùng tay vẫy trong nhịp nhớ thương, thổn thức với Tuy Hòa./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top