Aa

Để mỗi ngày đều nở một nhành hoa…

Nhà thơ Trang Thanh
Nhà thơ Trang Thanh trangthanh196@gmail.com
Thứ Hai, 20/03/2023 - 06:15

Tháng ba dẫu có là tháng của phụ nữ hay tháng của hạnh phúc đi nữa, thì cũng vẫn chỉ có 30 ngày, sẽ trôi qua nhanh chóng như thể tàn một bình hoa. Nhưng tàn bình này, chúng ta có hân hoan mang về một bình hoa mới?

Bây giờ đã cuối tháng ba, cái tháng thật thú vị. Đầu tháng, người ta phấp phỏng xôn xao chờ đón Ngày Quốc tế Phụ nữ, lo tặng quà, tặng hoa cho nhau để thể hiện sự tôn vinh phái đẹp. Gần cuối tháng thì đến Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, người ta lại lo đem đến cho nhau niềm vui, hạnh phúc.

Đành rằng, cho dù là 8/3 hay 20/3 thì cũng chỉ nên coi đó là ngày của biểu tượng. Mọi hành động dẫu thật đẹp, thật ý nghĩa dành cho nhau trong ngày đó cũng chỉ mang ý nghĩa nhắc nhớ cùng nhau hướng đến bình đẳng, bình quyền và hạnh phúc cho mọi ngày. 

Thế mà trong suốt tháng ba, qua ngày mùng 8 rồi, đâu đó tôi vẫn nghe được cánh đàn ông nói với phụ nữ rằng tháng ba là tháng của phụ nữ. Thật lòng nghe cũng vui vui, nhưng trộm nghĩ, vậy các tháng còn lại là của ai? Nếu không phải đặt vấn đề tháng ba là tháng của phụ nữ, ngày 8/3 hay 20/10 là ngày của phụ nữ, thì có phải cuộc sống đã trở nên bình thường, bình đẳng, đẹp đẽ biết bao nhiêu. 

Đẹp hơn bởi khi đó, vấn đề bình đẳng bình quyền nam nữ không còn phải đặt ra nữa, mà chúng ta, nam - nữ đương nhiên là bình đẳng. 365 ngày trong năm phải đương nhiên là ngày mà chúng ta cùng nhau làm lụng, lo toan, vun đắp, cùng nhau vui sống, bình đẳng và hạnh phúc. Có chăng, đến ngày 8/3, chúng ta có những hoạt động nhẹ nhàng để kỷ niệm, nhắc nhớ về ý nghĩa đích thực của ngày 8/3 trên thế giới, là ngày biểu dương ý chí đấu tranh của phụ nữ với các khẩu hiệu: “Ngày làm việc 8 giờ”, “Việc làm ngang nhau”, “Bảo vệ bà mẹ và trẻ em”. Để ai cũng nhớ rằng, từ một ngày có nguồn gốc là phong trào của nữ công nhân ngành dệt nước Mỹ khởi từ 8/3/1857, đứng lên chống lại những điều kiện làm việc khó khăn và tồi tàn của họ tại TP. New York, từ đó, lan ra thành phong trào tranh đấu, vận động thành lập công đoàn đầu tiên để bảo vệ quyền của người lao động nữ.  

Ngày Hạnh phúc mang ý nghĩa truyền tải thông điệp: Cân bằng, hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc. (Ảnh: Gallery)

Từ một ngày bảo vệ quyền lợi lao động, bảo vệ bà mẹ và trẻ em, trở thành ngày tôn vinh phụ nữ. Nếu quyền lợi lao động, các quyền và lợi ích chính đáng khác của phụ nữ đã được bảo vệ, giờ chỉ có tôn vinh và tặng quà, thì thật là vinh hạnh cho phụ nữ. Song thực tế không hẳn đã như vậy. Điều ấy phải chăng vẫn đang nói lên rằng, chúng ta vẫn đang kêu gọi mọi người thay đổi nhận thức và hành vi, hướng tới bình đẳng giới thực sự?

Tương tự, 20/3 là ngày mà Liên hợp quốc chọn là Ngày Quốc tế Hạnh phúc. Lựa chọn này xuất phát từ ý nghĩa, đây là ngày xuân phân, mặt trời nằm ngang đường xích đạo, độ dài ngày và đêm bằng nhau, biểu tượng cho sự cân bằng, hài hòa của vũ trụ, cũng là biểu tượng của sự cân bằng giữa âm và dương, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa ước mơ và hiện thực. Ngày Hạnh phúc mang ý nghĩa truyền tải thông điệp: Cân bằng, hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc.

Ngày Hạnh phúc mới chỉ bắt đầu từ năm 2013 trên thế giới và cả ở Việt Nam, nên nó dường như vẫn đang trên hành trình truyền thông. Hy vọng rằng khi thông điệp về Ngày Hạnh phúc đã lan tỏa đến mọi người, mọi nhà, chúng ta sẽ có những hành động phù hợp để hưởng ứng tinh thần của ngày này.

Tôi để ý dịp 8/3 năm nay, việc khoe quà trên mạng xã hội dường như “giảm nhiệt”, phần nhiều hơn là những cuộc liên hoan tôn vinh phụ nữ. Lại nhớ nhà văn Y Ban có tác phẩm “Đàn bà xấu thì không có quà”, nghe có vẻ chua chát nhưng quả thật trong cuộc sống, đây là một phần của sự thật. Song tôi bận tâm đến một sự thật lớn hơn, là khi đàn ông vô tâm, vụng về thì đàn bà thiếu quà; khi phụ nữ nghĩ rằng chỉ đàn ông có nghĩa vụ tặng quà còn đàn bà chỉ nhận quà, thì đàn ông không có quà. Cả hai điều này đều không ổn, bởi nó không hài hòa, cân bằng. 

Khi một người phụ nữ quan niệm chỉ đàn ông phải tặng quà, phụ nữ chỉ nhận là chính mà rất ít khi cho đi, tặng lại, thì phải chăng chúng ta đang nhầm lẫn về vai trò, vị trí của cả hai giới. Nếu coi tặng quà là một hành động đẹp, thể hiện thái độ, tình cảm, sự quan tâm của người này với người khác, và việc tặng quà đúng lúc, đúng cách còn nói lên văn hóa của người tặng, thì giữa đàn ông và phụ nữ, cần phải có sự cho/tặng qua lại. Đàn ông có thể tặng nhiều hơn vì vốn bản năng đàn ông là chinh phục, nhưng điều đó không có nghĩa là đàn ông chỉ cho đi mà không được nhận lại.

Xã hội ta vốn đã nghìn năm là xã hội nam quyền/ phụ quyền. Đàn ông được xã hội coi trọng với vai trò “trị quốc, bình thiên hạ”. Đàn ông ra ngoài xã hội là lập thân, lập nghiệp, ở trong gia đình là “tề gia”, là “trụ cột”. Nhưng nghĩ kỹ mà xem, thực tế “quyền hành” của đàn ông có thật, nhưng họ cũng đã phải mang bấy nhiêu gánh nặng và cả những “quyền hành” đặt lên vai mình. 

Điều quan trọng là trong lòng chúng ta, mỗi ngày đều nở một nhành hoa. (Ảnh: Bùi Văn Doanh)

Thật may xã hội cũng đã có nhiều thay đổi. Vai trò của người phụ nữ trong xã hội được nâng lên từ điểm nhìn đến các chính sách, chương trình hành động cụ thể, để tiến tới bình đẳng, bình quyền, vì sự phát triển và tiến bộ của phụ nữ. Các bé gái được đi học như bé trai. Phụ nữ trưởng thành được tham gia các hoạt động xã hội, được bình đẳng về cơ hội phát triển bản thân như đàn ông. Phụ nữ tham chính, phụ nữ làm lãnh đạo. Phụ nữ cũng làm phi công, làm đặc vụ, làm cảnh sát... Phụ nữ bị bạo hành có quyền tố cáo kẻ bạo hành và được cộng đồng, pháp luật bảo vệ. Có điều, ở đâu đó trong xã hội, định kiến giới và bất bình đẳng đối với phụ nữ vẫn còn. 

Trong một năm có 365 ngày, nếu chỉ vài ba ngày long trọng, văn minh, còn lại là bình thường, thậm chí dưới mức bình thường, thì sự long trọng, văn minh kia, phải chăng cũng chỉ là “đùa cợt trên số phận”. Bình đẳng thực sự là khi mỗi ngày như mọi ngày, chúng ta không ai còn cảm thấy mình phải nhắc nhở nhau về bình đẳng. Ngoài xã hội, mọi cơ hội phát triển đều chung cho mọi người. Trong gia đình là chung tay gánh vác, cùng nhau gây dựng, sẻ chia. Vợ chồng cùng nhau đi kiếm tiền, cùng nhau chăm lo con cái. Ai giỏi hơn ở lĩnh vực nào thì thỏa thuận ưu tiên cơ hội phát triển lĩnh vực đó, và vợ chồng cùng bù đắp lẫn nhau trong gia đình, cùng nhau thỏa thuận phân công trách nhiệm.

Bởi bình đẳng hoàn toàn không có nghĩa là lương anh lương chị phải bằng nhau, anh uống rượu chị cũng có quyền nâng chén. Bình đẳng giới “là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó” (Trích Luật Bình đẳng giới của Quốc hội khóa XI, Kỳ họp thứ 10, số 73/2006/QH11 ngày 29/11/2006).

Nếu chúng ta được vui sống cùng nhau trong không khí bình thường của một cuộc sống bình dị, bình đẳng, thì đó là hạnh phúc. (Ảnh: Gallery) 

Khi nào chúng ta được sống bình thường một ngày như mọi ngày, không phụ nữ nào còn cảm thấy bị thua thiệt, không đàn ông nào còn cảm thấy áp lực bởi quá nhiều trách nhiệm, khi ấy chúng ta mới có được bầu không khí bình đẳng. Ở đời có câu đùa rất hay: “Cứ bình thường như cân đường hộp sữa”, “bình thường thôi, đời sẽ vui”. Điều đó cũng tựa như sự hài hòa, cân bằng giữa đêm và ngày, giữa ánh sáng và bóng tối, được lấy làm thông điệp nền tảng của Ngày Hạnh phúc 20/3. Nếu chúng ta được vui sống cùng nhau trong không khí bình thường của một cuộc sống bình dị, bình đẳng, thì đó là hạnh phúc. 

Phụ nữ hay đàn ông thời nay đều biết tự tôn giá trị của mình và hiểu hạnh phúc đích thực là gì. Mọi biểu tượng cũng chỉ như cái gương để soi vào một nửa còn lại. Tháng ba dẫu có là tháng của phụ nữ hay tháng của hạnh phúc đi nữa, thì cũng vẫn chỉ có 30 ngày, sẽ trôi qua nhanh chóng như thể tàn một bình hoa. Nhưng, tàn bình hoa này, chúng ta có hân hoan mang về cho nhau một bình hoa mới? Điều đó dẫu có cũng không quan trọng bằng trong lòng chúng ta, mỗi ngày đều nở một nhành hoa…/.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top