Aa

Miền Trung: Lợi dụng dịch Covid-19 “lâm tặc” lộng hành khắp nơi

Thứ Bảy, 18/09/2021 - 10:00

Thời gian qua, các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung bộ như: Đắc Lắk, Gia Lai, Phú Yên, Bình Định… trở thành “điểm nóng” phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật.

Điển hình như tỉnh Đắc Lắk, công tác bảo vệ rừng tại đây luôn đối mặt với nhiều thách thức, khi rừng vùng ranh giới khó kiểm soát, các đối tượng lâm tặc rất manh động chống trả lực lượng quản lý, bảo vệ rừng khi bị phát hiện.

Rừng bị phá tại Đắk Lắk
Rừng bị phá tại Đắk Lắk

Rừng giáp ranh bị “xẻ thịt”

Một trong số những khu vực phá rừng nghiêm trọng gần đây chính là vùng giáp ranh giữa xã Cư Bông (huyện Ea Kar) và xã Cư Pui (huyện Krông Bông). Theo thống kê, từ năm 2018 đến tháng 8/2021, tại khu vực giáp ranh giữa 2 huyện này đã xảy ra hơn 80 vụ phá rừng, với tổng diện tích hơn 207ha. Trong đó, nhiều diện tích rừng bị đốt phá, lấn chiếm vẫn chưa xác định được đối tượng. Rừng bị phá chủ yếu một phần do việc dân di cư tự do ở thôn Ea Rớt (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) để lấy gỗ làm nhà, lấy đất để sản xuất.

Gần đây nhất, tại tiểu khu 704 (thuộc địa phận xã Cư Bông, huyện Ea Kar) lực lượng quản lý, bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar trong quá trình tuần tra đã phát hiện tại đây có 16 cây gỗ thuộc nhóm V và VI bị đốn hạ, nhiều thân cây đã bị lấy đi, số gỗ còn sót lại tại hiện trường khoảng 9,3m3. Tại hiện trường có nhiều dấu vết xe độ chế để lại. Lúc này, Ban quản lý rừng lần theo dấu vết để lại đến địa phận thôn Ea Rớt (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) phát hiện một xe độ chế chở 3 lóng gỗ nên yêu cầu dừng xe xử lý. Ít phút sau, có hơn 40 đối tượng kéo đến mang theo hung khí, đe dọa lực lượng chức năng, sau đó tẩu tán phương tiện và gỗ tang vật đi nơi khác.

Một cây lớn trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô bị đốn hạ
Một cây lớn trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô bị đốn hạ

Trao đổi với PV Reatimes, ông Lê Văn Trọng, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Ea Kar, cho biết: “Vùng rừng giáp ranh giữa 2 huyện Krông Bông và Ea Kar có diễn biến rất phức tạp, nên rất khó quản lý, hơn hết vùng này có nhiều người là đồng bào dân tộc cũng khó khăn trong việc tuyên truyền. Đặc biệt, nhiều đối tượng sử dụng phương thức tinh vi như: Phá rừng ban đêm rồi thả trôi gỗ theo dòng nước về phía tỉnh Phú Yên, đe dọa lực lượng bảo vệ rừng trong đêm tối… tình trạng này lâu nay vẫn cứ diễn ra âm ỉ. Mặc dù cũng đã có cơ chế phối hợp, có văn bản chỉ đạo và đôn đốc giữa 2 bên nhưng việc quản lý cũng gặp nhiều khó khăn, lực lượng bảo vệ rừng hiện nay vẫn còn mỏng, nhưng khó cũng phải làm và lực lượng thì vẫn phải bám trụ”.

Nạn phá rừng không chỉ diễn ra “nóng” tại các vùng giáp ranh huyện, mà các vùng ven tỉnh vẫn đang nhức nhối diễn ra với tính chất phức tạp đầy tinh vi qua mặt cơ chức năng. Tại khu vực giáp ranh của Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Ea Sô, huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk) với huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai), hoạt động phá rừng tại khu vực giáp ranh này do người dân ở một số xã trên địa bàn huyện Krông Pa lén lút xâm nhập vào khu bảo tồn để khai thác lâm sản trái phép dưới hình thức dùng cưa máy đốn hạ cây để thu về các loại gỗ thuộc chủng loại gỗ giáng hương nhóm IIA (thuộc loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm). Ngoài ra, các đối tượng còn xâm phạm, khai thác, săn bắt các loài động vật, thực vật quý hiếm, đặc hữu đang được bảo tồn.

Mới đây, ngày 23/8, lực lượng kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô phối hợp lực lượng tại Chốt quản lý, bảo vệ rừng 616 phát hiện 6 xe máy độ chế đang vận chuyển gỗ từ trong lâm phần Khu BTTN Ea Sô, trên tuyến đường rừng trồng của Công ty MDF Vinafor Gia Lai. Khi Tổ công tác đã yêu cầu các đối tượng dừng xe để kiểm tra thì các đối tượng đã vứt xe và tang vật bỏ chạy, lực lượng kiểm lâm chỉ bắt giữ được một đối tượng ở xã Ia Dreh, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Tiến hành kiểm tra trên 6 xe bỏ lại hiện trường thì có 4 xe chở các lóng gỗ có đường kính từ 10 – 20cm, chủng loại là gỗ trắc, giáng hương, cẩm lai; 2 xe còn lại chở 2 máy cưa và 1 súng kíp độ chế, 1 súng klíp. Ngay ngày hôm sau, gần khu vực xảy ra vụ việc nói trên lực lượng kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô tiếp tục phát hiện 7 xe máy chở các lóng gỗ như: Giáng hương, cẩm lai… Lực lượng kiểm lâm đã vây bắt được 1 đối tượng trên xe máy chở 2 lóng gỗ Cẩm lai dài khoảng 1m, đường kính khoảng 15cm.

Sự manh động của các lâm tặc nằm ở chỗ, trong khi chờ lực lượng tiếp ứng và lực lượng Hạt kiểm lâm huyện Krông Pa đến tiếp nhận bàn giao tang vật thì đối tượng lâm tặc bị bắt giữ đã xả gỗ xuống và gọi người đến giải cứu. Ngay tức khắc, có hàng chục đối tượng làm rẫy gần đó chạy lên tụ tập để gây áp lực. Lực lượng Kiểm lâm có mặt tại hiện trường đã tuyên truyền, vận động nhưng các đối tượng vi phạm nhất quyết không đồng ý cho đưa xe, gỗ và người vi phạm về xử lý…

Gian nan bảo vệ rừng vùng giáp ranh

Được biết, khu vực giáp ranh giữa Khu BTTN Ea Sô với huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) có chiều dài ranh giới tiếp giáp gần 24km. Tổng diện tích rừng hơn 4.371,18ha, không chỉ có trữ lượng và chủng loại gỗ đa dạng, phong phú, đặc biệt nhiều loài gỗ nguy cấp, quý hiếm như: Trắc, cẩm lai, giáng hương, cà te, căm xe… mà còn cả các loại cây rừng thông thường như bằng lăng, gáo vàng, ké, sao... Việc bảo vệ rừng của đơn vị gặp nhiều khó khăn do lâm tặc thường đi theo nhóm từ 10 - 30 người một đợt, địa hình đi lại để lực lượng kiểm lâm tuần tra lại trắc trở, khi phải đi bộ vượt sông, suối, đồi cao mất 5 - 7 giờ. Lúc đến nơi, các đối tượng vi phạm đã rút về bên kia ranh giới tỉnh Gia Lai nên khó truy vết được.

Cây rừng tự nhiên ở rừng Suối Quanh
Cây rừng tự nhiên ở rừng Suối Quanh (thôn Tân Hội, xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) bị tàn phá để trồng keo

Trao đổi với PV Reatimes, ông Lê Minh Tiến, Giám đốc Ban quản lý Khu BTTN Ea Sô, cho hay: Hiện nay đời sống người dân gặp khó khăn hơn khi dịch bệnh bùng phát, nên tình trạng người dân vào lâm phần Khu BTTN Ea Sô quản lý tại khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk để khai thác gỗ, lâm sản phụ ngày càng diễn biến phức tạp. Trong khi đó, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng tại chốt này rất mỏng, mỗi ca trực tại chốt chỉ có 3 người. Các năm trước, tại chốt này còn tăng cường thêm người dân nhận khoán bảo vệ rừng, nhưng năm nay tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên Khu BTTN Ea Sô không thể bố trí người dân đi cùng.

Mặc dù, Ban quản lý Khu BTTN Ea Sô đã phối hợp Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa truy quét ngăn chặn và bắt giữ nhiều đối tượng; lực lượng bảo vệ rừng của Khu BTTN Ea Sô và lực lượng tại Chốt quản lý, bảo vệ rừng 616 cũng đã liên tục tuần tra truy quét, tuyên truyền, vận động người dân không xâm hại đến rừng, nhưng tình hình vẫn ngày càng phức tạp, các đối tượng ngày càng manh động, liều lĩnh hơn…

Hiện nay, Khu BTTN Ea Sô đã mượn đất của tỉnh Gia Lai để dựng tạm Chốt quản lý bảo vệ rừng 616, nhằm chủ động trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tại khu vực giáp ranh này. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, để đến được Chốt quản lý bảo vệ rừng, từ trụ sở Ban quản lý Khu BTTN Ea Sô phải đi đường vòng qua đất tỉnh Phú Yên và Gia Lai, về mùa khô thì không có nước sinh hoạt…

Từ thực tế đó, lãnh đạo Ban quản lý Khu BTTN Ea Sô đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, Chi cục Kiểm lâm tỉnh có văn bản đề nghị các ngành chức năng của tỉnh Gia Lai tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân ở khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh thực hiện tốt các quy định về pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Qua trao đổi với PV Reatimes, ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết: Tại những vùng rừng giáp ranh ở các huyện, lực lượng Ban quản lý bảo vệ rừng thường xuyên tuần tra ngăn chặn. Tuy nhiên, dù đã có cơ chế phối hợp, nhưng sự phối hợp giữa các địa phương vùng giáp ranh vẫn chưa tốt. Đòi hỏi công tác vận động của chính quyền địa phương vùng giáp ranh trong việc tuyên truyền, bởi họ là người gần dân nhất, nếu chính quyền địa phương làm tốt thì việc quản lý rừng sẽ hiệu quả hơn còn nếu không là khó khăn rất lớn.

Một diện tích rừng bị phá ở khu vực giáp ranh ở xã Cư Bông
Một diện tích rừng bị phá ở khu vực giáp ranh ở xã Cư Bông (huyện Ea Kar) và xã Cư Pui (huyện Krông Bông)

“Với vùng rừng giáp ranh tỉnh, hiện nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắc Lắk đã chỉ đạo Hạt kiểm lâm huyện Ea Kar tăng cường phối hợp với Ban quản lý Khu BTTN Ea Sô để bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, đã có văn bản trình UBND tỉnh Đắc Lắk đề nghị tỉnh Gia Lai chỉ đạo huyện Krông Pa cùng phối hợp cùng với địa phương ngăn chặn tình trạng nóng này. Đồng thời, UBND tỉnh Đắk Lắk đang xem xét sớm bố trí kinh phí để sửa chữa, cải tạo lại tuyến đường mòn khoảng 17km, để đường tuần tra đi dễ dàng hơn, bởi hiện nay việc đi rất khó, đặc biệt vào mùa mưa muốn đi qua điểm nóng phải vòng qua bên Gia Lai rồi mới đi ngược vào nên rất xa, đường này chỉ là đường mòn không đi được bằng xe máy nên phải đi bộ. Vì vậy, khi đường được cải tạo việc quản lý và tuần tra truy quét sẽ được thuận tiện hơn”, ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết thêm.

Những sự việc trên diễn ra ngay trong mùa dịch gây áp lực không nhỏ đến công tác quản lý rừng, bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu BTTN Ea Sô, cũng như bảo vệ rừng vùng giáp ranh các huyện. Dù đã có cơ chế phối hợp, song việc tàn phá, xâm hại rừng, chống người thi hành công vụ vẫn xảy ra thường trực. Đây là báo động “đỏ” để lực lượng quản lý hai tỉnh Đắc Lắk và Gia Lai cùng “bắt tay” phối hợp chặt chẽ nhằm bảo vệ các giá trị tài nguyên và môi trường./.

Gia Lai: Phá rừng “quy mô lớn và đặc biệt nghiêm trọng” với hơn 34ha

Chiều 14/9, UBND huyện Chư Sê (Gia Lai) cho hay đã báo lên tỉnh vụ phá rừng phòng hộ để trồng cây bạch đàn “quy mô lớn và đặc biệt nghiêm trọng” với hơn 34ha. Trong đó, 23ha rừng bị phá khoảng 6 tháng trước, đến nay các cơ quan chức năng huyện mới phát hiện, nằm tại tiểu khu 1065, thuộc rừng phòng hộ do xã H'Bông quản lý. Theo bà Rmah H’Bé Nét, Chủ tịch UBND huyện Chư Sê, bước đầu UBND huyện Chư Sê đã giao cho Hạt kiểm lâm phối hợp Công an và Viện Kiểm sát nhân dân huyện tiến hành điều tra, truy tìm đối tượng. Sẽ cho khởi tố vụ án nếu có dấu hiệu của tội phạm, chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện điều tra mở rộng. Ngoài ra, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Chư Sê đã mời các cơ quan liên quan họp bàn, đánh giá hiện trạng, thiệt hại vụ phá rừng để củng cố hồ sơ khởi tố vụ án.

Phú Yên: Rừng tự nhiên liên tục bị tàn phá

Ngày 16/9, ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên xác nhận: Gần đây, nhiều vụ phá rừng tự nhiên xảy ra tại các khu rừng phòng hộ, rừng quy hoạch sản xuất ở xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Trong đó, tại tiểu khu rừng phòng hộ 162 thuộc thôn Tân Thành bị phá hơn 2,7ha rừng tự nhiên (gồm 1,9ha rừng phòng hộ, 0,7ha rừng sản xuất), còn tại rừng Suối Quanh ở thôn Tân Hội bị phá 3,1ha. Cùng chung số phận của những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn đang “chảy máu”, nhiều cánh rừng tự nhiên khác ở nhiều nơi trên địa bàn các xã Sơn Hội, Sơn Định, Phước Tân, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên cũng đã và đang tiếp tục bị tàn phá nghiêm trọng, nâng tổng diện tích rừng bị mất lên đến gần 10ha. Ngoài ra, từ đầu năm đến cuối tháng 8/2021, cơ quan chức năng xác định tại huyện Sơn Hòa xảy ra các vụ phá rừng gây thiệt hại 29ha. Hiện trường cho thấy nhiều diện tích rừng phòng hộ đã bị chặt phá để trồng keo, còn trơ lại những gốc cây, thân gỗ lớn nằm rải rác. Hàng loạt cây rừng như bằng lăng, ké, lim, giẻ… có đường kính 0,5 - 1m đã bị cưa xẻ lấy gỗ, bỏ lại nhiều đống gỗ ván bìa ngổn ngang.

Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh quyết liệt nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng, giao Đảng ủy Công an tỉnh và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy vào cuộc để xử lý nghiêm những người vi phạm.

Bình Định: Rừng phòng hộ, rừng tự nhiên bị xâm hại

Cụ thể, trong số 10ha này, có hơn 5ha rừng tự nhiên ở Bình Định (xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn) giáp ranh với Gia Lai và 5ha là rừng phòng hộ thuộc địa phận xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ. Mới đây, kiểm lâm huyện Tây Sơn (Bình Định) qua một cuộc kiểm tra rừng trên địa bàn đã phát hiện vụ phá rừng tự nhiên trái phép có diện tích khoảng 5,06ha. Theo đó, khu vực rừng bị phá tại Tiểu khu 248, thuộc quản lý của UBND xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn). Theo nhận định ban đầu, thời gian rừng bị phá là vào khoảng cuối tháng 8/2021. Đáng chú ý, diện tích rừng bị phá nằm giáp ranh với địa phận xã Song An (TX. An Khê, tỉnh Gia Lai). Do giao thông, đi lại khó khăn nên có thể các đối tượng phá rừng lợi dụng địa hình phức tạp để vào chặt phá. Hiện tại, Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định đã vào cuộc lập hồ sơ vụ phá và đang phối hợp với cơ quan Công an, Viện kiểm sát để điều tra làm rõ đối tượng phá rừng. Trong khi đó, 5,26ha rừng phòng hộ (xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ) bị “biến mất” là do việc thi công dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời Phù Mỹ. Rừng phòng hộ ven biển các thôn Xuân Bình, Xuân Phương (xã Mỹ An) nằm ngoài khu vực cắm mốc dự án, vượt ra ngoài mốc tọa độ của dự án mà trước đây Nhà nước đã giao, bị chặt hạ. UBND tỉnh Bình Định cho biết, đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND huyện Phù Mỹ và các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, có báo cáo đề xuất xử lý.

Quảng Nam: Hơn 30ha rừng bị chặt phá chỉ để trồng keo

Mới đây, lợi dụng việc chính quyền tập trung triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19, một số cá nhân đã lợi dụng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép ở khu vực Eo Rọ, Dương Bồ, thuộc thôn Cẩm Đông, xã Tiên Cẩm, huyện Tiên Phước. Tình trạng chặt phá rừng ở khu vực Eo Rọ, Dương Bồ đã diễn ra liên tục nhiều năm qua, hết lớp này đến lớp khác. Hiện tại, ước lượng khoảng hơn 30ha rừng đã bị đốn hạ để lấy đất trồng keo, chỉ còn lại khoảng hơn 40ha. Đáng chú ý, khi tuần tra tại điểm chặt phá rừng này, kiểm lâm phát hiện 3 vỏ đạn AK. Chính quyền xã Tiên Cẩm đã báo cáo sự việc này với UBND huyện Tiên Phước, để xử lý triệt để nạn phá rừng. Trao đổi với PV Reatimes, ông Nguyễn Hùng Anh, Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết đã chỉ đạo kiểm tra, rà soát, xác định cụ thể, chính xác diện tích rừng thực tế bị phá trên địa bàn xã Tiên Cẩm để phối hợp với các ngành công an, kiểm lâm xác lập hồ sơ và báo cáo cơ quan có liên quan theo quy định. Bên cạnh đó, lên kế hoạch xử lý dứt điểm tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép trên địa bàn”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top