Aa

Miền Trung - Tây Nguyên “cuốn“ vào cơn sốt đất

Thứ Năm, 20/05/2021 - 09:00

Lợi dụng thông tin về triển khai dự án, quy hoạch hạ tầng... các đối tượng đầu cơ đã thu gom lượng lớn đất rồi “thổi” giá, tạo các cơn sốt ảo ở một số khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Muôn vẻ cách thức “thổi” giá đất

Đơn cử, tại Quảng Bình, sau buổi họp báo hồi giữa tháng 1/2021 của Tập đoàn FLC về việc triển khai đầu tư các dự án tại tỉnh (tổng mức đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng, thuộc khu vực ven biển xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh) trong năm nay, giới đầu tư đất đã sục sạo thu gom đất nền khu vực xung quanh dự án chờ “ăn theo” việc đầu tư cơ sở hạ tầng nơi đây.

Khi thông tin về triển khai tổ hợp dự án FLC Quảng Bình còn chưa kịp nguội, giới đầu tư đất càng thêm chộn rộn khi UBND tỉnh Quảng Bình công bố đầu tư dự án tuyến đường ven biển với tổng mức đầu tư 2.200 tỷ đồng. Theo đó, chỉ trong ít ngày, hàng trăm nhà đầu tư lẫn “cò đất” đã xuất hiện tại các xã Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy thuộc huyện Lệ Thủy - nơi dự án đường ven biển sẽ triển khai, để tìm mua đất từ người dân địa phương.

Do nhu cầu đột ngột tăng cao, những lô đất dọc 2 bên con đường liên xã trước đây vốn chỉ có giá vài chục triệu đến hơn trăm triệu đồng và phần lớn còn bỏ hoang, thì nay được trả giá tiền tỷ, khách muốn mua phải đặt cọc trước. Chỉ trong thời gian ngắn, việc giá đất tăng phi mã cùng sự xuất hiện của hàng trăm người lạ đến mua đất đã khiến cuộc sống người dân địa phương như đảo lộn, buộc UBND huyện Lệ Thủy phải ra công văn yêu cầu các xã tạm dừng cho phép tách thửa dọc tuyến đường liên xã ven biển.

Sốt đất miền Trung - Tây Nguyên

Tương tự, tại Quảng Trị - nơi suốt nhiều năm qua thị trường bất động sản không có biến động lớn, giá đất cũng bắt đầu “sốt nóng” trước thông tin sân bay Quảng Trị sắp được xây dựng và nhiều tập đoàn lớn sẽ đến đây phát triển các dự án bất động sản du lịch - nghĩ dưỡng. Sự xuất hiện của giới đầu tư, đầu cơ ở cả trong và ngoài tỉnh khiến giá đất nhiều nơi ở Quảng Trị tăng gấp đôi, gấp ba lần so với trước kia, đặc biệt là khu vực TP. Đông Hà và xung quanh khu quy hoạch sân bay Quảng Trị (xã Gio Quang, huyện Gio Linh).

Khác với những địa phương ven biển miền Trung khi giá đất tăng do bị thu gom rồi bán lại với giá cao để “ăn chênh”, thì tại khu vực Tây Nguyên, do mặt bằng giá giá đất nơi đây còn thấp, nhiều đối tượng từ các nơi khác đến tìm mua các khu đất có diện tích lớn từ người dân địa phương, sau đó xin tách thửa để phân lô bán nền, hoặc tham gia đấu giá để mua lại số lượng lớn diện tích đất giá rẻ rồi “vẽ” ra dự án để bán đất với giá cao gấp nhiều lần.

Đơn cử, thời gian gần đây, tại khu vực huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, một số sàn môi giới rầm rộ rao bán đất dự án Khu dân cư Nam Pleiku với giá khoảng 500 triệu đồng/lô. Ngay sau đó, UBND huyện Chư Sê đã thông tin cho biết, đây thực chất là 91 lô đất của 2 cá nhân đã trúng đấu giá với giá từ 100 - 175 triệu đồng/lô tại dự án quy hoạch khu dân cư thôn Ia Ring, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê.

Sau khi mua được đất, các cá nhân này liên kết với một số đơn vị môi giới đăng tải thông tin bán đất trên mạng xã hội và các website bất động sản với những thông tin, hình ảnh không đúng với thực tế. Trước hành vi “hô biến” một dự án khu dân cư nông thôn thành một dự án bất động sản hiện đại, Sở Thông tin và Truyền thông Gia Lai đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp, sàn môi giới này đính chính thông tin để tránh gây hiểu lầm.

Trường hợp trên không phải là cá biệt, trước đó, một cá nhân trú tại phường Yên Đỗ, TP. Pleiku sau khi đấu giá trúng 79 lô đất (diện tích từ 260 - 400m2) tại xã Đắk Djrăng, huyện Mang Yang với giá từ 65 - 269 triệu đồng/lô đã tự ý “vẽ” ra dự án bất động sản kết hợp du lịch Golden Light - Mang Yang Town bao gồm 79 sản phẩm là đất nền và đất nền kèm nhà.

Dự án cũng được tổ chức lễ khởi công, được quảng bá rầm rộ thông qua các tờ rơi, pano quảng cáo ở nhiều nơi, với mức giá chào bán lên tới 540 triệu đồng đến 1,4 tỷ đồng mỗi lô. Ngay sau khi phát hiện vụ việc, UBND xã Đắk Djrăng đã xác nhận những lô đất trên là đất đấu giá quyền sử dụng đất theo từng lô để làm nhà ở nông thôn, không quy hoạch khu nghỉ dưỡng hay homestay, đồng thời yêu cầu cá nhân này tháo gỡ thông tin không đúng sự thật và báo cáo UBND huyện xử lý.

Cần mạnh tay xử lý hành vi “làm giá” đất

Theo các chuyên gia, việc giá đất tại một số khu vực miền Trung - Tây Nguyên tăng nóng không chỉ gây khó khăn trong thu hút đầu tư của các địa phương, mà còn ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận đất ở của đại bộ phận người dân khi mặt bằng giá đất tăng quá cao.

Ông Lê Văn Quân, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng QLT đánh giá: “Giá đất tăng phi mã vì sốt đất như thời gian qua không chỉ khiến việc định giá cho thuê đất đối với các dự án đầu tư mới gặp khó, mà chắc chắn, một khi giá đất đã tăng lên rồi thì sẽ rất khó giảm xuống. Điều này dẫn đến việc người dân sẽ phải bỏ ra một khoản tiền lớn hơn để có thể mua đất khi có nhu cầu về đất ở, trong khi điều kiện kinh tế của họ thì không thay đổi so với thời điểm trước khi có sốt đất”.

Theo ông Quân, hiện nay, các bộ, ngành, địa phương đã có văn bản chỉ đạo chính quyền các huyện, xã kiểm soát chặt chẽ tình trạng giá đất tăng cao, nhưng các biện pháp mới chỉ mang tính định hướng, mà thiếu chế tài xử lý.

Ông Quân chỉ rõ, tình trạng sốt đất ở nhiều nơi thuộc miền Trung - Tây Nguyên thời gian qua hầu hết đều bắt nguồn từ các đối tượng đầu cơ thu gom đất trong dân, rồi phối hợp với giới “cò đất” tung tin đồn, tạo sốt “ảo” để bán lại với giá cao gấp nhiều lần. Do vậy, muốn “cắt cơn” sốt đất, trước tiên phải mạnh tay xử lý các đối tượng này.

“Các địa phương cần quản lý chặt chẽ hơn thủ tục tách thửa, chuyển đổi sang đất ở, nhất là với những khu đất có diện tích lớn; xử lý nghiêm các hành vi tách thửa sai quy định, hành vi lừa đảo lướt cọc, rao bán các dự án không đúng quy hoạch, dự án không có thực… Khi chính quyền địa phương và các cơ quan, ban ngành liên quan cùng vào cuộc quyết liệt, tôi tin rằng, tình trạng sốt đất ảo sẽ được xử lý triệt để”, ông Quân nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về giải pháp hạn chế tình trạng đầu cơ, gây sốt ảo, đẩy giá đất lên cao, thạc sĩ Lê Ngọc Đoàn, Văn phòng Luật sư Lê Thị Hồng Thanh (Đà Nẵng) cho rằng, các địa phương cần tăng cường công khai, minh bạch thông tin liên quan đến việc lập, công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định pháp luật. Đặc biệt, cần xử lý nghiêm các hành vi tung tin đồn thất thiệt, hành vi móc ngoặc, cấu kết “thổi” giá đất, gây sốt ảo nhằm thu lợi bất chính của các đối tượng đầu cơ, cò đất./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top