Việc làm này nhằm giám sát chặt chẽ hơn hoạt động phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp bất động sản và tài chính - ngân hàng.
Nhấn mạnh về việc sửa đổi và bổ sung nhiều nội dung quan trọng về phạm vi, điều kiện, lãi suất và phương thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, mục tiêu của việc sửa đổi văn bản pháp luật này không ngoài mục đích thúc đẩy các doanh nghiệp huy động vốn theo phương thức phát hành ra công chúng và niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán, phù hợp với định hướng mở rộng thị trường chính thức, thu hẹp thị trường tự do, đảm bảo sự quản lý, giám sát của Nhà nước.
Nhìn lại 2019, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chứng kiến sự sôi động đặc biệt. Trong đó, ngoài việc hệ số rủi ro cho vay bất động sản được quy định ở mức cao, khiến các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, thì việc ra đời Nghị định 163 với nhiều lối mở đã giúp các doanh nghiệp mạnh dạn hơn trong việc phát hành trái phiếu.
Theo số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu, tổng cộng 905 đợt phát hành trái phiếu của 217 doanh nghiệp được tiến hành, tổng giá trị phát hành gần 296.713 tỷ đồng.
Trong đó, theo Công ty Chứng khoán SSI, các doanh nghiệp bất động sản phát hành 106.531 tỷ đồng trái phiếu, đứng thứ 2 với tỷ trọng 38%. Cũng theo đơn vị này, tháng 1/2020, doanh nghiệp bất động sản phát hành hơn 7.300 tỷ đồng trái phiếu.
Sự sôi động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở khía cạnh tích cực đã giúp nhiều doanh nghiệp giải quyết được bài toán huy động vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh, nhưng ở mặt khác, việc nhiều doanh nghiệp ồ ạt phát hành trái phiếu cũng làm dấy lên lo ngại về rủi ro cho các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân. Và bản thân các cơ quan quản lý (Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước) cũng nhiều lần lên tiếng cảnh báo về điều này.
Nếu như cuối năm 2018, nhà đầu tư cá nhân mua 6,9% khối lượng trái phiếu trên thị trường sơ cấp, thì đến cuối tháng 11/2019, tỷ lệ này là 9,14%. Bộ Tài chính thừa nhận, qua kiểm tra, có hiện tượng doanh nghiệp chia nhỏ thành nhiều đợt phát hành và nhiều mã trái phiếu để đáp ứng số lượng 100 nhà đầu tư.
Sự gia tăng của nhà đầu tư cá nhân, gồm cả nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ trong khi chưa tiếp cận đầy đủ thông tin về mục đích phát hành, tình hình tài chính, khả năng trả nợ, đặc điểm của trái phiếu, đồng thời thiếu khả năng phân tích đánh giá tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư này.
Nhìn nhận ở góc độ thị trường, thị trường chứng khoán nợ là trái phiếu doanh nghiệp cũng hoạt động bình thường bên cạnh thị trường chứng khoán vốn như góp vốn hay bán cổ phần. Đầu tư trái phiếu cũng giống như đầu tư cổ phiếu, "lời ăn lỗ chịu" và quyền quyết định ở phía các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, nếu không có độ minh bạch và có giám sát chặt, trường hợp doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, dẫn đến không thực hiện đầy đủ hoặc không thực hiện được các cam kết với nhà đầu tư (mua lại trước hạn theo thỏa thuận, thanh toán gốc, lãi) thì phạm vi bị ảnh hưởng lớn, gây bất ổn cho thị trường tài chính và xã hội, ảnh hưởng đến lòng tin của nhà đầu tư đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng, thị trường vốn nói chung.
Một quan ngại khác là cuộc đua lãi suất để gọi được vốn qua kênh trái phiếu. Theo đánh giá của Bộ Tài chính và nhiều chuyên gia về tài chính cũng khẳng định, thời gian qua, có doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất cao, tiềm ẩn rủi ro trên thị trường.
Vì vậy, việc tăng cường giám sát và có những hạn chế đối với việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp vào thời điểm này là thực sự cần thiết!
Tất nhiên, cũng phải lưu ý rằng việc gia tăng giám sát kiểm soát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp không đồng nghĩa là "thắt chặt" dòng vốn từ kênh phát hành trái phiếu như cách hiểu đối với việc gia tăng giám sát kiểm soát dòng vốn (hay vẫn gọi là "chặn bầu sữa") tín dụng địa ốc từ phía ngân hàng, bởi gọi vốn từ trái phiếu khác hẳn gọi vốn từ tín dụng ngân hàng.
Ghi nhận ý kiến từ nhiều doanh nghiệp địa ốc đã phát hành trái phiếu thời gian vừa qua, hầu hết các doanh nghiệp đều bày tỏ quan điểm ủng hộ việc sửa Nghị định 163 nhằm đảm bảo thị trường phát hành trái phiếu có tính tổ chức và ổn định hơn.
Với những doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn cùng chiến lược phát triển dự án đúng đắn, việc thị trường càng có mức độ minh bạch cao, càng có trật tự ổn định thì càng dễ để họ trong việc chứng minh năng lực bản thân, thậm chí dễ dàng mời gọi dòng vốn đầu tư hơn từ cả trong và ngoài nước.