Đề xuất này được cho là sẽ khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tuy nhiên việc hỗ trợ lại không dễ dàng.
Dự thảo Nghị định quy định về tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo.
Không dễ… hỗ trợ
Dự thảo Nghị định đưa ra đã có rất nhiều điểm mới như: Hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua mức kinh phí đầu tư, hỗ trợ cho việc tập trung, tích tụ đất nông nghiệp; doanh nghiệp trong nước thực hiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn được tiếp cận, hỗ trợ tín dụng theo quy định của Chính phủ; các công trình xây dựng trên đất, bao gồm cả nhà lưới, nhà kính, nhà màng và công trình thủy lợi của nhà đầu tư được tính là tài sản gắn liền với đất để thế chấp vay vốn tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam…
Rõ ràng cơ chế đã có nhưng việc thực hiện hỗ trợ lại không dễ dàng. Đơn cử, ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Đồng Tháp là tỉnh sớm quan tâm đến vấn đề tích tụ, tập trung ruộng đất nhằm đáp ứng đòi hỏi của tính hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp (SXNN).
Chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai thí điểm áp dụng trong lĩnh vực trồng lúa, cây ăn trái và cơ giới hóa trong SXNN đã được địa phương này ban hành cuối năm 2017. Tính đến cuối 2018 đã có 84 đối tượng đăng ký hỗ trợ (81 cá nhân, 1 trang trại, 1 công ty và 1 tổ hợp tác). Trong số đó, 73 đối tượng đăng ký hỗ trợ thuê 945,2ha đất trồng lúa với kinh phí trên 4,7 tỷ đồng, 11 đối tượng đăng ký hỗ trợ thuê 50,3ha đất trồng cây ăn trái với kinh phí trên 684 triệu đồng...
Về dài hạn Chính phủ cần chủ trì soạn thảo một đạo luật riêng về phát triển nông nghiệp theo hướng gắn bó “bộ ba" nông nghiệp, nông thôn và nông dân ngày một chặt chẽ hơn.
Tuy nhiên theo Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn Đồng Tháp, đến nay chưa thực hiện được việc giải ngân hỗ trợ do trong quá trình thực hiện phát sinh một số khó khăn, vướng mắc như quy mô, diện tích đất nông nghiệp nhỏ lẻ không thể đáp ứng điều kiện về diện tích hỗ trợ (tối thiểu 10ha liền kề đối với cây lúa, 3ha liền kề đối với cây ăn trái) nên hầu hết các huyện phía Nam và 2 thành phố của tỉnh không đăng ký hỗ trợ từ chính sách này.
Mặt khác, theo quy định, về hồ sơ thì hợp đồng thuê đất phải có công chức hoặc chứng thực. Thế nhưng, hiện đa số các hộ cho thuê đất đã thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng nên việc chứng thực hợp đồng thuê đất không thực hiện được.
Gắn bó “bộ ba”
Để thực hiện tốt việc tích tụ đất đai không chỉ thực hiện bằng hỗ trợ ngân sách mà hãy để cho cơ chế thị trường vận hành. Cho phép người làm ăn giỏi được mua đất đai để sản xuất nông nghiệp. Tạo ra hành lang pháp lý về đất đai sao cho các đối tượng này mua bán thuận lợi, thủ tục thật đơn giản, chi phí thấp. Nghĩa là mở đường cho tích tụ ruộng đất.
Thứ hai là tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người thuê đất để tổ chức sản xuất có hiệu quả. Giá thuê, thủ tục thuê, thủ tục chuyển đổi mục đích trong phạm vi nông nghiệp, thủ tục cho vay vốn. Thậm chí hỗ trợ người ta đo đạc và làm các thủ tục đất đai liên quan để họ yên tâm đầu tư xây dựng đồng ruộng sản xuất lớn, kể cả trồng rừng hoặc trồng cây lâu năm.
Thứ ba là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm ăn lớn đến thuê đất hoặc kêu gọi nông dân góp vốn bằng đất, tham gia làm việc trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phải có chế tài để ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp đối với nông dân.
Tham khảo kinh nghiệm các nước ví như chính sách hiện hành của Trung Quốc những người tích tụ đất đai, sản xuất nông nghiệp hàng hoá sẽ được Chính phủ đầu tư đường, hệ thống thuỷ lợi và nhà lưới. Cùng đó, theo Luật Nông nghiệp và Luật Khuyến nông của Trung Quốc, với những diện tích đất đai được tích tụ sản xuất hàng hoá lớn, Chính phủ sẽ cử cán bộ khuyến nông xuống giúp nông dân về mặt kĩ thuật miễn phí.
Quay trở lại câu chuyện tích tụ đất đai tại Việt Nam, Chính phủ cần sớm xây dựng chính sách tài chính thúc đẩy việc mua, thuê đất nông nghiệp. Xây dựng nguyên tắc góp vốn bằng quyền sử dụng đất, điều kiện góp vốn, giá trị vốn góp (theo giá đất, theo sự phát triển của doanh nghiệp), cơ chế minh bạch trong hạch toán kinh doanh. Đồng thời điều chỉnh khung giá khi Nhà nước cho thuê đất nông nghiệp sát với giá thị trường, giúp giảm giá thuê đất, thúc đẩy các hộ và doanh nghiệp thuê đất sản xuất nông nghiệp.
Nguyễn Hữu Trí
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Nông sản thực phẩm Trí Việt