Aa

Môi giới bất động sản “giật gấu vá vai”

Thứ Hai, 06/09/2021 - 06:35

Gần 2 năm chống chọi với Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp môi giới BĐS rơi vào cảnh kiệt quệ, nhưng nhóm này gần như đứng ngoài các chính sách hỗ trợ suốt thời gian qua vì được coi là lĩnh vực không thiết yếu.

“Ánh hào quang” đã tắt

Từ năm 2019 trở về trước, Nguyễn Mai Hương có tổng thu nhập khoảng 360 triệu đồng/năm, tương đương 30 triệu đồng/tháng. Khi đó, môi giới 9x này đang làm việc tại một đơn vị phân phối bất động sản tỉnh lẻ có tiếng ở miền Bắc.

Tuy nhiên, từ năm 2020 tới nay, khi đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp kéo dài, thu nhập của Hương sụt giảm dần. Gần cả tháng nay, môi giới này đã lướt hết các web này đến web khác với hy vọng kiếm được một công việc tạm thời những ngày giãn cách. “Bình thường, kiếm được một công việc tử tế đã khó, thời buổi dịch bệnh này càng khó hơn”, Hương bùi ngùi.

Cô kể, trước đây, công ty vẫn hỗ trợ trả lương cơ bản khoảng 3 triệu đồng/tháng, nhưng kể từ khi tạm ngừng hoạt động hơn 4 tháng qua, cô còn không được hỗ trợ vì sàn không có nguồn thu, khoản tiền tích lũy vốn đã chẳng nhiều nhặn cũng gần cạn nên phải tìm kiếm một công việc tạm thời để có thu nhập, đảm bảo cuộc sống.

“Một số anh chị đồng nghiệp hoạt động lâu năm trong nghề và có được một lượng khách hàng thân quen nhất định nên ít nhiều vẫn có thu nhập nhờ việc livestream bán hàng, còn em mới ‘chân ướt chân ráo’ làm môi giới, chưa tích lũy được kinh nghiệm, nên ngừng việc là ngừng thu nhập”, Hương nói.

Chung cảnh mất việc và không thu nhập, anh Hòa - một môi giới chuyên phân khúc đất nền cho hay, sau những đợt dịch liên tiếp vắt qua 2 năm thì sàn bất động sản nơi anh làm việc cũng chuẩn bị đóng cửa vì ông chủ không còn đủ sức gồng gánh, bản thân anh đã tạm ngừng việc gần 2 tháng nay. Theo môi giới này, nếu không có hợp đồng thì công ty sẽ không trả lương hay hỗ trợ tiền chạy quảng cáo. Điều đó khiến cuộc sống của anh và những môi giới khác trong công ty thêm khó khăn.

“Thời gian đầu, tôi vẫn kiên trì chi tiền chạy quảng cáo để tư vấn online, nhưng do dịch bệnh và lệnh giãn cách kéo dài nên càng làm càng không hiệu quả, nên từ đầu tháng 7/2021 tôi đã tạm ngừng việc ở công ty. Do không có thu nhập nên tôi phải cắt giảm chi tiêu, cố trụ một thời gian nữa mong dịch sớm được kiểm soát để quay lại với công việc này, bởi tìm được công việc mới lúc này không dễ”, anh Hòa nói.

Câu chuyện môi giới địa ốc buộc phải tạm ngừng việc hoặc chuyển nghề do ảnh hưởng của dịch bệnh là câu chuyện không hiếm hiện nay. Lệnh giãn cách xã hội tại những thành phố lớn khiến hàng loạt sàn giao dịch bất động sản chưa kịp phục hồi từ những đợt bùng phát dịch trước đó tới nay gần như “đóng băng”, khi các sự kiện mở bán, các dự án phải dừng triển khai để đảm bảo quy định phòng chống dịch...

Hơn 8 tháng với 2 đợt Covid-19, theo như chia sẻ của lãnh đạo sàn giao dịch nơi anh Hòa làm việc, việc cho nhân viên nghỉ việc là “vạn bất đắc dĩ”, khi mà doanh thu không có, nhưng vẫn phải thanh toán các loại chi phí như điện, nước, thuê mặt bằng, lãi ngân hàng, tiền trả cho các nhà thầu...

Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, tính đến thời điểm này, chỉ có những sàn giao dịch bất động sản thuộc những doanh nghiệp quy mô lớn, có tiềm lực tài chính và trực tiếp làm chủ đầu tư dự án mới có thể tiếp tục duy trì hoạt động và con số này chỉ chiếm khoảng 20%, còn lại hầu như đang phải tạm dừng hoạt động.

Cụ thể hơn, ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) phụ trách khu vực các tỉnh phía Nam cho hay, 70% doanh nghiệp môi giới bất động sản khu vực này phải chọn giải pháp cắt giảm lương của người lao động hoặc ngưng hoạt động. Trong đó, 50% số doanh nghiệp môi giới bất động sản tại TP.HCM chỉ đạt mức doanh thu dưới 10% trong 3 tháng gần đây, 30% có mức doanh thu từ 30 - 50% và chỉ 10% số doanh nghiệp có doanh thu từ 50 - 70% (được coi là tạm ổn định).

Theo ông Lâm, trong điều kiện bình thường, dòng tiền ổn định giúp doanh nghiệp đảm bảo được việc trả lãi suất, nhưng khi dịch bệnh xảy đến, doanh thu sụt giảm, thì áp lực tài chính lên các chủ đầu tư lớn là không nhỏ, kéo theo khó khăn cho sàn giao dịch, môi giới bất động sản.

Giãn cách quá lâu khiến nhiều môi giới phải bỏ nghề
Giãn cách quá lâu khiến nhiều môi giới phải bỏ nghề. (Ảnh: Internet)

Cần các chính sách hỗ trợ đặc biệt

Môi giới được xem là cầu nối giữa chủ đầu tư và người mua nhà, và nếu nhìn từ hình ảnh cái cây, theo ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch BHS Group - một chủ đầu tư đi lên từ môi giới, thì “nền kinh tế là gốc rễ, doanh nghiệp phát triển bất động sản là thân cây, các sàn giao dịch bất động sản là cành cây, còn các nhà môi giới là lá cây. Khi cây bị tổn thương thì bộ phận chịu tổn hại nhanh nhất, dễ héo úa nhất chính là phần lá”.

Bởi vậy, môi giới bất động sản là lực lượng cần có chính sách hỗ trợ đặc biệt, vì nếu lực lượng này thiếu hụt thì sẽ ảnh hưởng tới khả năng kết nối cung - cầu khi thị trường bất động sản hồi phục sau dịch. Ghi nhận thực tế cho thấy, hiện nay, cung - cầu trên thị trường bất động sản vẫn rất lớn nhưng không có thanh khoản, dòng tiền bị đứt gẫy (công nợ về chậm, doanh thu không có…) khiến các sàn giao dịch rơi vào tình cảnh ngặt nghèo.

“Nhiều công ty môi giới hiện giống như cây khô héo lâu ngày vì thiếu dưỡng chất, nên rất cần có sự hỗ trợ từ Nhà nước về cơ chế chính sách như giãn, hoãn, giảm tiền thuế… để giảm bớt gánh nặng”, ông Tuyển nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VARS cho rằng, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư này là đợt dịch ảnh hưởng nặng nề nhất đến nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng, khiến hoạt động kinh doanh của các sàn giao dịch địa ốc gần như tê liệt, nên rất cần các chính sách hỗ trợ về thuế, lãi suất… để duy trì hoạt động, tránh việc mất đi nguồn lực lượng cần thiết phục vụ cho thị trường khi dịch được kiểm soát.

Ông Đính chia sẻ, hiện nay, nhiều sàn giao dịch tại miền Nam rơi vào tình cảnh “tiền về trên danh nghĩa”, nhưng lại phải “giật gấu, vá vai” trong việc vận hành doanh nghiệp mỗi ngày. Với nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, mỗi ngày xoay xở là một ngày lún sâu hơn vào vòng xoáy nợ nần.

Theo các chuyên gia, nghề môi giới bất động sản giống như đi câu cá, buông cần mãi mà không có cá cắn câu thì sẽ chán và tình trạng này nếu kéo dài sẽ buộc người môi giới phải chuyển công ty hoặc tìm công việc mới để đảm bảo cuộc sống. Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp lĩnh vực này, các chính sách giảm, giãn thuế (VAT, thu nhập doanh nghiệp), lãi vay… là vô cùng bức thiết.

Trong đó, phương án được một số thành viên thị trường đưa ra là cần hỗ trợ giảm 70% thuế VAT trong năm 2021, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 quý cuối năm 2021, đồng thời giãn thời hạn nộp các loại thuế này 6 tháng kể từ khi hoạt động trở lại, bên cạnh đó là chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp bất động sản vay vốn lãi suất 0% để chi trả các khoản cố định, đầu tư vào kinh doanh để sớm có doanh thu trở lại./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top