Aa

Nghề môi giới bất động sản xoay chuyển trong bối cảnh Covid-19 khó lường

Thứ Ba, 17/08/2021 - 06:00

Lần bùng dịch thứ 4 kéo dài trên nhiều tỉnh thành đã khiến các sàn giao dịch bất động sản chưa kịp phục hồi hoàn toàn từ những lần bùng phát dịch trước, nay phải chịu tác động nặng nề hơn.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Năm 2006, Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Kinh doanh Bất động sản đầu tiên và từ đây có các hoạt động đầu tư, mua bán, chuyển nhượng bất động sản hoạt động kinh doanh dịch vụ bất động sản. Trong đó, nghề môi giới bất động sản cũng được khai sinh và lần đầu tiên nghề môi giới bất động sản tại Việt Nam được thừa nhận, địa vị pháp lý của nhà môi giới được công nhận rõ ràng hơn trong xã hội.

Đến năm 2014, Quốc hội ban hành Luật Kinh doanh Bất động sản mới, trên cơ sở kế thừa, phát huy những giá trị của Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2006 và sửa đổi bổ sung những bất cập trong quá trình thực thi luật cũ. Qua đó, hoạt động môi giới bất động sản được quy định khá cởi mở, ít bị giới hạn bởi các điều kiện khắt khe như Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2006.

Sau thời gian 15 năm hình thành và phát triển kể từ khi Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2006 ra đời, lực lượng các nhà môi giới, sàn giao dịch bất động sản đã có nhiều đóng góp tích cực quyết định vào sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bất động sản nói riêng và của nền kinh tế nói chung.

Tuy nhiên, trong lúc thị trường dịch vụ môi giới bất động sản phát triển nóng có nhiều đối tượng không chuyên xuất hiện làm méo mó ngành nghề khiến cho xã hội kỳ thị gọi các nhà môi giới bất động sản là “cò đất”, bởi tính chụp giật, làm ăn bất chấp quy định của pháp luật nhằm trục lợi cá nhân, lừa đảo người mua của nhiều nhà môi giới đã ảnh hưởng chung đến thị trường này.

Từ khoảng giữa năm 2018, thị trường bất động sản cả nước bắt đầu xuất hiện dấu hiệu của dòng tiền chảy vào ít dần. Sang năm 2019, vốn vào bất động sản tiếp tục hạn hẹp hơn, mức độ rủi ro được ngân hàng nâng cao đồng thời siết chặt tín dụng, thêm vào đó nhiều tỉnh thành bị rà soát thủ tục đầu tư, các dự án bất động sản được siết chặt hơn, nhiều chủ đầu tư lâm vào cảnh “việt vị” vì không thể triển khai ra hàng được dự án mới. Từ đó, kéo theo các sàn giao dịch bất động sản, nhân viên môi giới bất động sản cũng mất việc theo.

Vì nguồn cung dự án bị gián đoạn, quỹ đất nội đô hạn hẹp, thị trường bất động sản giai đoạn 2019 - 2020 chứng kiến làn sóng chuyển dịch dòng tiền đầu tư ra khỏi trung tâm thành phố về các huyện ngoại thành, vùng ven các thành phố lớn để tiến hành phân lô bán nền kiếm kinh phí duy trì hoạt động. Tuy nhiên ,việc này cũng kết thúc trong thời gian chóng vánh sau khi Bộ Tài Nguyên và Môi trường và Bộ Xây dựng có ý kiến chỉ đạo kiểm soát nhằm bảo vệ, phát triển thị trường bất động sản lành mạnh và ổn định hơn.

Đây là cơ hội để môi giới nhìn nhận đúng bản chất của nghề. Ảnh minh hoạ

Thị trường bất động sản vốn đã khan sản phẩm mới, thêm tác động từ đại dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp khiến cho nhiều môi giới bất động sản phải lao đao thậm chí nhảy việc, bỏ nghề... Nhiều môi giới không thể ngờ được sự thay đổi nhanh như vậy, cách đây 2 - 3 năm vào giai đoạn 2015 - 2018, lúc hoàng kim trong tay có nhà, có công ty riêng hoành tráng với hàng trăm nhân viên môi giới; ngày ngày mặc vest, ngồi ô tô đi tiếp khách giao dịch, kiếm hàng trăm triệu có khi tiền tỷ mỗi tháng mà giờ lại… đảo chiều mọi thứ. 

Hiện tại vì không có hàng để bán, các công ty môi giới phải tìm đủ mọi cách để tiếp cận “giỏ hàng” của chủ đầu tư. Có dự án chủ đầu tư chọn 5 - 10 công ty F1, rồi các công ty này chia hàng lại cho hàng chục đơn vị F2... nên tỷ lệ “chọi” rất cao, nhiều nhân viên môi giới cùng bán một căn hộ, cùng chăm một khách hàng chứ không phải như lúc trước.

70% sàn giao dịch đóng cửa

Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, tính đến thời điểm này, hầu như chỉ có các sàn giao dịch bất động sản thuộc những doanh nghiệp quy mô lớn, có tiềm lực tài chính và trực tiếp làm chủ đầu tư dự án như: Công ty cổ phần dịch vụ địa ốc Đất Xanh Miền Bắc, Hải Phát Land, Cen Group… mới tiếp tục duy trì hoạt động.

Tuy nhiên, hầu hết các sàn này đều hoạt động theo phương thức kinh doanh như bán hàng trực tuyến, áp dụng công nghệ 4.0 vào việc quản lý thông tin, quản lý giao dịch, thanh toán, quảng cáo. Còn lại, khoảng 70% số lượng các sàn giao dịch bất động sản chỉ làm trung gian môi giới thì hầu như đang phải tạm dừng hoạt động.

Ngoài ra, theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã tiến hành khảo sát đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với các doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trên 87% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các lĩnh vực như dệt may, truyền thông, bất động sản, sản xuất thiết bị điện, giáo dục, lao động, bán lẻ, điện tử, du lịch... bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Đến thời điểm đầu tháng 5/2021 dịch bùng lên lần thứ 4, đây là đợt dịch nặng nhất từ trước đến nay, nên vẫn còn quá sớm để đưa ra những dự báo chắc chắn đối với chỉ số phát triển kinh tế của Việt Nam và lĩnh vực bất động sản trong năm nay. Hiện tại chúng ta vẫn chưa thể thống kê hết được những số liệu phản ánh tác động toàn diện của đại dịch Covid-19 gây nên đối với doanh nghiệp và việc làm. Đáng lo ngại là không ai biết được đến khi nào dịch bệnh Covid-19 được đẩy lùi, trạng thái bình thường được thiết lập trở lại. Tâm lý này ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực bất động sản.

Tôi cũng có chung nhận định với các chuyên gia, nếu tình trạng dịch Covid-19 kéo dài đến hết năm nay thì thị trường bất động sản sẽ khó khăn hơn rất nhiều, bởi điều này đã vượt ngưỡng chịu đựng của thị trường. Khi nền kinh tế tăng trưởng thấp, nguồn vốn tái đầu tư cho bất động sản sẽ giảm mạnh, cùng với đó, hiện tượng bán tháo từ những nhà đầu tư bị áp lực dòng tiền, lãi vay cũng khiến thị trường thiếu bền vững.

Đối với doanh nghiệp, các biện pháp giãn cách xã hội hiện đang ít nhiều ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng các dự án. Trong khi các chủ đầu tư cũng không vội mở bán các dự án mới. Dự báo nguồn cung mới ở tất cả các phân khúc bất động sản sẽ giảm mạnh, thời gian tới, viễn cảnh của nghề môi giới cũng không mấy sáng sủa. Tình trạng này sẽ dẫn đến nhiều sàn giao dịch phải đóng cửa và môi giới cũng thất nghiệp theo. Tuy nhiên, khi thị trường sôi động nhà nhà, người người kéo nhau đi làm bất động sản và khi chững lại ai về việc đó, đây cũng là mặt tốt giúp cân bằng lại hệ sinh thái lao động việc làm của xã hội.

Xoay chuyển để tồn tại và phát triển

Trong bối cảnh thị trường sàng lọc gay gắt, những chủ đầu tư, người có nhu cầu mua bán nhà đất sẽ đánh giá cao các sàn giao dịch bất động sản hoạt động lâu năm, tiềm lực kinh tế và phân tích đầu tư tốt. Đây cũng là cơ hội thu hút lượng lớn khách hàng qua đại dịch. Do đó, sàn giao dịch bất động sản có tầm nhìn dài hạn vẫn sẽ đạt được mức lợi nhuận như kỳ vọng ngay cả khi thị trường khó khăn hay phát triển.

Đối với các môi giới bất động sản, có thể đây là giai đoạn khó khăn nhất trong vòng 10 năm qua. Nhưng đây cũng là cơ hội để môi giới nhìn nhận đúng bản chất của nghề, hiểu được tính bấp bênh của nó và biết cách thay đổi, tận dụng cơ hội, trau dồi thêm kiến thức và tiến tới một cấp độ cao hơn trong nghề. Hoặc nếu không thể, thì môi giới cũng đã có một trải nghiệm đáng nhớ với nghề, và hãy dùng chính những kinh nghiệm đã học hỏi được thời gian qua để nghiêm túc phát triển ở một môi trường khác phù hợp hơn.

Thực tế cho thấy, không ít người hành nghề môi giới bất động sản đã chủ động tìm và đưa ra các phương án ứng phó với những tác động của dịch Covid-19. 

Thay vì chỉ tiếp cận khách hàng theo phương thức bán hàng trực tiếp, nhiều người đã làm quen, bán hàng và tiếp cận, tư vấn khách hàng online đơn giản và hiệu quả các mạng xã hội. Việc kết hợp bán hàng online với các chính sách chiết khấu, hỗ trợ thanh toán là cách giúp khách hàng quan tâm hơn đến sản phẩm của doanh nghiệp, sàn giao dịch bất động sản.

Nhiều sàn giao dịch và môi giới cũng chia sẻ, online chính là từ khóa cho tương lai của nghề môi giới bất động sản. Theo đó, sàn hoặc nhân viên tự thiết kế có thể vừa quay, vừa dựng video, khi có khách kết nối thì tư vấn luôn, tất cả trong một. Việc đăng tải thông tin khách quan kèm hình ảnh, video hay infographic sinh động sẽ tạo được niềm tin vững chắc nơi khách hàng tiềm năng.

Mặc dù vẫn phải thừa nhận bất động sản là sản phẩm đặc thù, khách hàng cần rất nhiều thông tin để quyết định như về pháp lý, quy trình giao dịch và đây là mặt hàng có giá trị lớn cũng như thói quen của khách hàng nhưng hiện nay việc tư vấn online rồi tiến tới ký kết hợp đồng cũng đã từng bước được thị trường đón nhận. Như vậy, dù trong bối cảnh khó khăn, nghề môi giới hay bất kỳ ngành nghề nào khác cũng tìm cách xoay chuyển khó khăn để có thể tồn tại và tiếp tục phát triển với nghề.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top