Aa

Môi giới bất động sản thời dịch COVID-19: Ảm đạm và rơi rụng

Thứ Năm, 27/02/2020 - 06:15

Sức mua thấp, nguồn cung cũng giảm, lại thêm trong thời điểm dịch COVID-19 khiến cho thị trường môi giới bất động sản thêm phần ảm đảm.

“Đây là tình hình chung rồi, ai chịu được thì chịu, không chịu được thì chạy…”, chị Thảo – một nhân viên môi giới bất động sản (sale) trên 5 năm làm nghề - cho biết.

Thị trường bất động sản chậm lại cũng khiến công việc môi giới ảm đạm (Ảnh: PK).

Bám trụ bằng nhiều cách

Chị Dịu làm nhân viên sale cho một công ty môi giới chuyên ở khu vực đường Bến Vân Đồn (quận 4, TP.HCM) cho biết, với phân khúc khách thuê căn hộ từ trung đến dài hạn thì tình hình kinh doanh vẫn khá ổn. Chị Dịu làm cho cả phân khúc cho thuê và mua bán căn hộ. Tuy nhiên, phân khúc mua bán đang “chậm hẳn” vì đà chậm chung của thị trường giờ thêm dịch COVID-19 nên càng chậm.

Dịch COVID-19 cũng chính là nguyên nhân mà mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã có văn bản gửi lên Thủ tướng Chính phủ kiến nghị các biện pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp bất động sản, như cho phép khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất vay, cơ cấu lại các khoản vay, giãn tiến độ nộp thuế…

Với chị Thảo, cách để bám trụ lại với nghề sale bất động sản là… làm thêm những thứ khác để có thu nhập ổn định, như bán các món đặc sản của quê nhà cho những người quen biết tại TP.HCM, kinh doanh qua mạng… Còn một cách nữa rất phổ biến trong giới sale bất động sản hiện nay là “ra vào chính với một, hai sàn nhưng liên kết làm với mười sàn”, chị Thảo cho biết.

Nghĩa là, một sale giữ mối quan hệ làm việc chính với một hoặc hai sàn giao dịch bất động sản, nhưng liên kết với nhiều sàn để có hàng bán ra, hoặc liên kết với đồng nghiệp ở các sàn khác để trao đổi, cùng nhau bán ra và ăn chia… Đây là cách mà một sale khác là chị Uyên đang áp dụng. “Dự án nào thấy ngon em mới nhận. Cộng tác thêm để kiếm chút cháo”, chị Uyên cho biết. Cách này giúp cho chị có thêm nguồn hàng đa dạng và cũng tiếp cận được nhiều phân khúc khách hàng từ đất nền, căn hộ, nhà liền thổ, nhà hiện hữu trong khu dân cư…

Sale rơi rụng là “chuyện thường ngày”

Đã có dấu hiệu một số sàn môi giới bất động sản nhỏ, thường là các sàn F2, số nhân viên sale từ sau Tết tới nay cũng rơi rụng dần vì số dự án mở bán thì ít, sức mua giảm khiến giao dịch giảm, thu nhập không ổn định…

Tuy nhiên với chị Uyên, sự bám trụ lại chỉ vì vẫn thích ngành bất động sản, hơn nữa “làm việc ở các công ty lương 15, 20 triệu đồng một tháng cũng không bằng một lần chốt deal bất động sản được hưởng phí môi giới nhiều hơn rất nhiều”.

Ảnh: Internet

Theo lý giải của chị Thảo, trên thực tế lực lượng sale của các sàn môi giới F2 có rơi rụng thì cũng chỉ mang tính cục bộ, lứa sale này đi thì họ lại rao tuyển lứa khác. Nhiều công ty môi giới bất động sản hiện nay không trả lương cho nhân viên, mối quan hệ công việc giữa công ty và nhân viên sale không bền chặt, không làm ăn được thì họ rời đi, nhưng vẫn giữ mối quan hệ để làm ăn khi có cơ hội.

Chị Thảo thổ lộ, trong nghề sale bất động sản, tỷ lệ sale làm ăn “ngon lành” chỉ khoảng 10%. “Có những dự án quảng cáo là có cả ngàn sale bán ra, trên thực tế đa phần trong số đó là sale liên kết, và cũng chỉ có khoảng 100 sale trong tổng số thực sự kinh doanh tốt”, chị Thảo cho biết.

Những sale này, thị trường có thế nào đi nữa thì họ cũng không quá lo lắng vì đã có nền tảng về thu nhập, kinh nghiệm, mối quan hệ, có năng lực và cũng được ưu ái dành cho những rổ hàng ngon và sẵn sàng xuống tiền đầu tư để kiếm lời. Số còn lại, nhiều người sẽ thường xuyên dịch chuyển giữa các công ty môi giới để tìm kiếm cơ hội kinh doanh tốt hơn, nhưng cũng không ít người chật vật, đặc biệt trong lúc thị trường đang chậm như hiện nay.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top