Thực tế còn có thể cao hơn nữa và đây là một thực trạng báo động trong khi nghề môi giới bất động sản được xếp là nghề có mức thu nhập nhóm cao nhất.
Sau khoảng 10 năm trở lại đây, thị trường bất động sản phát triển và bùng nổ mạnh mẽ kéo theo sự phát triển của một tầng lớp mới, đó là “môi giới bất động sản”. Theo ước tính của King Broker, hiện có khoảng 300.000 người hành nghề môi giới địa ốc. Trong đó, 50.000 người hoạt động toàn thời gian, còn lại gần 250.000 người đang làm môi giới dưới dạng thời vụ hoặc bán thời gian.
Vẫn còn nhiều người coi môi giới là nguồn kiếm thêm chứ không phải là nghề
Ở những địa phương từng diễn ra các cơn sốt đất như Đà Nẵng, Phú Quốc, hay vùng ven như Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An… đã chứng kiến nhiều người từ tay trắng có cơ ngơi bạc tỷ từ làm “cò đất”. Những “điển hình” số ít này tạo ra những ma lực khiến nhiều người thấy thế sốt ruột và làm theo.
Anh công nhân, chú xe ôm, cô bán trà đá, thậm chí cả cán bộ nhà nước cũng tham gia vào việc môi giới bất động sản. Khi thị trường đang nóng thì ai ai cũng muốn chớp lấy cơ hội này để kiếm tiền.
Với tư duy thời vụ như vậy, nhiều người tham gia vào giao dịch, môi giới bất động sản chưa được trang bị kiến thức căn bản về thị trưởng, những kiến thức về bất động sản hay những quy định pháp lý trong kinh doanh bất động sản. Họ hoạt động hết sức tự phát bằng sự linh hoạt, sự quảng giao, lợi thế mối quan hệ… để tranh thủ kiếm “tiền cò” ngoài giờ.
Bởi vì chỉ coi môi giới là công việc kiếm thêm, nên rõ ràng ý thức và sự đầu tư cho công việc của đại đa số môi giới bất động sản là rất yếu. Một người lái xe ôm thu nhập bình quân 8 triệu đồng/tháng có thể phải đầu tư chiếc xe máy 30 triệu đồng, một người lái taxi grab thu nhập 20 triệu có thể đầu tư xe ô tô 500 - 600 triệu đồng.
Tuy nhiên, một người môi giới có thể kiếm hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng mỗi tháng lại không có chứng chỉ hành nghề, vốn kiến thức về bất động sản vẫn rất hạn hẹp. Như dân gian vẫn gọi đó là những người “buôn nước bọt”.
Xã hội vẫn còn định kiến với nghề môi giới bởi vì xung quanh họ, vẫn có nhiều người làm nghề chưa chuyên nghiệp, bạn bè gia đình của họ mua bất động sản bị thiệt hại hoặc bị lừa dù là vô tình hay cố tình. Mười người môi giới mà họ gặp có tới 7 - 8 người thiếu chuẩn chỉ thì việc tất cả đội ngũ người làm nghề môi giới bị cho là “ cò đất ” làm ăn chụp giật, thiếu uy tín thì cũng dễ hiểu.
Môi giới là một nghề cần phải đầu tư và nhận thức nghề nghiệp rõ ràng
Ngay cả những người đã làm lâu năm và toàn thời gian cho nghề môi giới bất động sản thì tư duy phổ biến vẫn là rất lười học hỏi, rất lười cập nhật kiến thức chuyên môn. Ai cũng muốn thu nhập cao, nhưng việc đầu tư kiến thức và nghề nghiệp thì quá hữu hạn, môi giới đến thời gian chỉ tập trung vào việc bán hàng, việc nâng cao nghiệp vụ là việc dư thừa và không được ưu tiên.
Nghề môi giới bất động sản vốn là một nghề đặc biệt và có nhiều điểm đặc thù với những nghề nghiệp khác khiến người ta phải mất công tìm hiểu, học hỏi và dấn thân. Kể cả những nghề được tiếng là đơn giản như nghề nail, hay cắt tóc, để thành nghề người ta phải đầu tư vài chục đến vài trăm triệu đồng và mất nhiều năm để thành thạo.
Nhưng trong số những người làm môi giới chuyên nghiệp, không nhiều người dám đầu tư tiền bạc và thời gian bồi dưỡng kiến thức, hay xây dựng nhân hiệu. Có một đặc điểm chung của các môi giới bất động sản Việt Nam hiện nay rất là thực dụng và chưa thực sự yêu nghề.
Họ có thể không tiếc bỏ rất nhiều tiền cho các hoạt động theo họ có thể trực tiếp tạo ra tiền, ra các giao dịch như chi phí quan hệ khách hàng, chi phí quảng cáo, chi phí tiếp thị… nhưng việc đầu tư cho bản thân, cho các kiến thức nền dường như không được chú trọng. Đối là điểm rất hạn chế, là hệ tư tưởng chung của những người làm nghề môi giới khi trong đầu luôn chỉ có hai chữ bán hàng và chốt sale.
Ở nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới, nghề môi giới bất động sản là một nghề được xã hội trân trọng và đánh giá cao, những người làm nghề rất có ý thức trau dồi chuyên môn và rất yêu nghề. Đến bao giờ môi giới ở Việt Nam mới được trân trọng như nước ngoài?
Tại TP.HCM và Hà Nội, môi giới đã trở thành bộ phận không thể thiếu trong các giao dịch bất động sản. Và khi cạnh tranh trở nên gay gắt, các sàn môi giới, từng môi giới bắt buộc phải chuyên nghiệp hơn và uy tín hơn. Do vậy, tại hai “thủ phủ” của thị trường bất động sản này, nghề môi giới đã được công nhận phần nào.
Tuy nhiên, để thay đổi cái nhìn của toàn xã hội về nghề môi giới thì đó là bài toán cần sự tham gia của nhiều bên như Bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hội Môi giới Bất động sản, các chủ đầu tư, chủ sàn, khách hàng và đặc biệt, chính bản thân những người làm nghề môi giới phải nhận thức được rõ ràng môi giới là sự nghiệp. Việc đầu tiên cần phải làm là siết chặt quản lý chứng chỉ hành nghề môi giới tại các tỉnh, để không còn những “con sâu làm rầu nồi canh”, làm xấu đi hình ảnh nghề nghiệp.
Theo quy định tại Điều 58 Nghị định 139/2017/NĐ-CP, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập mà không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng theo quy định; Tẩy xóa, sửa chữa, cho mượn, cho thuê hoặc thuê, mượn chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản để thực hiện các hoạt động liên quan đến môi giới Bất động sản.
Tuy nhiên, hầu như chưa thấy vụ xử phạt nào được tiến hành dù trên thực tế, những hành vi nói trên là rất phổ biến trên thị trường.
Trịnh Nguyên Tuấn Anh, Ủy viên Ban chấp hành Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam/Founder King Broker/Co - Founder batdongsan.vn