Aa

Môi giới địa ốc chuyển nghề bán trầm hương, cà phê chờ thị trường ấm lên

Thứ Hai, 22/01/2024 - 08:00

Ghi nhận, tình trạng cắt giảm nhân sự ở các doanh nghiệp bất động sản vẫn tiếp tục diễn ra trong năm 2023. Theo đó, có công ty bất động sản lớn trên thị trường đã giảm cả nghìn nhân viên.

Thị trường vẫn ghi nhận làn sóng giảm nhân sự

Mới đây, Bộ Xây dựng vừa công bố báo cáo thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản trong quý IV/2023 và cả năm 2023. Theo đó thì các doanh nghiệp bất động sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong năm vừa qua.

Báo cáo cũng dẫn chứng số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thành lập mới chỉ có 4.725 doanh nghiệp, so với năm 2022 giảm 45,01%. Còn số doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh có thời hạn lần lượt là 1.286 (ghi nhận tăng 7,7%) và 3.705 (ghi nhận tăng 47,4%) so với năm trước.

Cũng theo đó, Bộ Xây dựng có nêu ra một số khó khăn cũng như thách thức mà doanh nghiệp bất động sản vẫn phải đối mặt như khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý của dự án. Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương còn chưa kịp thời, đồng bộ cũng đã gây ra nhiều khó khăn và vướng mắc cho các dự án bất động sản.

Môi giới địa ốc chuyển nghề bán trầm hương, cà phê chờ thị trường ấm lên- Ảnh 1.

Nguồn ảnh: Nhịp sống thị trường

Đáng chú ý trong năm vừa qua, các doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận vốn vay tín dụng. Những đơn vị hầu như không huy động được vốn trái phiếu doanh nghiệp cũng như huy động vốn khác, dẫn đến thiếu vốn để thực hiện dự án (phải giãn tiến độ, dừng triển khai). Và khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, đặc biệt là trong bối cảnh áp lực đáo hạn cũng như trả nợ trái phiếu doanh nghiệp vào tháng cuối năm 2023.

Trước bối cảnh khó khăn kéo dài thì nhiều doanh nghiệp bất động sản buộc phải cắt giảm nhân sự để tiết kiệm chi phí. Bộ Xây dựng cho biết, tình trạng cắt giảm nhân sự ở các doanh nghiệp vẫn đang diễn ra không chỉ đối với các đơn vị nhỏ mà cả các công ty bất động sản lớn trên thị trường.

Theo số liệu từ báo cáo tài chính hợp nhất của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết ở trên sàn chứng khoán cũng đã khắc họa được vấn đề này. Ở thời điểm ngày 30/9/2023, có nhiều ông lớn bất động sản đã giảm hàng nghìn lao động.

Cá biệt là có trường hợp của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán: DXG) đã giảm 4.480 nhân sự so với thời điểm 30/9/2022.

Và một số công ty khác tuy nhiên tình hình bớt khốc liệt hơn như Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (mã chứng khoán: NLG) giảm 10 lao động, Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền (mã chứng khoán: KDH) ghi nhận giảm 45 lao động.

TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, năm 2023 với sự nỗ lực tích cực từ Chính phủ, ngành bất động sản đang trong giai đoạn hồi phục nhưng vẫn bị tác động bởi nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Và theo quy luật tất yếu, khi kinh tế có vấn đề thì bất động sản cũng có vấn đề, theo đó là những khó khăn đối với những người làm môi giới.

Môi giới địa ốc chuyển nghề bán trầm hương, cà phê chờ thị trường ấm lên- Ảnh 2.

Nguồn ảnh: Tài chính kinh tế

Môi giới xoay xở đủ nghề để "tồn tại"

Theo số liệu do Hội Môi giới bất động sản Việt Nam công bố vào hồi tháng 12/2023 cho thấy, đã có đến 70% môi giới bất động sản chuyển nghề hoặc là rời bỏ ngành trong thời gian gần đây.

Ghi nhận, số lượng môi giới bất động sản trước đây đạt khoảng 300.000 người nhưng đến thời điểm cuối năm chỉ còn khoảng 100.000 người. Có nhiều người nghỉ việc bởi vì thu nhập không còn đủ trang trải so với trước đây hoặc là do doanh nghiệp sa thải, dừng hoạt động. Phần nhiều trong số này đều là những người mới vào nghề.

Cũng từ cuối năm 2022, chị Hồng Đức (sinh năm 1995) đã nghỉ công việc môi giới bất động sản ở một khu đô thị lớn ở phía Đông Hà Nội để chuyển sang làm nhân viên kinh doanh cho một trung tâm tiếng Anh trong nội đô.

Chị Đức cho biết, nguyên nhân nghỉ công việc bất động sản là vì công việc kinh doanh gặp khó. Chủ đầu tư không còn phát triển dự án ở Hà Nội mà chuyển sang các tỉnh thành khác xa hơn. Đến khi thị trường sôi động, dù là người mới nhưng thu nhập trung bình của chị cũng ở mức 30 triệu đồng/tháng. Vào những tháng cuối năm 2022, thu nhập của chị cũng chỉ còn ở mức trên dưới 10 triệu đồng.

Mức thu nhập hiện tại của chị khi làm việc cho trung tâm tiếng Anh ở mức từ 15 - 25 triệu đồng/tháng tùy vào doanh số đạt được. Chị cũng cho biết, không có ý định quay lại nghề môi giới bất động sản.

Môi giới địa ốc chuyển nghề bán trầm hương, cà phê chờ thị trường ấm lên- Ảnh 3.

Nguồn ảnh: Kinh tế đô thị

Không giống với chị Đức, anh Lê Văn Ly (sinh năm 1989) đã có cho mình hơn 10 năm kinh nghiệm ở trên thị trường cho biết, bản thân vẫn kiên trì bám trụ bởi còn yêu nghề. Anh nói rằng, so với thời kỳ đỉnh cao từng kiếm được 200 - 300 triệu đồng/tháng thì hiện mức thu nhập của anh đã giảm đến 7 lần. Số lượng môi giới ở đơn vị mà anh đang công tác giảm từ 70 người xuống chỉ còn 7 người.

Anh Ly nói thêm, nguồn thu nhập từ nghề bất động sản hiện tại chủ yếu đến từ chuyển nhượng bất động sản hoặc môi giới cho thuê. Để có thể nâng cao mức thu nhập, anh đã làm thêm nhiều nghề tay trái như kinh doanh cà phê, bán trầm hương hay là đồ trang trí.

Nam nhân viên môi giới này nói thêm, đã từng ngấm đòn từ cuộc khủng hoảng bất động sản lần trước cho nên có kinh nghiệm cũng như niềm tin thị trường rồi sẽ sôi động trở lại. Lúc này thì những người bám trụ được như anh sẽ có nhiều cơ hội hơn hẳn so với người mới vào nghề.

Có nhiều chuyên gia cho biết, đội ngũ môi giới còn hoạt động là những người yêu nghề, quyết tâm theo nghề đến cùng. Đây cũng được xem là cơ chế đào thải tự nhiên của thị trường, chỉ có môi giới bất động sản chuyên nghiệp, có nội lực và tích lũy, uy tín thì mới có thể tồn tại được.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top