Chị Nguyễn Cẩm Tú - chủ đầu tư một dự án đất nền ở Bình Dương chia sẻ, mấy ngày gần đây bà rất bức xúc khi phát hiện nhiều bài đăng rao bán dự án cho công ty bà nhưng nội dung thì hoàn toàn sai lệch. Nghiêm trọng hơn, những bài đăng này còn thản nhiên đưa thông tin chủ đầu tư vỡ nợ cần bán gấp lô đất để kích cầu người mua.
Trong vai một vị khách mua nhà, chị Tú gọi vào số điện thoại môi giới đăng tin rao vặt. Trong cuộc điện thoại, vị môi giới này thản nhiên cho biết lô đất này đang bán cắt lỗ 50% vì chủ đầu tư vỡ nợ. Chưa dừng lại ở đó, vị môi giới này còn giới thiệu cho chị một khu đất của chủ đầu tư khác để tranh thủ cơ hội bán hàng.
“Tôi nói với người môi giới đó đây là nhà của tôi, không được đăng thông tin rao bán sai lệch như vậy. Sau đó, người môi giới này giải thích chỉ mượn hình ảnh để minh họa và xin được gỡ bài đăng. Tuy nhiên vài ngày sau, tôi lại nhìn thấy một tin rao bán tương tự trên một hội nhóm buôn bán bất động sản của Facebook”, chị Tú nói.
Tương tự, chị Hoàng Thu Hiền (38 tuổi; Hà Nội) bức xúc chia sẻ, mấy ngày gần đây chị phát hiện căn nhà phố cũ của gia đình chị ở Hà Nội đang được rao bán cắt lỗ tràn lan trên hội nhóm bất động sản. Những người đăng tin rao bán này đã đăng hình ảnh ngôi nhà của chị, kèm theo quảng cáo chủ nhà rao bán vì làm ăn thua lỗ, vỡ nợ.
Chị Hiền cho biết, dù bài đăng đang rao bán cắt lỗ nhưng giá bán còn cao hơn so với mức giá chị đưa ra khi làm việc với các đơn vị phân phối. Thậm chí, có những bài viết còn thản nhiên đăng hình ảnh ngôi nhà của chị nhưng thông tin rao bán lại của một ngôi nhà khác.
Mới đây, tại hội nghị “Chuyển đổi số minh bạch thông tin trên thị trường bất động sản Việt Nam” do Hội môi giới Bất động sản Việt Nam tổ chức, ông Phạm Lâm - Chủ tịch DKRA Group cho biết, thị trường bất động sản Việt Nam đang bị mất kiểm soát dữ liệu, đây là một điểm yếu khiến nhiều người mua dễ rơi vào những chiêu trò của môi giới.
Ông Lâm lấy ví dụ, một căn nhà phố trên thị trường có giá 10 tỷ đồng nhưng môi giới rao “chính chủ” bán cắt lỗ còn 9 tỷ đồng. Nhiều người mua tưởng giá tốt nên đã lập tức liên hệ nhưng nhận được thông tin căn nhà đã giao dịch. Sau đó, môi giới lập tức giới thiệu người mua sang căn nhà khác với lời chào “ở vị trí gần đó, không khác nhiều căn cũ, giá thậm chí còn lời hơn”.
Nếu không mua, số điện thoại cá nhân của họ sẽ liên tục bị làm phiền bởi những cuộc mời chào nhà đất. Chiêu trò này khiến cho người có nhu cầu lại không tiếp cận được bất động sản như mong muốn. "Đó cũng là lý do họ cảm thấy thông tin của môi giới luôn thiếu tin cậy", ông Lâm nói.
Việc đăng quảng cáo sai sự thật trong hoạt động kinh doanh bất động sản là hành vi vi phạm tại khoản 9 Điều 8, khoản 2 Điều 13 của Luật Quảng cáo 2012, vi phạm Điều 8 Luật Kinh doanh bất động sản. Theo đó, người quảng cáo phải chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo của mình trong trường hợp trực tiếp thực hiện quảng cáo trên các phương tiện; liên đới chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo trong trường hợp thuê người khác thực hiện.
Chia sẻ với báo chí, luật sư Huỳnh Hà Quốc Bửu - Đoàn luật sư tỉnh Bình Dương cho biết, theo Điều 11, Luật Quảng cáo 2012, việc môi giới bất động sản sử dụng nhiều thủ đoạn để lừa dối, dụ dỗ khách hàng có thể bị xử lý hành chính. Nếu môi giới vẫn tiếp tục có hành vi này, căn cứ theo mức độ vi phạm, tính chất có thể bị xử phạt hình sự. Còn nếu việc quảng cáo sai sự thật gây thiệt hại cho khách hàng sẽ bị xử lý theo Điều 198 Bộ luật Hình sự năm 2015. Nếu chứng minh được môi giới đưa thông tin quảng cáo lên mạng để gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng sẽ bị xử phạt theo Điều 45, Luật Cạnh tranh 2018.
Để tránh tình trạng môi giới đăng tin rao bán bất động sản sai sự thật, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam kiến nghị, cần có cơ chế pháp luật cụ thể, rõ ràng để ràng buộc vai trò, trách nhiệm của môi giới trong việc tư vấn, cung cấp thông tin. Đặc biệt, phải có quy định tất cả môi giới bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề, tránh hoạt động một cách tự phát, không chịu sự quản lý của cơ quan nào.