PV: Là người có nhiều năm kinh nghiệm chơi và làm việc trong ngành golf, ông đánh giá thế nào về ngành golf Việt Nam hiện nay?
Ông Lê Hùng Nam: Nếu nhìn vào bức tranh tổng quát của ngành golf Việt Nam, có thể thấy chúng ta vẫn đang trên đường phát triển. Trên thực tế, đây là một môn thể thao đang được ưa chuộng và ngày càng có sức hút. Dù chưa có thống kê chính xác về số sân golf đang hoạt động trên cả nước nhưng chắc chắn rằng, có nhiều sân golf quy mô lớn đang hoạt động hiệu quả, thu hút được nhiều golf thủ trong và ngoài nước, trong đó lượng khách du lịch kết hợp chơi golf ngày càng tăng. Có thể nói, sân golf là một trong những hạng mục công trình quan trọng đang thu hút một lượng lớn về đầu tư, xây dựng, kinh doanh.
PV: Việc thu hút ngày càng nhiều khách quốc tế thường xuyên tới Việt Nam chơi golf phải chăng là yếu tố tiềm năng cho việc hội nhập, phát triển ngành golf nước ta, thưa ông?
Ông Lê Hùng Nam: Tôi biết hiện nay lượng khách du lịch từ Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, đặc biệt là những nước có mùa đông dài, đến Việt Nam chơi golf rất nhiều. Nhiều người đã chia sẻ với tôi rằng, chơi golf ở Việt Nam là thiên đường golf, bởi trong khi ở đất nước họ, mùa đông toàn băng giá thì ở Việt Nam vẫn có thể chơi golf bình thường. Chưa kể Việt Nam có nhiều bờ biển, phong cảnh đẹp và con người thân thiện.
Với những yếu tố này, trong tương lai gần, lượng khách nước ngoài đến Việt Nam vừa để du lịch vừa để chơi golf sẽ tăng lên. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam có thể hội nhập với quốc tế trong việc tổ chức thêm nhiều giải thi đấu golf, nhiều lễ hội giao lưu văn hóa du lịch với các quốc gia.
“Hiệp hội Golf Việt Nam, các hội golf địa phương cũng đã kết nối với hội golf các nước trong khu vực để tổ chức các giải thi đấu cho người chơi, tổ chức các trận đấu golf giao lưu giữa các địa phương, đưa các vận động viên của Việt Nam tham dự các giải đấu ở nước ngoài… Đây là những tín hiệu cho thấy có sự giao lưu kết nối của người chơi golf, hay rộng hơn là ngành golf Việt Nam với các quốc gia trong khu vực để mở rộng mạng lưới phát triển ngành golf và cả du lịch theo hướng tích cực, chuyên nghiệp và văn minh hơn”.
PV: Vậy ông có cho rằng, trong tương lai ngành golf và ngành du lịch sẽ “về chung một nhà”?
Ông Lê Hùng Nam: Rõ ràng chúng ta đã thấy, “mối lương duyên” giữa ngành golf và ngành du lịch đã có nhưng để đơm hoa kết trái, gắn kết với nhau thực sự thì cần có sự chủ động từ cả hai phía.
Cần phải trả lời được câu hỏi: Nếu ngành golf muốn bắt tay thì ngành du lịch có sẵn sàng không? Có cơ hội nào để golf trở thành một sản phẩm của du lịch không? Trong các phương tiện quảng cáo, hội thảo du lịch ở các nước, chúng ta có đưa được các vấn đề đó ra cùng nhau hay không?
Từ thực tế hiện nay, tôi cho rằng, còn cần nhiều thời gian cho mối lương duyên này.
PV: Để giải được những câu hỏi trên, chắc hẳn sẽ cần vượt qua nhiều thách thức, thưa ông?
Ông Lê Hùng Nam: Đúng vậy. Thách thức hiện nay của ngành golf Việt Nam là con người, đây là bài toán cần rất nhiều thời gian để củng cố và phát triển. Cụ thể là đội ngũ huấn luyện viên golf ở nước ta hiện nay trình độ còn chưa cao và lực lượng còn mỏng nên cần được đào tạo chuyên nghiệp, cần có tâm huyết và phải hiểu sứ mệnh của họ. Có thể nói, trình độ golf của Việt Nam so với các nước trên thế giới hiện thua kém rất nhiều. Đặc biệt, việc đào tạo golf thủ trẻ của Việt Nam còn rất mỏng, số các gia đình đầu tư cho con em học golf chuyên sâu vô cùng nhỏ bé so với tỷ lệ dân số.
Bên cạnh đó, mặc dù golf đã tạo ra sức hút lớn ở Việt Nam nhưng môn thể thao này vẫn chưa thực sự được đông đảo cộng đồng hưởng ứng. Vẫn có không ít ý kiến rằng đây là môn thể thao của người giàu. Thậm chí còn kỳ thị với golf.
Chưa kể, chúng ta vẫn đang chú ý đến số lượng sân golf mà thực sự chưa quan tâm đến chất lượng. Chất lượng phục vụ tại một số sân golf chưa tốt, nhân viên còn thiếu chuyên nghiệp, hầu hết vẫn không thạo ngoại ngữ, thủ tục check-in và check-out chưa ở trình độ cao.
Cuối cùng là vấn đề giá sân khá đắt và cảnh quan chưa thực sự làm người chơi hài lòng.
PV: Vậy theo ông, giải pháp nào để phát triển ngành golf Việt Nam bền vững?
Ông Lê Hùng Nam: Hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà kể cả các nước, câu chuyện bảo vệ môi trường sân golf nói riêng, môi trường địa phương nói chung luôn được quan tâm nhiều nhất. Tuy nhiên, ở các nước, câu chuyện này không ồn ào bởi ngành golf phát triển sớm hơn Việt Nam nên họ sử dụng hệ thống xử lý môi trường, đất nước, hệ thống quan trắc để có thể kiểm soát được dư lượng kháng sinh, dư lượng thuốc trừ sâu ở mức độ cho phép.
Trong khi đó ở Việt Nam, những đánh giá ô nhiễm môi trường từ sân golf vẫn theo cảm tính. Chúng ta chưa có một cơ quan nào đứng ra báo cáo chi tiết về câu chuyện xử lý về nguồn nước, đất đai sân golf ra sao. Nếu như xử lý được vấn đề môi trường thì rõ ràng chúng ta sẽ vén được mây mù để nhìn ra một bầu trời tươi sáng. Bản thân sân golf thực sự rất đẹp, là nơi mọi người có thể chiêm ngưỡng và trải nghiệm cuộc sống.
Đối với câu chuyện văn minh thì rõ ràng, bất kể trong xã hội nào cũng cần nhận thức từ con người. Bởi nhiều người chơi ở Việt Nam vẫn chưa hiểu luật chơi, hành vi ứng xử văn hóa golf trên sân. Ở Việt Nam, thay đổi nhận thức của người chơi sẽ còn cần thêm thời gian. Thực tế nếu so với 5 năm trước thì nhận thức của người chơi golf Việt Nam hiện nay đã tiến bộ nhiều.
PV: Vậy chúng ta có thể học hỏi những gì từ ngành golf của các nước trong phát triển golf bền vững?
Ông Lê Hùng Nam: Nếu so với các nước như Thái Lan thì chúng ta vẫn khó có thể cạnh tranh được, khi mỗi năm họ đón hàng trăm ngàn golf thủ nước ngoài. Để làm được điều đó, chúng ta cũng cần phải học hỏi trong việc quảng bá mạnh mẽ về thị trường golf Việt Nam tại các triển lãm, hội chợ thương mại quốc tế. Đặc biệt là phải tập trung nguồn lực lớn để phát triển các sân golf chất lượng cao, hợp tác với các ngành du lịch, dịch vụ. Đồng thời tổ chức nhiều chương trình, giải đấu chuyện nghiệp và chất lượng để chúng ta có tên trên bản đồ golf thế giới, đặc biệt phải trở thành điểm đến ưa thích của người chơi golf.
Xin chân thành cảm ơn ông!