Aa

Mời thầu dự án cầu vượt sông 19.000 tỷ nối hai tỉnh thành giàu nhất Việt Nam, xoá bỏ hoàn toàn bến phà từ thời Pháp thuộc

Thứ Hai, 19/05/2025 - 11:03

Dự án này là một trong những công trình hạ tầng trọng điểm khu vực phía Nam – đang từng bước được triển khai với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 19.000 tỷ đồng.

Ngày 18/5, thông tin từ Sở Xây dựng Đồng Nai, UBND tỉnh đang kiến nghị Đảng ủy UBND tỉnh xin ý kiến Ban thường vụ Tỉnh ủy chấp thuận chủ trương triển khai thực hiện dự án cầu thay phà Cát Lái (cầu Cát Lái).

Trước đó, ngày 17/4/2025, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản số 4350/UBND-KTN về việc chấp thuận Sở Xây dựng thực hiện xúc tiến, tìm kiếm nhà đầu tư được lồng ghép trong Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Đồng Nai năm 2025 được UBND tỉnh phê duyệt tại Kế hoạch số 101/KH-UBND ngày 20/3/2025 với các danh mục dự án mời gọi nhà đầu tư về lĩnh vực kết nối hạ tầng giao thông.

Mời thầu dự án cầu vượt sông 19.000 tỷ nối hai tỉnh thành giàu nhất Việt Nam, xoá bỏ hoàn toàn bến phà từ thời Pháp thuộc- Ảnh 1.

Vị trí dự kiến xây cầu Cát Lái. Ảnh: Phapluatplus

Dự án cầu Cát Lái – một trong những công trình hạ tầng trọng điểm khu vực phía Nam – đang từng bước được triển khai với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 19.300 tỷ đồng. Công trình này giữ vai trò then chốt trong việc thay thế bến phà Cát Lái từ thời Pháp thuộc vốn đã quá tải, kết nối trực tiếp TP. HCM với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), đồng thời mở ra động lực phát triển mạnh mẽ cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo quy hoạch mới nhất, cầu Cát Lái sẽ có chiều dài khoảng 3km, với tổng chiều dài tuyến (bao gồm cả đường dẫn) hơn 11km. Cầu được thiết kế với 6 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp, đảm bảo tĩnh không thông thuyền 55m và vận tốc khai thác lên đến 80km/h. Điểm đầu của dự án nằm trên đường Nguyễn Thị Định, cách nút giao Mỹ Thủy khoảng 400m (thuộc TP.Thủ Đức, TP. HCM), và điểm cuối nối vào cao tốc Bến Lức – Long Thành tại khoảng Km33+500 (thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai).

Để thuận tiện trong công tác tổ chức, dự án được chia thành 4 thành phần chính. Phía TP.HCM sẽ đảm nhận công tác giải phóng mặt bằng với kinh phí ước tính hơn 3.600 tỷ đồng. Phía tỉnh Đồng Nai cũng thực hiện giải phóng mặt bằng trên địa bàn mình với chi phí khoảng 2.967 tỷ đồng. 

Mời thầu dự án cầu vượt sông 19.000 tỷ nối hai tỉnh thành giàu nhất Việt Nam, xoá bỏ hoàn toàn bến phà từ thời Pháp thuộc- Ảnh 2.

Phối cảnh cầu. Ảnh: Internet

Khi đi vào khai thác, cầu Cát Lái không chỉ giải tỏa áp lực cho tuyến phà cũ – hiện nay vốn đã phục vụ hơn 40.000 lượt xe mỗi ngày – mà còn mở ra không gian phát triển đô thị, thu hút đầu tư cho khu vực Nhơn Trạch và phía Đông TP. HCM. Công trình được kỳ vọng sẽ là bước ngoặt trong chiến lược liên kết vùng, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, kết nối thuận lợi giữa các tỉnh thành phía Nam trong nhiều thập kỷ tới.

TP. HCM và Đồng Nai bị chia cắt bởi các sông Đồng Nai, Lòng Tàu, Đồng Tranh và Thị Vải. Do đó để kết nối giao thông, cả 2 địa phương cần đầu tư xây dựng rất nhiều cây cầu. Hiện nay, cầu Long Thành trên cao tốc TP. HCM – Long Thành - Dầu Giây là cây cầu duy nhất đang khai thác nối trực tiếp 2 bờ sông 2 tỉnh thành.

Hai cây cầu khác gồm cầu Nhơn Trạch trên tuyến Vành đai 3 và cầu Phước Khánh cũng đang được thi công đồng thời. Cầu Cát Lái là cầu thứ 4 nằm trong quy hoạch nối đôi bờ Đồng Nai - TP. HCM.

Theo báo cáo kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2024 của Tổng cục Thống kê, hai TP trực thuộc trung ương là TP. HCM, Hà Nội có quy mô kinh tế lớn nhất nước, lần lượt đạt mức 1,78 triệu tỷ đồng và 1,43 triệu tỷ đồng. Tiếp đến là Đồng Nai, Bình Dương lần lượt có GRDP là 520 tỷ đồng và 494 tỷ đồng.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top