Aa

Món ăn thiêng của rằm tháng Bảy

Thứ Ba, 17/07/2018 - 06:00

Cỗ biếu bây giờ có cả giò chả và các món của thời hiện đại như bê thui, bò xào... Nhưng nếu nhìn vào mâm cỗ biếu rằm tháng Bảy không thấy bát canh ốc nấu chuối với màu vàng tươi của nghệ đặt ở giữa thì tôi vẫn thấy thiếu đi một cái gì đó vô cùng ý nghĩa và cảm thấy như có lỗi với tổ tiên, ông bà, cha mẹ và những người thân yêu đã khuất.

Vào ngày rằm tháng Bảy cách đây mấy năm, nhà thơ, đạo diễn, nhạc sỹ Lương Tử Đức về quê tôi ăn rằm. Ông đã có một khoảnh khắc đứng giữa đường làng và sững sờ. Một cảm xúc lạ thường xâm chiếm toàn bộ tâm hồn ông. Sau này, ông nói mãi với bạn bè về buổi trưa rằm tháng Bảy ấy. Điều gì đã làm cho tâm hồn ông biến động như vậy ? Đó là cảnh những người làng đi biếu cỗ trong ngày rằm tháng Bảy.

Làng tôi có tục biếu cỗ ngày rằm tháng Bảy. Với làng tôi thì rằm tháng Bảy là ngày người làng ăn to nhất. Vào khoảng mười giờ sáng là người ta bắt đầu đi biếu cỗ. Con trai lấy vợ ở riêng biếu cỗ cha mẹ, con gái đi lấy chồng biếu cỗ bố mẹ đẻ, em biếu cỗ anh chị.. .Ngoài ra người ta biếu cỗ cho những người không phải là ruột thịt nhưng họ mang ơn như bệnh nhân biếu cỗ thầy thuốc, học trò biếu cỗ thầy giáo, người được vớt khi đuối nước biếu cỗ ân nhân... Người làng tôi nấu cỗ cúng rằm rất sớm. Khi các món ăn được nấu xong thì người ta bắt đầu dọn cỗ biếu. Cỗ biếu rằm tháng Bảy làng tôi có những món như đùi vịt, canh ốc nấu chuối, thịt lợn luộc và xôi đậu.

Rằm tháng Bảy nhà nào cũng thịt vịt. Bây giờ người ta mới làm thịt gà, chứ hồi tôi còn nhỏ không thấy ai thịt gà bao giờ. Mẹ tôi nói, ngày trước vì đồng rộng, ao hồ nhiều nên nhà nào cũng nuôi mươi con vịt. Con vịt ngon nhất được dành cho ngày rằm tháng Bảy. Vịt luộc xong được cắt lấy cái đùi ngon nhất, đẹp nhất để đi biếu. Nếu luộc vịt mà lỡ để quá lửa làm da đùi vịt bị vỡ thì có người cẩn thận phải làm một con vịt khác. Cắt đùi vịt luộc đi biếu cũng phải rất nghệ thuật. Đùi vịt được cắt rộng bản để khi đặt lên kín cả chiếc đĩa. Người ta xếp cỗ biếu vào mâm đồng, chậu đồng, đậy chiếc nón ở trên và đội lên đầu đi biếu. Từ mười giờ đến mười một giờ sáng, đường làng tấp nập người đi biếu cỗ. Người được nhận cỗ biếu thường cho lại người đến biếu một món gì đó hoặc không lấy hết cỗ biếu với lý do “nhà ông bà cũng có món này, mang về cho các cháu nó ăn”.

Tôi chưa được đi biếu cỗ chính thức bao giờ vì hồi ở quê thì còn nhỏ. Nhưng lúc nào mẹ tôi đi biếu cỗ bà ngoại tôi cũng chạy theo mẹ. Cỗ biếu dù to hay nhỏ không quan trọng bằng người mang đi biếu. Người đi biếu cỗ là phụ nữ, con gái đã đi lấy chồng và con dâu. Nếu nhà nào cho trẻ con đi biếu cỗ có khi người được biếu không nhận bất cứ thứ gì vì cho rằng như thế là đánh mất lễ nghĩa. Và một điều vô cùng quan trọng là cho dù cỗ biếu nhiều đến đâu mà không có món ốc nhồi nấu chuối thì không phải là cỗ biếu. Chỉ sau này lớn lên mẹ tôi mới nói cho tôi vì sao như thế và cũng chỉ lúc đó tôi mới biết món ốc nấu chuối là món ăn thiêng trong ngày rằm tháng Bảy của làng tôi.

Trong những năm tháng nghèo đói xa xưa, cỗ rằm tháng Bảy ở nhiều gia đình không hề có thịt. Vì thế, cỗ biếu chỉ có hai món chính là một bát canh ốc nấu chuối và một đĩa xôi đậu. Làng tôi hồi xưa chia làm hai phần. Một bên là nhà ở và một bên là ao và đầm san sát. Cánh đồng làng tôi rộng, có nhiều mương máng. Trên cánh đồng lại có hai, ba cái chuôm. Chính thế mà cua ốc, tôm cá nhiều vô kể. Để có được món ốc ngon làm cỗ ngày rằm tháng Bảy, người làng phải chuẩn bị ốc từ trước đó một tháng. Mỗi gia đình sẽ có một người đi bắt ốc và thường là trẻ con từ bảy, tám tuổi trở lên.

Tôi có chú em trai tên là Nguyễn Thế Thiệu, một cậu bé sát cá vô cùng. Nghĩa là chú Thiệu cứ xuống ao, ra sông, ra đồng một lúc là có cả một xâu cá dài mang về. Trước rằm tháng Bảy một tháng, cứ buổi trưa trời nắng, chú Thiệu lại đội cái nồi đồng lớn xuống ao làng hoặc ra đầm nước đầu làng hoặc đầm nước cuối làng mò ốc. Vào những buổi trưa như thế, các ao đầm trong làng rộn vang tiếng người đi mò ốc.

Hồi bé, tôi thường nghe người làng hỏi nhau đã don được đủ ốc chưa. Có gia đình vì lý do nào đó mà không bắt được ốc hoặc don chưa đủ ốc cho nồi canh ốc chuối ngày rằm thì đến nhà anh em trong họ hoặc hàng xóm hỏi vay ốc. Sau rằm họ đi mò ốc để trả nợ. Khi đi mò ốc, chú Thiệu để cái nồi đồng trôi trên mặt nước. Mò được ốc chú bỏ vào nồi đồng. Có những cái ao sâu nước, người mò ốc phải mò bằng chân. Khi chân chạm thấy ốc thì lặn xuống bắt ốc lên. Trong khi mò ốc, người mò ốc thi thoảng lại sờ soạng khắp người kiểm tra xem có đỉa bám vào không.

Trước kia, ao hồ và cả ruộng lúa có rất nhiều các loại tôm. Có hôm đỉa bám vào mà không biết. Khi về đến nhà vô tình con đỉa rơi ra vì hút no máu tròn căng như một viên bi lớn màu đỏ thẫm. Mỗi lần chú Thiệu đi bắt ốc mẹ tôi đều dặn chú cẩn thẩn kẻo đỉa chui vào lỗ tai.

Thường mỗi buổi trưa như thế, chú Thiệu mò được dăm bảy chục con ốc nhồi. Khi chú Thiệu mang ốc về, mẹ tôi chọn những con ốc to nhất và béo nhất cho vào chiếc vại sành cạnh bể nước để giữ lại còn những con ốc nhỏ, ốc già và ốc gầy thì để cho anh chị em tôi luộc chấm tương gừng. Khi chọn ốc, mẹ tôi xem miệng con ốc và nhìn màu vỏ ốc là biết con ốc đã trưởng thành. Đó là những con ốc thường to và béo, thịt giòn mềm chứ không cứng và dai như ốc già. Ốc già thường có rêu bám trên vỏ, vỏ ốc già ngả sang màu rêu, chôn ốc hay bị mòn, miệng ốc thường bị sứt. Còn những con ốc vừa trưởng thành vỏ căng mọng, vàng ươm, miệng đầy. Ốc béo thì miệng đầy và màu vỏ sáng bóng. Cứ thế mẹ tôi don ốc trong chiếc vại để dành tới rằm. Cứ hai ngày mẹ tôi lại thay nước cho ốc trong vại. Nước cho vào vại là nước vo gạo để cho ốc ăn và cũng là thời gian làm cho ốc sạch. Khi don đủ hai trăm con ốc thì chú Thiệu không đi bắt ốc nữa.

Làng quê yêu dấu.

Làng quê yêu dấu.

Buổi tối trước ngày rằm, mẹ tôi vò một ít lá chanh cho vào vại ốc để đêm đó ốc nhả hết những bùn đất trong miệng lần cuối cùng. Sáng hôm sau mẹ tôi chặt đít ốc và cầm con ốc vẩy mạnh là cả ruột ốc ra khỏi vỏ trọn vẹn. Những con ốc được lựa chọn và nuôi bằng nước vo gạo tròn căng như một cục thịt mỡ béo ngậy. Canh ốc làng tôi cho đến bây giờ nhiều gia đình vẫn chỉ nấu với chuối và một đũa mỡ chứ không cho gì thêm nữa mặc dù ngày nay người ta nấu ốc chuối cho thêm đậu phụ và thịt ba chỉ. Có lẽ vì đó là một món ăn truyền thống và ý nghĩa nên người làng giữ nó như một phong tục và để nhớ về những năm tháng xa xưa nghèo đói. Những ngày xa xưa ấy, ai cũng nghèo nên chẳng thể có những món cao lương mỹ vị cúng tổ tiên và dâng biếu ông bà, cha mẹ.

Trong lúc đó, ao đầm trong làng lại nhiều ốc và nhà nào cũng trồng chuối. Thế là người làng Chùa của tôi xa xưa đã tìm ra một món ăn để nấu cúng ngày rằm và biếu ông bà, cha mẹ, anh em và những ân nhân của mình. Món ốc chuối làng tôi có từ khi làng được dựng lên. Ốc nấu chuối có màu vàng của nghệ và vị chua của mẻ cùng với mùi thơm của rau tía tô và mùi tàu. Bát ốc biếu lúc nào cũng được múc đầy có ngọn. Và trên mặt bát là những con ốc béo đượm màu vàng của nghệ được sắp xếp cẩn thận và đầy nghệ thuật, nhìn thật hấp dẫn đến ứa trào nước miếng.

Bây giờ, thi thoảng thấy tôi về quê, các cháu vẫn mang biếu ốc. “Con biếu ông bà trăm ốc để ông bà nấu chuối”. Kèm theo trăm ốc ngon, các cháu lúc nào cũng biếu một nải chuối xanh cắt trong vườn. Hồi chú Thiệu nhà tôi còn làm ăn ở Nga, có lần về chơi nhà trở lại Nga, chú mang theo cả mấy trăm ốc nhồi. Chú Thiệu cho ốc vào một cái bị cói và bỏ vào vali cùng với vài ba nải chuối xanh. Sang đến Nga, chú nấu một nồi canh ốc chuối truyền thống của làng Chùa và mời bạn bè đến thưởng thức.

Tục biếu cỗ ngày rằm tháng Bảy, làng tôi vẫn giữ. Đời sống đã khá lên rất nhiều, vì thế mâm cỗ biếu cũng thay đổi. Cỗ biếu bây giờ có cả giò chả và các món của thời hiện đại như bê thui, bò xào... Nhưng nếu nhìn vào mâm cỗ biếu rằm tháng Bảy không thấy bát canh ốc nấu chuối với màu vàng tươi của nghệ đặt ở giữa thì tôi vẫn thấy thiếu đi một cái gì đó vô cùng ý nghĩa và cảm thấy như có lỗi với tổ tiên, ông bà, cha mẹ và những người thân yêu đã khuất. Cái thiếu ấy không phải là thiếu một món ăn mà thiếu đi một điều gì đó thiêng liêng. Đó chính là nghi lễ của lòng tôn kính và mang ơn đối với tổ tiên, ông bà cha mẹ và ân nhân của mình.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top