Aa

Món quà lớn tôi nhận từ Nguyễn Trần Bạt

Thứ Năm, 17/12/2020 - 09:00

Trong đời mình, tôi luôn cảm thấy mình thực sự đã nhận từ Nguyễn Trần Bạt một món quà lớn, rất lớn, ngoài sức tưởng tượng nên chỉ có thể nói nó vô giá: Đó là tấm lòng tri kỷ lớn của ông.

Ở đâu đó tôi đã từng kể rằng, tuy cực kỳ giàu có, nhưng Nguyễn Trần Bạt sống vô cùng giản dị. Ông thích mua sắm ở những chợ “hàng bãi”. Đồ ông mặc trên mình hàng ngày chả khác gì những thứ tôi mặc.

Tôi cũng hơn một lần kể với bạn đọc rằng, tuy học vấn rất uyên bác, nhưng Nguyễn Trần Bạt vẫn cứ thấy có chút “tự ti” với việc xuất bản sách. Có lẽ vì thế, khi cuốn sách đầu tay có tên "Văn hóa và con người" ra đời, ông vui và hồi hộp y như trẻ thơ được nhận quà. Tiếp đó là cuốn "Cải cách và Phát triển", rồi đến cuốn "Suy tưởng" gây sóng gió, rồi "Cội nguồn cảm hứng", cả một seri, mà đều đình đám cả. Tuy là sách bàn về văn hóa, chính trị, kinh doanh… nhưng hấp dẫn không thua gì tiểu thuyết, lại được đủ các thành phần bạn đọc thích thú, khiến có cuốn phải tái bản ngay sau khi ra đời chỉ một năm, có cuốn tái bản nhiều lần. 

Cũng từ đây, tác giả của những cuốn sách ấy không còn chỉ được biết đến như một doanh nhân thành đạt, mà thiên hạ dần quen với cái tên Nguyễn Trần Bạt trong tư cách nhà nghiên cứu văn hóa. Trong một lần nói chuyện với hàng trăm nhân viên tại chi nhánh TP.HCM, khi có cả mặt tôi, ông thật lòng bảo rằng, những cuốn sách đã xóa giúp ông “tiếng xấu” trọc phú và công đó thuộc về tôi.

Mối quan hệ giữa chúng tôi mỗi ngày thêm thân tình, gắn bó, cũng nhờ những cuốn sách.

Một hôm, đang giữa buổi làm việc, ông bất ngờ kéo mấy cán bộ thân cận xuống thăm tôi tại nhà riêng mà không hề báo trước. Ông rất ít khi làm việc gì đó khi chưa có kế hoạch chi tiết và thường phạt nặng nhân viên nào tùy tiện làm vậy. Thế mà lần này thì chính ông lại phá lệ. 

Ông tự đắc bảo là ông biết chắc chắn hôm nay tôi có nhà! Chả hiểu sao hôm đó vợ tôi cũng không đi làm! Tôi bèn nhờ vợ sửa vài thứ để mời ông uống ly rượu như thói quen tiếp khách quý tôi vẫn duy trì, nhưng ông xua tay. Khi tôi bảo rượu tôi định mời ông do các linh mục ở Đại Chủng viện Hà Nội tặng, nhân một lần tôi đến nói chuyện với các Chủng sinh, thì mắt ông vụt sáng lên:

- Vậy hả? Rượu của Chúa thì nhất định phải uống rồi.

Chúng tôi chạm cốc và tất cả cùng dốc cạn. Bấy giờ, ông Bạt mới thủng thẳng nói lý do ông xuống thăm tôi. Ông bảo ông và mấy cán bộ thân cận của ông, mỗi người vừa mua được một mảnh đất ở suối Nẩy (hay Lẩy?) tại Xuân Mai (tôi lần đầu nghe tên địa danh này) để làm khu nhà nghỉ cuối tuần. 

Chuyên gia Kinh tế Nguyễn Trần Bạt

Ông khoa tay mô tả đó sẽ là nơi tuyệt đẹp, phù hợp với những người cần yên tĩnh viết lách. Ông tiện thể “khoe” về cái duyên bất động sản của mình, rằng nhiều nhân viên nhờ ăn theo duyên của ông mà thành khá giả. “Có đúng không các bạn?”, ông quay sang hỏi mọi người nhưng không để nghe trả lời. Lần này, tại nơi mà ông đang nói đến, bản thân ông đã mua khoảng chục sào, các nhân viên thân cận mỗi người cũng dăm ba sào. Và ông muốn “kéo” vợ chồng tôi cùng về đó cho vui… tuổi già!

Nghe ông Bạt nói vậy, tôi bật cười lớn. Ông ra hiệu cho tôi là ông biết vì sao tôi cười rồi, nên nói luôn:

- Chú định nói với tôi chú không có tiền chứ gì? Tôi cho vay. Bác Bạt không thiếu tiền cho cô chú vay. Ví dụ cô chú mua ba sào, chỉ cần thế thôi, mất khoảng ba trăm triệu đồng, với tôi chuyện đó bé tí thôi mà. Bao giờ cô chú có thì trả, kể cả một trăm năm sau…

Tôi nghe ông nói chân thành như vậy thì thôi không cười nữa. Tôi hiểu đó là tấm lòng của ông dành riêng cho chúng tôi. Nhưng làm sao tôi có thể nhận một món quà lớn như vậy, thậm chí quá lớn (cho đến lúc ấy, chưa bao giờ tôi có trong nhà tới một phần ba số tiền đó). Vợ tôi vừa rót nước vừa đưa mắt cho tôi đầy cảnh giác, vì cô ấy vẫn rất sợ những cơn ngẫu hứng dễ dãi của tôi. Tôi hiểu ý vợ tôi muốn nói gì. Tôi bèn từ chối khéo:

- Bọn em không có số thổ trạch bác ạ. Các cụ chỉ cho đủ một chỗ ở thôi. Thế này cũng là ăn lạm vào phần của con cháu rồi.

- Cô chú không có số, nhưng tôi thì có - ông Bạt xua tay, giọng có phần gắt gỏng - Tôi cho cô chú “mượn” số của tôi, gọi là ké cũng được!

 Ông quay ra thuyết phục vợ tôi: 

- Tạ Duy Anh nó là nhà văn, nó chỉ biết viết thôi, anh không bàn với nó chuyện đất cát, mà anh muốn bàn với em. Anh đã ngắm cho cô một miếng rồi, đẹp, chỗ đó về lâu về dài khá ổn, cô quyết đi.

Đến lượt vợ tôi cười cười bảo:

- Nhà em nói đúng đấy bác ạ, bọn em chỉ được các cụ ban lộc đất cát một lần thôi...

Biết là chúng tôi không nhận món quà ông tặng, ông Bạt tỏ ra có chút cụt hứng. Sau này, khi cuốn "Đối thoại với tương lai" (tên này do tôi đặt) ra đời, quá ấn tượng cả về hình thức và nội dung, lại kịp để ông mang về Sài Gòn khoe với bạn bè đúng dịp Tết Âm lịch, ông bèn mời nhà văn Nguyễn Khắc Trường và tôi đi du lịch một tour châu Âu. Ông đã cử người sang gặp chúng tôi bàn về thời gian của chuyến đi. Nhưng cả hai chúng tôi đều từ chối.

Tuy thế, trong đời mình, tôi luôn cảm thấy mình thực sự đã nhận từ Nguyễn Trần Bạt một món quà lớn, rất lớn, ngoài sức tưởng tượng nên chỉ có thể nói nó vô giá: Đó là tấm lòng tri kỷ lớn của ông. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top