Aa

Một số dự án kết nối giao thông với sân bay lớn nhất Việt Nam đang chậm tiến độ

Thứ Sáu, 20/12/2024 - 10:22

Hiện nay một số dự án kết nối giao thông với sân bay Long Thành lớn nhất Việt Nam đang trong tình trạng vướng mặt bằng.

Theo dự kiến, Cảng hàng không quốc tế sân bay Long Thành sẽ đi vào hoạt động trong giai đoạn cuối năm 2026.

Mặc dù vậy, đến nay nhiều tuyến đường kết nối với sân bay Long Thành lại đang ì ạch do vướng giải phóng mặt bằng và thiếu vốn, thậm chí có dự án còn chưa khởi công. Trong khi đó, một số ít tuyến đường hiện hữu hiện lại đang trong tình trạng quá tải.

Một số dự án kết nối giao thông với sân bay lớn nhất Việt Nam đang chậm tiến độ- Ảnh 1.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành ngày 3/12. Ảnh: Hà Anh Chiến

Nút giao giữa cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu với sân bay quốc tế Long Thành hiện nay còn vướng mặt bằng. Tại vị trí Km28 và hầm chui hiện nay còn nhiều công trình hạ tầng chưa được di dời.

Theo ghi nhận, tuyến đường tỉnh 769 có vốn đầu tư 6200 tỷ sẽ được xem là một đầu mối kết nối giao thông với sân bay Long Thành, tuy nhiên hiện nay dự án này vẫn chưa có động thái khởi động.

Nhằm mục tiêu tăng cường kết nối với sân bay Long Thành, dự kiến sẽ có nhiều tuyến giao thông kết nối như Vành đai 3, Vành đai 4 hay cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cùng 3 tuyến đường tỉnh. Mặc dù vậy hiện nay các dự án đa phần đều gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.

Một số dự án kết nối giao thông với sân bay lớn nhất Việt Nam đang chậm tiến độ- Ảnh 2.

Các tuyến giao thông kết nối sân bay Long Thành. Ảnh: UBND tỉnh Đồng Nai

Theo VTV.vn, chuyên gia giao thông nhận định rằng trước mắt có thể tập trung xử lý mở rộng cao tốc TP. HCM - Long Thành để triển khai các phương tiện mới.

Mặc dù chậm nhưng đã phần các dự án giao thông trọng điểm hiện đều đang được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt nhằm đẩy nhanh tiến độ.

Hiện nay, các địa phương cũng đang triển khai nhiều cơ chế đặc thù nhằm giải phóng mặt bằng và tìm nguồn đất đắp.

Ngoài ra, các chuyên gia vẫn cho rằng cần thiết triển khai tuyến đường sắt nhẹ để kết nối giữa các đô thị vùng sân bay Long Thành.

Một số dự án kết nối giao thông với sân bay lớn nhất Việt Nam đang chậm tiến độ- Ảnh 3.

Phối cảnh Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sau khi hoàn thiện. Ảnh minh họa

Thông tin trên báo Lao Động cho biết, trước đó ngày 3/12, trong chương trình công tác tại phía Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kiểm tra thi công Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành về hệ thống giao thông kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ GTVT rà soát, nghiên cứu phương án đường sắt tốc độ cao kết nối trực tiếp 2 sân bay là sân bay Long Thành và sân bay Tân Sơn Nhất nhằm bảo đảm nhanh nhất, hiệu quả nhất, trong quý I/2025 phải hoàn thành hướng tuyến, khả năng đầu tư...

Lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu Bộ GTVT, Chủ đầu tư và các Bộ, ngành liên quan kiểm điểm rõ trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức gây cản trở dẫn đến những vướng mắc, chậm trễ, xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, trước mắt điều chuyển, cho nghỉ công tác đối với những cán bộ gây cản trở, để xảy ra vướng mắc, chậm trễ trong triển khai dự án.

Cùng với đó, các Bộ, ngành liên quan phải giải trình việc chậm trễ trong việc xây dựng Trụ sở các cơ quan Kiểm dịch động/thực vật và các công trình dịch vụ mặt đất; xác định rõ trách nhiệm, báo cáo Thủ tướng trong tháng 12/2024.

Dự án sân bay Long Thành được xây dựng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai có tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD, chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 dự kiến khai thác vào năm 2026 với vốn đầu tư 5,45 tỷ USD, đạt công suất 25 triệu lượt khách/năm.

Giai đoạn 2 triển khai từ năm 2028-2032, nâng công suất lên 50 triệu lượt khách/năm.

Giai đoạn 3 sẽ bắt đầu sau năm 2035, đưa công suất sân bay lên 100 triệu lượt khách/năm và giúp sân bay Long Thành trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top